Thứ Hai, 22/08/2022 09:35

Cuộc đua thâu tóm doanh nghiệp ngành sữa đang nóng trở lại?

Mới đây, công ty con của Nutifood là Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood Bình Dương chính thức trở thành cổ đông lớn tại QNS – đơn vị sở hữu thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy. Diễn biến của những ông lớn này liệu cho thấy cuộc đua thâu tóm doanh nghiệp ngành sữa đang sốt trở lại?

Ngày 02/08, công ty con của CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood là CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood Bình Dương đã mua vào 2 triệu cp QNS (CTCP Đường Quảng Ngãi) – nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất Việt Nam với thương hiệu Vinasoy. Ước tính, giá trị giao dịch rơi vào khoảng 90 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu của Công ty với QNS lên 1.74%.

Cộng với hơn 12.8 triệu cp (tương đương 3.6%) mà công ty mẹ là Nutifood đang nắm giữ, tổng cộng nhóm cổ đông Nutifood sở hữu 5.33% cổ phần tại QNS. Nói cách khác, Nutifood đã trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp này.

Và chưa dừng lại ở đó, Nutifood Bình Dương lại tiếp tục gom thêm 4 triệu cp QNS nữa trong 2 phiên 05/08 và 10/08 với giá trị ước tính hơn 180 tỷ đồng.

Thâu tóm “miếng bánh” QNS

QNS đối với doanh nghiệp ngành sữa thực chất là một mặt hàng đầy thu hút, không chỉ bởi vị thế là nhà sản xuất sữa đậu nành hàng đầu thị trường với doanh thu – lợi nhuận ổn định mà còn do một yếu tố cốt lõi, đó là cơ cấu cổ đông phân mảnh.

Theo báo cáo quản trị bán niên 2022, ban lãnh đạo Công ty cùng người có liên quan đang nắm giữ hơn 18% cổ phần. Cổ đông lớn nhất của QNS hiện là Công ty TNHH MTV TM Thành Phát nắm 15.5%, nhưng đây vốn là công ty con mà QNS nắm giữ 100% cổ phần nên về bản chất vẫn thuộc sở hữu của Công ty. Đa số cổ phần còn lại nằm trong tay nhóm cổ đông khác là các cổ đông nhỏ lẻ và người lao động công ty.

Có thể thấy về mặt sở hữu được công bố đại chúng, hiện vẫn chưa có ai sở hữu và chi phối QNS. Với một doanh nghiệp nắm giữ thị phần sữa lớn nói chung (top 4 trong 7 doanh nghiệp sữa hàng đầu, theo báo cáo của SSI năm 2020) và 90% thị phần sữa đậu nành hộp giấy tại Việt Nam (theo báo cáo của Nielsen Vietnam 2021), QNS giống như một miếng bánh tỏa hương để các ông lớn nhảy vào cuộc chơi, thậm chí với cả các “cá mập” đầu tư tài chính. Trước Nutifood, VinaCapital và Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đều từng hiện diện. Trong đó, Quỹ VOF thuộc VinaCapital, thông qua tổ chức Foremost Worldwide Limited, hiện sở hữu hơn 5.1% cổ phần (theo công bố từ VOF).

Sở hữu thương hiệu Vinasoy hiện đang chiếm thị phần sữa đậu nành hộp giấy lớn nhất, những năm qua QNS duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng tương đối ổn định. Ngoại trừ năm 2020 chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, trong 5 năm gần nhất QNS đạt tăng trưởng lợi nhuận dương, trung bình khoảng 12%/năm.

QNS không chỉ có Vinasoy, mà còn là một trong những doanh nghiệp sản xuất mía đường hàng đầu thị trường. Bên cạnh đó, Doanh nghiệp còn sở hữu nhà máy sản xuất bia Dung Quất, nhà máy nước khoáng Thạch Bích, nhà máy bánh kẹo Biscafun, đồng thời tham gia cả vào ngành năng lượng với nhà máy Điện sinh khối An Khê.

Danh mục sản phẩm và ngành nghề chủ đạo của QNS
Nguồn: QNS

Quý 2/2022, QNS đạt lãi ròng 361 tỷ đồng, tăng trưởng 1.3% so với cùng kỳ. Lũy kế nửa đầu năm 2022 lãi hơn 541 tỷ đồng, tăng trưởng 3%. Cộng thêm mức chi trả cổ tức rất hậu (tỷ lệ 20% trong năm 2022), cổ đông thường ít có động lực để “xả hàng”. Bởi vậy mà dù đã lên sàn UPCoM từ năm 2016 nhưng đến nay, vẫn chưa có ông lớn nào thực sự nắm giữ được QNS cả.

Câu chuyện thâu tóm được QNS không đơn giản đến vậy. Vấn đề là nhiều năm qua, QNS hoạt động rất hiệu quả dù tỉ lệ tăng trưởng có phần chững lại.

Thậm chí, ban lãnh đạo Công ty cũng ý thức được chuyện này và đang có động thái tích cực gom cổ phiếu. Ông Võ Thành Đàng – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc QNS mới đây đã đăng ký mua 1 triệu cp từ 04 - 31/08, sau khi mua bất thành số lượng tương ứng trước đó vì lý do điều kiện thị trường chưa phù hợp. Thương vụ có giá trị ước tính khoảng 44 tỷ đồng.

Trước đó nữa, ông Đàng chỉ mua thành công 321,000 cp trên tổng số 1 triệu cp đăng ký trong giai đoạn từ 26/05 - 24/06 với cùng lý do. Với giá trung bình 45,841 đồng/cp, ông Đàng có thể đã chi 14.7 tỷ đồng để thực hiện giao dịch này.

