CFV tăng trần 12 phiên liên tiếp dù kinh doanh thua lỗ, chuyện gì đang xảy ra?
Cổ phiếu CTCP Cà phê Thắng Lợi (UPCoM: CFV) có phiên thứ 12 liên tiếp bật trần tính tới ngày 30/08/2022.
Đà tăng sốc của cổ phiếu CFV bắt đầu từ phiên ngày 15/08. CFV trải qua 12 phiên liên tiếp tăng trần liên tục tính đến thời điểm kết phiên 30/08, với thị giá 19,800 đồng/cp, gấp 4.6 lần so với thời điểm kết phiên 12/08. Tuy nhiên cần lưu ý, khối lượng giao dịch của CFV khá thấp, trung bình chưa đến 400 cp/phiên trong giai đoạn trên.
Thậm chí ngay trong sáng nay (31/08), cổ phiếu CFV vẫn tiếp tục tím lịm với giá giao dịch 22,700 đồng/cp.
Cổ phiếu CFV có tới 12 phiên bật trần liên tiếp từ 15-30/08/2022
|
Kinh doanh thua lỗ nhưng cổ phiếu vẫn tăng liên tục
Diễn biến liên tục trần của CFV diễn ra trong bối cảnh Công ty báo lỗ vào quý 2/2022. Cụ thể nửa đầu năm nay, CFV đạt gần 222 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 6%. Tuy nhiên, việc giá vốn tăng hơn 10% lên 218 tỷ đồng đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, khiến lãi gộp bán niên giảm hơn 65%, còn hơn 4 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu CFV từ đầu tháng 8/2022 |
|
Doanh thu tài chính giảm gần 19% (còn gần 2 tỷ đồng), trong khi chi phí tài chính bật tăng lên 1.6 tỷ đồng (tăng 34% so với cùng kỳ). Dù các khoản chi phí khác như chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm, Công ty vẫn lỗ gần 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 2.5 tỷ đồng. Tính đến 30/06, CFV lỗ lũy kế gần 4 tỷ đồng.
Trên thực tế ở thời điểm cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp (từ 15 - 19/08), CFV cũng đã có văn bản giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Lãnh đạo CFV cho biết: "Công ty không có bất kỳ thông tin có lợi liên quan làm ảnh hưởng đến biến động giá giao dịch trên thị trường chứng khoán tăng trần nhiều phiên liên tiếp".
Thậm chí, việc báo lỗ trong BCTC bán niên còn được CFV cho rằng đó là "thông tin bất lợi". "Vì vậy, xét theo số liệu như trên và tình hình thực tế thì Công ty không có căn cứ giải trình liên quan đến việc giá cổ phiếu đã tăng trần 5 phiên liên tiếp", công văn giải trình của CFV nêu.
CFV báo lỗ quý 2/2022, nhưng cổ phiếu đang có đà tăng sốc |
|
Bí ẩn đại gia sở hữu CFV?
CFV tiền thân là Nông trường Cà phê Thắng Lợi, được thành lập vào tháng 03/1977, với hoạt động kinh doanh chính là trồng, chế biến và xuất khẩu cà phê. Ngày 22/04/2016, Công ty được cổ phần hóa theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk. Ngày 03/06/2019, cổ phiếu của Công ty chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM, với vốn điều lệ ban đầu là hơn 62 tỷ đồng. Tính đến nay, vốn điều lệ Công ty đã tăng lên hơn 126 tỷ đồng, với 2 cổ đông lớn là UBND tỉnh Đắk Lắk (nắm giữ 36% cổ phần, tương đương hơn 4.5 triệu cp) và bà Phạm Thị Linh, vợ ông Đỗ Hoàng Phúc - Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của CFV, theo báo cáo quản trị bán niên 2022.
Về ông Đỗ Hoàng Phúc, doanh nhân gốc Ninh Bình cùng vợ hiện đang nắm giữ cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có tiếng như BSR, MIG. Tại Đắk Lắk, ông và vợ cùng con trai là Đỗ Hoàng Phương nắm giữ tổng cộng gần 59.2% cổ phần của CTCP Cấp nước Đắk Lắk (UPCoM: DWC), tương đương 18.6 triệu cp. Theo báo cáo quản trị bán niên 2022, ông Phúc cũng đang là Chủ tịch HĐQT DWC, còn con trai giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT, và bà Linh là thành viên HĐQT.
Tính đến cuối tháng 6/2022, DWC có khoản lỗ lũy kế gần 12 tỷ đồng, riêng nửa đầu năm nay Công ty lỗ 8.7 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước còn lãi được 6.6 tỷ đồng.
Vợ chồng ông Phúc còn sở hữu cổ phần của loạt pháp nhân khác là CTCP Xi măng Thanh Long; Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Dịch vụ Nam Hải, Công ty TNHH Trường Thịnh Phát Ninh Bình, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nam Phương, Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Materials Nam Phương, CTCP Xuất nhập khẩu Nam Phương IMEX.
Cả hai cũng có liên quan đến thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Chăn Nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico, UPCoM: VLC). Khi đó, vợ chồng ông sở hữu tổng cộng 10 triệu cp VLC, tương đương 16% cổ phần. Hiện tại, ông Phúc vẫn đang là thành viên HĐQT tại VLC, tuy cá nhân ông không còn nắm giữ cổ phần nhưng vợ và con trai mỗi người nắm giữ khoảng 5 triệu cổ phiếu VLC, chiếm tổng cộng 5.84% vốn Công ty.
Bên cạnh đó, ông Phúc và bà Linh từng tích cực tham gia nhiều thương vụ đấu giá cổ phần khác, như tại Công ty TNHH MTV Cao Su 1 – 5 Tây Ninh (tháng 4/2016 với hơn 7.8 triệu cp, tương đương hơn 32.4% vốn), CTCP Toa xe Hải Phòng (tháng 4/2016, tổng cộng 1.38 triệu cp, tương đương gần 72%), Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Hải Dương (tháng 12/2015, tổng cộng 1.66 triệu cp)...
Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nam Phương được xem là nhân tố khá quan trọng khi sở hữu nhiều công ty thành viên liên quan đến gia đình họ Đỗ gồm CFV, CTCP XNK Thực phẩm Toàn cầu Global Food, CTCP Thức ăn Chăn nuôi Khatoco. Được biết, Nam Phương được thành lập vào năm 2004 với tên gọi Doanh nghiệp Nam Phương, do bà Linh làm chủ sở hữu và đại diện pháp luật.
Ban đầu, Nam Phương là nhà phân phối xi măng của các nhà máy xi măng tại Ninh Bình như Vicem Bỉm Sơn, Bút Sơn... Năm 2014, chuyển đổi thành Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nam Phương, chuyên kinh doanh các sản phẩm vật liệu xây dựng và các sản phẩm liên quan. Đến nay, từ vốn điều lệ 20 tỷ đồng Nam Phương tăng vốn lên 1,000 tỷ đồng, đồng thời phát triển thành một tập đoàn đa ngành nghề và tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực mới như nông nghiệp, vận tải, dầu khí,...
Mặc dù tên tuổi xuất hiện trong rất nhiều doanh nghiệp lớn nhưng hình ảnh của cả ông Phúc và bà Linh chưa từng xuất hiện trên bất kỳ kênh thông tin đại chúng nào.
|
Hồng Đức
FILI
|