Chứng khoán VPBank kinh doanh thế nào 6 tháng đầu năm?
Nửa đầu năm 2022, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBanksc) báo lãi sau thuế hơn 74 tỷ đồng, kinh doanh trái phiếu là hoạt động mang lại lợi nhuận chủ đạo.
Có doanh thu trở lại ở nhiều mảng
Sau khi được VPBank mua lại và tái cơ cấu, Chứng khoán VPBank ghi nhận kết quả khả quan trong nửa đầu năm 2022. Cùng kỳ năm trước, Công ty chỉ ghi nhận kết quả ở mảng tư vấn với doanh thu gần 50 triệu đồng. Trong nửa đầu năm 2022, VPBanksc ghi nhận doanh thu ở nhiều mảng như tự doanh, môi giới, cho vay margin.
Cụ thể, lãi từ cho vay và phải thu đạt 38.5 tỷ đồng. Doanh thu môi giới đạt 12.6 tỷ đồng. Doanh thu tư vấn đạt 9.1 tỷ đồng. Ở mảng tự doanh, Công ty lãi gần 80 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay nhảy vọt từ con số 0 lên gần 3 ngàn tỷ đồng (tại ngày 30/06/2022).
Kết thúc 6 tháng đầu năm, VPBanksc đạt lãi sau thuế hơn 74 tỷ đồng, gấp hơn 21 lần cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của VPBanksc
|
Hoạt động tự doanh là mảng mang lại lợi nhuận tích cực nhất cho VPBanksc. Lãi từ việc bán tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt gần 47 tỷ đồng, cổ tức từ tài sản FVTPL gần 55 tỷ đồng. VPBanksc chỉ lỗ 20.5 tỷ đồng bán tài sản tài chính FVPTL.
Thu lợi nhuận từ trái phiếu doanh nghiệp
Đi sâu vào mảng tự doanh, có thể thấy hoạt động của Công ty gắn liền với trái phiếu doanh nghiệp.
Nổi bật, nửa đầu năm, Công ty đã bán hơn 1 ngàn tỷ đồng trái phiếu của Đầu tư Xuất nhập khẩu Tổng hợp Đức Mai, gần 1.3 ngàn tỷ đồng trái phiếu của Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc và 1 ngàn tỷ đồng trái phiếu của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland). Ngoài ra, Công ty bán hơn 4 tỷ đồng các trái phiếu khác. Từ đó thu về gần 47 tỷ đồng lợi nhuận.
Ở chiều ngược lại, tự doanh đã bán lỗ 20.5 tỷ đồng, trong đó nổi bật là trái phiếu của Novaland, Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường, Đầu tư và Tư vấn Quản lý Biển Đông.
Các khoản lời lỗ bán tài sản tài chính FVTPL của VPBanksc nửa đầu năm 2022
Nguồn: BCTC VPBanksc
|
Cuối tháng 6, danh mục tài sản tài chính FVTPL của Công ty ghi nhận 100% là trái phiếu. Trong đó, giá trị trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết chiếm 95.5%. Một số khoản trái phiếu nổi bật như trái phiếu của Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc (gần 1.3 ngàn tỷ đồng), Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Mỹ Phú (700 tỷ đồng), KITA Invest (690 tỷ đồng), Công ty Vịnh Ngôi Sao (530 tỷ đồng).
Danh mục tài sản tài chính FVTPL của VPBanksc
Nguồn: BCTC VPBanksc
|
Trong khi đó, mảng môi giới chịu lỗ gần 10 tỷ đồng trong nửa đầu năm vì chi phí môi giới cao vượt doanh thu.
Chứng khoán VPBank tiền thân là Chứng khoán ASC, công ty chứng khoán nhỏ với vốn điều lệ 56 tỷ đồng. Trong quá khứ, công ty chứng khoán này đã rút nghiệp vụ môi giới để tái cơ cấu hoạt động kinh doanh từ năm 2006. Đầu năm 2022, VPBank thông báo nhận chuyển nhượng gần 26.2 triệu cp của ASC, tương ứng 97.42% vốn điều lệ.
Sau khi về tay VPBank, Chứng khoán ASC đổi tên, đồng thời chào bán hơn 865 triệu cp để tăng vốn điều lệ lên 8,920 tỷ đồng.
Cùng với kế hoạch tăng vốn, VPBanksc cũng thông qua kế hoạch kinh doanh tham vọng với mục tiêu doanh thu 1,509 tỷ đồng và lãi sau thuế 632 tỷ đồng, gấp 131 lần và 104 lần kết quả năm trước.
Yến Chi
FILI
|