“Cuộc chơi” thị phần ngành sữa đã có từ lâu

Cuối năm 2019, thị phần doanh nghiệp ngành sữa có sự chuyển biến mạnh mẽ sau khi ông lớn Vinamilk (HOSE: VNM) nâng tỷ lệ sở hữu tại GTNFoods (HOSE: GTN) – đơn vị sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu - từ hơn 43% lên 75%. qua đó sát nhập GTN thành công ty con của mình.

Vinamilk thâu tóm sữa Mộc Châu – một thương vụ hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích trong dài hạn, từ gia tăng thị phần, nguồn cung sữa cũng như tiếp cận được quỹ đất rộng lớn và giàu tiềm năng để mở rộng quy mô chăn nuôi bò sữa. Trước đó, CTCP Sữa Mộc Châu (UPCoM: MCM) sở hữu khoảng 3,000 con bò sữa và thu mua sữa từ hơn 20,000 con bò khác của các hộ dân liên kết xung quanh. Ngoài ra, thương vụ này cũng đặt dấu chấm hết cho các đối thủ cạnh tranh muốn ra tay chiếm lấy Sữa Mộc Châu để tăng thị phần.

Tới cuối tháng 11/2021, ĐHĐCĐ bất thường đã thông qua phương án sát nhập GTN vào Vilico (UPCoM: VLC) – doanh nghiệp ngành chăn nuôi, sản xuất thực phẩm và sữa – theo phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi lấy toàn bộ cổ phiếu GTN đang lưu hành. Nhưng do Vinamilk đang chiếm tới 75% cổ phần tại GTN, Công ty cũng trở thành cổ đông chi phối VLC sau khi sát nhập với tỷ lệ sở hữu gần 68%. Sau đợt sát nhập này, VLC bên cạnh việc đẩy mạnh kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi cũng sẽ tích cực hoạt động trong mảng sữa, thông qua Sữa Mộc Châu.

Nối gót Vinamilk là CTCP Blue Point cùng Chứng khoán Bản Việt (HOSE: VCSC) với thương vụ thâu tóm tới 95% cổ phần của CTCP Sữa Quốc tế (UPCoM: IDP) – doanh nghiệp sở hữu thương hiệu sữa Love’in Farm, Ba Vì và Love’in Farm KUN. Cụ thể vào ngày 03/08/2020, Blue Point mua thành công 13 triệu cp IDP, nâng tỷ lệ sở hữu lên 80%. Cùng với đó, VCSC hoàn tất mua hơn 8.8 triệu cp, qua đó sở hữu 15% cổ phần của IDP. Thương vụ khi ấy được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên một thế lực mới trên thị trường ngành sữa. Và quả thực, những năm qua IDP luôn đạt lợi nhuận ròng tăng trưởng ấn tượng (2020 gấp 4.4 lần cùng kỳ, 2021 tăng 64%). Riêng quý 2/2022 lãi ròng IDP giảm nhẹ 5% do chi phí bán hàng lẫn giá vốn tăng cao dẫn đến biên lợi nhuận gộp giảm, nhưng lũy kế nửa năm vẫn đạt tăng trưởng 11% so với cùng kỳ, lên hơn 452 tỷ đồng.

Năm 2020 thị trường sữa Việt Nam đã đạt giá trị 135 ngàn tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019. Các ngành hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao gồm sữa nước (10%), sữa chua (12%), pho mát (11%) và các sản phẩm từ sữa khác 8% trong khi sữa bột chỉ tăng 4% về giá trị, theo báo cáo từ Euromonitor.

SSI nhận định về tình hình ngành sữa nửa cuối năm 2022, giá sữa bột nguyên kem (WMP), sữa bột tách kem (SMP) và chất béo sữa dạng khan (AMF) có sự điều chỉnh bắt đầu từ tháng 3/2022. Kết hợp với việc tăng giá bán bình quân trong 6 tháng đầu năm, tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty sữa có thể sẽ cải thiện từ quý 4. Còn VNDirect dự báo mảng sữa nước sẽ đạt mức tăng trưởng kép 7.7% về doanh số trong giai đoạn 2021-2025.

Thị phần ngành sữa đã và đang là một mảnh đất màu mỡ. Với việc Nutifood gom cổ phiếu QNS, phải chăng cuộc chơi thâu tóm doanh nghiệp ngành sữa đang nóng trở lại?

Hồng Đức

FILI

Các tin tức khác

>   VPB: CBTT kết quả phát hành ESOP (17/08/2022)

>   Bloomberg: Nhà sản xuất điện lớn nhất Nhật Bản mua 35% cổ phần GEG (17/08/2022)

>   VSC muốn phát hành 40 triệu cp với giá bằng nửa thị trường (18/08/2022)

>   Đất Xanh sẽ rót 7 ngàn tỷ từ trái phiếu quốc tế vào công ty con (16/08/2022)

>   Doanh nghiệp cổ phần thay đổi vốn điều lệ như thế nào? (18/08/2022)

>   CMG lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tổng tỷ lệ 38% (15/08/2022)

>   ECI thay đổi phương án tăng vốn, phát hành 100 triệu cp (11/08/2022)

>   VPB: Thông báo về việc giải tỏa 30% đợt 1 cổ phiếu ESOP 2021 (10/08/2022)

>   SSI tăng vốn lên gần 15,000 tỷ đồng (10/08/2022)

>   PNJ: Thông báo giao dịch cổ phiếu ESOP của Người nội bộ Tiêu Yến Trinh, Huỳnh Đức Huy, Lê Quang Phúc (09/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật