68% người Việt trưởng thành mở hơn 114 triệu tài khoản ở các ngân hàng khác nhau
Ngày 04/8/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tham dự sự kiện - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Chia sẻ tại sự kiện, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, ngành ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, với mục tiêu rõ ràng: Nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; có doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số... Đặc biệt, các dịch vụ thanh toán số hóa 100%, còn về giải ngân cho vay của các ông ty tài chính với các khoản cho vay nhỏ lẻ lên tới 70%.
Về khuôn khổ pháp lý, NHNN đã ban hành Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC); hoàn thiện Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox); ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn chung (QR Code, tiêu chuẩn thẻ Chip); ban hành các quy định về an toàn, bảo mật thông tin trong hoạt động Ngân hàng...
Về hạ tầng cho chuyển đổi số, cách đây 5 năm, một ngày có 50.000 giao dịch ngân hàng, hiện nay con số đã lên tới 8 triệu giao dịch /ngày. Giá trị giao dịch lên tới 900.000 tỷ đồng/1 ngày, tương đương với hơn 40 tỷ USD giao dịch qua ngân hàng. Các ngân hàng, trung gian thanh toán được kết nối liên thông, với thời gian giao dịch tính bằng giây. Đã có sự kết nối liền mạch, khách hàng qua các ứng dụng mobile banking có thể xem mình dùng bao nhiêu số điện, thanh toán tiền, ngay lập tức kho dữ liệu gạch hóa đơn và hạch toán ngay.
Ngành ngân hàng đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái tích hợp toàn bộ hệ thống, hướng tới kết nối liên thông toàn bộ các bộ, ngành.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Về tài khoản, nhờ định hướng đúng của Chính phủ, cùng các quy định hiệu quả, tính đến tháng 6/2022, có tới 68% người trưởng thành mở tới tài khoản với hơn 114 triệu tài khoản ở các ngân hàng khác nhau. Trong đó, khách hàng trong tuổi 25-34 tuổi chiếm tỉ trọng lớn... Các giao dịch mobile payment, mobile banking phát triển mạnh mẽ, phát huy tính hữu dụng đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19. Trong bối cảnh dịch diễn ra căng thẳng, hạn chế tiếp xúc, thì các giao dịch điện tử không tiếp xúc đã phát huy tác dụng.
Về ứng dụng công nghệ, ngành ngân hàng đang triển khai các ứng dụng Bigdata, AI, Cloud Computing... Đến nay, NH đang hướng vào triển khai công nghệ API, OPENbanking kết nối mở rộng hệ sinh thái cung ứng dịch vụ. Đáng chú ý, nhờ chuyển đổi số, chỉ số chi phí/doanh thu giảm 30-40%, giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí, từ đó không thu phí chuyển tiền...
Về an ninh, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an thường xuyên phối hợp kiểm tra rà soát các lỗ hổng bảo mật. Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến chú ý vấn đề này trong chuyển đổi số. Do đó, đề nghị các ngân hàng quan tâm đầu tư hơn nữa an ninh an toàn.
Về định hướng thời gian tới, NHNN sẽ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại: Chiến lược chuyển đổi số quốc gia (QĐ 749/QĐ-TTg), Đề án phát triển TTKDTM (QĐ 1813/QĐ-TTg), Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư (Quyết định 06/QĐ-TTg).
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý như: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật NHNN, Nghị định về TTKDTM, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox), các quy định tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số…; phối hợp các bộ, ngành khác trong xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), nghị định định danh và xác thực điện tử, nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Thứ hai, chú trọng triển khai Đề án 06: Tập trung vào kết nối cơ sở dữ liệu công dân, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ công tác quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ trên môi trường điện tử.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số, tăng cường kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác (kết nối với CSDLQGDC, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác).
Thứ tư, ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số phục vụ người dân đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, các giao dịch ngân hàng số, thanh toán số.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân: Vụ Truyền thông NHNN vẫn đang phối hợp với xây dựng các chương trình phổ cập tài chính cho người dân.
NHNN khẳng định sẵn sàng cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng với chi phí hợp lý tin cậy cho cả các đối tượng yếu thế trong xã hội. Hiện nay NHNN xin ý kiến sửa Thông tư 39, trong đó cho vay trên nền tảng số. Mong các đơn vị góp ý triển khai. Sự có mặt của lãnh đạo Chính phủ là niềm động viên tạo cảm hứng lớn cho những người làm CNTT ngân hàng tiếp tục hướng tới các thành tựu mới.
Nhật Quang
FILI
|