Nhịp đập Thị trường 07/07: Large Cap tăng mạnh trong đợt ATC, đẩy VN-Index lên mức cao nhất trong ngày
Diễn biến đầu phiên chiều có lẽ khiến nhiều người ngạc nhiên xen lẫn lo lắng, khi chỉ số VN-Index và thị giá nhiều Large Cap bỗng dưng suy giảm. Diễn biến có phần tiêu cực này kéo dài cho đến khoảng sau 14h thì bỗng dưng lại đột ngột đảo chiều, chuyển nhanh sang tích cực, chỉ số bắt đầu tăng nhanh trở lại. Đặc biệt đến thời điểm ATC, với những Large Cap tăng giá mạnh và đồng loạt như VIC, VHM, VNM, VJC, HPG… thì VN-Index đã đóng cửa ở mức cao nhất trong cả ngày, tăng gần 17 điểm.
Dù liên tục dò đáy cả năm trong tháng 7 này, và im ắng gần như suốt cả ngày giao dịch hôm nay, nhưng VIC đã đóng góp rất lớn vào mức tăng điểm cuối ngày của cặp chỉ số VN-Index và VN30-Index. Vào đợt ATC, cổ phiếu này nhận được lệnh mua 200 ngàn cp tại mức giá 70 ngàn đồng (và nhiều lệnh treo ở vài mức giá dưới, không được thấy trên bảng báo giá), giá dự kiến khớp ngay lập tức được đẩy tăng thêm 3 ngàn đồng lên 70 ngàn đồng/cp. Dù lệnh bán ATC tăng mạnh vào những giây cuối, nhưng giá cổ phiếu này chỉ lùi nhẹ “2 lines”, đóng cửa ở mức 69.8 ngàn đồng/cp. Tương tự VIC, là không ít Large Cap vốn hóa khủng khác của nhóm VN30 như VHM, VNM, HPG, VPB… Thậm chí diễn biến như vậy trong đợt ATC có thể khiến NĐT liên tưởng đến phiên đáo hạn phái sinh nào đó.
Nhóm VN30 có 24 cổ phiếu tăng giá vào cuối ngày hôm nay, so với chỉ 4 mã giảm. So với cuối phiên sáng, nhóm này rõ ràng có diễn biến tích cực hơn, và có khá nhiều cổ phiếu tăng trên 3% vào cuối ngày, trong đó có những mã tăng bất ngờ như VIC, VHM, VCB, PNJ… Ngược lại, ACB và FPT là 2 mã cũng gây bất ngờ khi giảm mạnh vào phút cuối cùng.
Diễn biến tích cực trong nửa cuối phiên chiều trên sàn HOSE cũng tác động không nhỏ đến sàn HNX và UPCoM, nhưng do trước đó giảm sâu, nên chỉ số HNX-Index chỉ hồi về trên tham chiếu chưa đến 0.5 điểm trước ATC, và chỉ tăng 0.1 điểm vào lúc đóng cửa. Dù vậy, diễn biến cổ phiếu trên sàn HNX nhìn chung vẫn thiếu tích cực so với sàn HOSE. Nhóm Large Cap sàn HNX vẫn không có mã nào tăng nổi bật, ngoài CEO, PVI vốn đã sớm tăng trên 2% từ ban sáng. Ngược lại, vẫn có không ít tên tuổi giảm giá, như IDC, VCS, PHP, PVS, SHS, VNR…
KLB đã không còn giảm giá 11% vào cuối ngày nhờ có nhiều giao dịch hơn ở mức tham chiếu, tuy nhiên VGI lại tăng giá đến 11%, và cộng với vài Large Cap khác, cổ phiếu này góp phần không nhỏ kéo chỉ số UPCoM-Index tăng vọt lên trên tham chiếu trong những phút cuối trước khi đóng cửa.
Giá dầu Brent future hôm nay liên tục trồi sụt trên và dưới mốc 100 USD/thùng, và đến khi sàn chứng khoán VN đóng cửa thì giá dầu lại tăng lên trên 101 USD/thùng. Diễn biến đó không tác động tích cực được lên nhóm cổ phiếu dầu khí nhà PVN chiều nay. GAS lại đóng cửa giảm 1.8%, đây là phiên giảm thứ 6 liên tiếp. BSR vẫn giảm trên 5% cuối ngày hôm nay, và là phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Tương tự những cổ phiếu giảm đáng chú ý khác là PVC, PVD, PVS, PVT. Riêng OIL, POW hay PGS đã quay lại về tham chiếu vào đúng lúc đóng cửa.
Tính cả 3 sàn, ngân hàng, BĐS, xây dựng vẫn là các nhóm lớn có vị thế tích cực vào cuối ngày (tương tự cuối phiên sáng). Nhóm phân phối xăng dầu và khí đốt có diễn biến cả thiện hơn so với ban sáng, ngược lại những nhóm lớn khác như chứng khoán, sắt thép, dầu khí vẫn đóng cửa cuối ngày với sắc đỏ đa số.
Nhóm ngân hàng tiếp tục đóng cửa với sắc xanh đa số, trong đó VCB tăng hơn 3%, còn CTG thì không giữ được đà tăng như trong phiên sáng, mà chỉ còn tăng hơn 1.7%. KLB đã không còn giảm giá đến 11%, nhưng 1 số mã khác như MSB, EIB hay BAB thì vẫn đóng cửa giảm giá, không đổi màu như cuối phiên sáng.
Hóa chất nhà Vinachem tuy là nhóm nhỏ, nhưng lại có mấy mã tăng hơn 5-6% vào cuối ngày như DGC, NFC, VAF
Phiên sáng: Ngân hàng, bất động sản cùng đẩy VN-Index
VN-Index cùng VN30-Index tăng mạnh hơn trong nửa cuối phiên sáng nay, với lực đỡ từ 2 nhóm lớn là ngân hàng và BĐS. Dù vậy mức tăng của 2 chỉ số này vẫn còn rất khiêm tốn khi so sánh với các chỉ số khác trên sàn châu Á.
Trên sàn HOSE, Large Cap tiếp tục là nhóm có tương quan tích cực hơn so với Mid và sSmall Cap. Ở nhóm vốn hóa tỷ USD, DGC là cổ phiếu tăng tốt nhất, tới gần 7%, không rõ có can hệ gì tới kết quả quý 2 hay không. Một số mã khác tăng cũng khá ân tượng bao gồm MSN, BVH, CTG, VNM, VRE… trong đó MSN, BVH, VRE là những mã tăng ổn định suốt phiên sáng. Tuy nhiên, GAS lại là cổ phiếu có dao động trồi sụt trong sáng nay, đầu phiên giảm sâu, giữa phiên hồi và giờ lại… giảm tiếp.
Ngân hàng và BĐS đang là 2 nhóm lớn hỗ trợ khá tích cực cho VN-Index sáng nay, cho dù mức tăng bình quân không thực sự lớn. Ở nhóm ngân hàng (trên HOSE), đang có 14 cổ phiếu tăng giá (bình quân +1%) vs 3 mã giảm mà thôi. Tương tự ở nhóm BĐS, đa số tăng bình quân trên 1.5%. Tuy nhiên, đáng lưu ý là VIC và NVL lại là 2 đại gia giảm giá vào cuối phiên sáng.
VN30-Index vẫn giữ đà tăng tốt trong sáng nay, tốt hơn cả chỉ số chính VN-Index. Vào cuối phiên sáng, nhóm này có 20 cổ phiếu tăng giá, so với 7 mã giảm giá. Diễn biến tăng trong nửa cuối phiên sáng có thể quy về “công lao” của những cổ phiếu như CTG, VHM, VNM…, tuy nhiên ngược lại cũng có 1 số mã đang có tín hiệu đuối như MWG, MBB, VIC… hay GAS.
Diễn biến tích cực trên VN-Index và VN30-Index vẫn chưa thực sự lan tỏa qua HNX-Index trong nửa cuối phiên sáng nay, điều này khá bất ngờ vì nhóm Large Cap sàn nay đang có tương quan tăng – giảm giá khá cân bằng, không có mã giảm quá sâu cũng như chưa thấy mã nào tăng quá mạnh. Trong số những cổ phiếu đó, NVB đã quay lại về tham chiếu, VNR thậm chí còn đổi sang sắc xanh, tăng 1.7%.
Tương tự, chỉ số UPCoM-Index vẫn đỏ trong cả nửa cuối phiên sáng, thậm chí còn không có dấu hiệu hồi như HNX-Index. Trong số Large Cap trên sàn UPCoM, KLB tiếp tục có 2 deal khớp lệnh cùng giảm 11% sau 11g, ngoài ra có BSR, SIP, VGT là những mã giảm trên 2%. VGI giữ được đà tăng cao, hơn 8% vào cuối phiên sáng, SNZ cũng bất ngờ tăng hơn 2% nhưng có lẽ không đối trọng được so với những cổ phiếu giảm kia.
Nhóm dầu khí nhà PVN quay lại trạng thái khá ảm đạm vào cuối phiên sáng nay, với GAS giảm đến gần 1,8%, BSR giảm hơn 5% và không ít tên tuổi khác tiếp tục chìm trong sắc đỏ, như PVC, PVD, PVT, PVS, OIL… Sáng nay giá dầu Brent future đã quay trở lại lên trên 100 USD/thùng, nhưng vẫn chưa mang lại không khí tích cực hơn cho nhóm này.
KLB, MSB, EIB hay BAB… vẫn là những cổ phiếu ngân hàng giảm giá gần như suốt phiên sáng, nhưng nhóm này nhìn chung đang có vị thế tốt hơn hẳn so với đầu phiên, trong đó nổi bật lên có CTG, VIB, TPB…
Nhóm chứng khoán đang có không ít sắc xanh nổi lên, kể cả ở những cổ phiếu top đầu như HCM, VCI, MBS, SHS… tuy nhiên nhóm này vẫn có đa số cổ phiếu giảm giá, nhất là các mã trên UPCoM.
10h30: VN30 hồi không ít, nhưng chưa kéo được VN-Index
Đang có sự chênh lệch khá khó hiểu giữa VN-Index và chỉ số “lõi” của nó là VN30-Index, khi VN30-Index đang có vị thế tích cực hơn hẳn. Rõ ràng 2 chỉ số này đang có diễn biến đồng dạng, nhưng đến lúc này VN-Index mới chỉ nhích lên 1 chút trên tham chiếu, còn VN30-Index thì đang tăng hơn 0,6%. Phải chăng cổ phiếu VN30 chạy tốt, nhưng phần còn lại trên sàn HOSE vẫn ì ạch?
So với các chỉ số lớn sàn châu Á đang chạy cùng giờ, VN-Index chạy chậm hơn hẳn, dù cũng đang có được sắc xanh.
Trong nhóm VN30 vào lúc này, đang có 21 cổ phiếu tăng giá vs 7 giảm giá. MSN tăng tốt nhất nhóm, hơn 4%, tiếp sau đó là BVH, trên 3%. VRE vẫn giữ được vị thế tăng giá suốt nửa đầu phiên sáng, và so với đầu phiên thì khá hơn 1 chút. Trong số mấy mã ít ỏi, có VHM, GAS, SAB, NVL và VCB là những cổ phiếu vốn hóa khủng nhất HOSE, và đây cũng có lẽ là những tác nhân khiến VN-Index chạy kém hơn VN30 Index.
Trên sàn HOSE, bên ngoài nhóm VN30 thì DGC cũng đang là largecap tăng giá nổi bật nhất, hơn 4%, tiếp theo là DIG (+3%) và GMD (+2%). Nhìn chung ở largecap, số cổ phiếu tăng giá nhiều hơn số giảm, tuy nhiên ở midcap và smallcap thì vẫn diễn ra tình trạng ngược lại, tức số cổ phiếu giảm nhiều hơn số tăng.
GAS đang quay lại sát tham chiếu, và nhóm cổ phiếu dầu khí nhà PVN đang hiện lên nhiều sắc xanh hơn so với đầu phiên, trong đó nổi bật ở PVG và 2 đại gia DCM, DPM. BSR dù vẫn còn giảm giá, nhưng mức giảm chỉ còn khoảng 3%. Tương tự, PVS, PVD, PVT… cũng đang thu hẹp đà giảm giá.
NVB vẫn giảm hơn 2%, và cùng không ít largecap khác như PHP, BAB, VCS, VNR… khiến chỉ số HNXindex vẫn chạy bên dưới đường tham chiếu. Tuy nhiên diễn biến chỉ số cũng đang tích cự lên nhiều khi vào giữa phiên, tất nhiên nhờ hiệu ứng từ phía bên sàn HOSE.
Vào khoảng 10h, chỉ số UPCoM-Index giảm khá sâu so với VN-Index, 1 phần vì yếu tố KLB (giảm đến 115), phần khác do nhiều largecap giảm giá cùng lúc như OIL, BSR, MSR, TVN… Tuy nhiên đến giữa phiên sáng, chỉ số sàn Upcom cũng đang hồi trở lại, trong số largecap, nổi bật hơn cả là VGI, tăng tới 9%. KLB vẫn giảm hơn 11% nhưng do 2 deal khớp khá sớm, và sau đó không có deal nào khác, nên coi như không tác động gì lên chỉ số vào giữa phiên.
Với diễn biến tích cực thấy rõ từ VN30, nhìn chung 3 sàn có không ít nhóm ngành khởi sắc hơn so với đầu phiên, kể cả các nhóm lớn như ngân hàng, BĐS, thực phẩm, xây dựng… Sắt thép, chứng khoán cũng có nhiều cổ phiếu tăng trở lại, nhưng trên diện rộng vẫn đa số là sắc đỏ.
PLX vẫn giữ được sắc xanh, dù nhạt không ít so với đầu phiên, tuy nhiên nhóm phân phối xăng dầu, bao gồm cả OIL vẫn đa số chìm trong sắc đỏ.
Nhóm phân phối điện thoại đang hồi nhẹ trở lại sau khi bị bán tháo gần đây. MWG tăng nhẹ 200 đồng và đang được khối ngoại mua ròng.
Nhóm cổ phiếu “bay”, tức 2 đại gia hàng không là HVN và VJC vẫn đang gần như dẫm chân tại chỗ, cho dù đang có thông tin đề xuất nâng trần giá vé máy bay. Thực tế giá vé máy bay cũng được báo chí phản ảnh là tăng mạnh gần đây.
VN-Index mở cửa tăng thăm dò
VN-Index mở cửa dù có khoảng khắc tụt dưới tham chiếu, nhưng ngay sau đó tăng nhẹ trở lại hơn 1 điểm, diễn biến này đồng thuận với đa số các sàn châu Á khác (trừ Trung quốc). Thông tin sàn Mỹ đêm qua phản ánh thái độ tích cực với biên bản cuộc họp của Fed, có lẽ là liều thuốc tốt cho tâm lý nhà đầu tư Việt sáng nay. Dù vậy, diễn biến giá cổ phiếu nhìn chung còn dè dặt, rất nhiều mã trên HOSE còn chưa có deal nào được khớp, cho thấy tâm lý còn thận trọng sau phiên giảm sốc chiều qua.
Trên sàn HOSE mới chỉ có khoảng 2/3 số cổ phiếu có khớp lệnh đầu phiên. Ở các mã vốn hóa lớn, PLX là cổ phiếu đang thu hút sự chú ý khi có lúc tăng tới 4%. MSN và VRE hồi nhẹ trở lại khoảng 2% sau khi giảm mạnh chiều qua. DIG cũng tăng khá gần 3%. Tuy nhiên đa số Large Cap còn lại đều dao động loanh quanh tham chiếu, cổ phiếu giảm bất ngờ chiều qua như VIC cũng chỉ mới hồi nhẹ có vài trăm đồng.
HNX-Index giảm hơn 1% trước khi HOSE mở cửa, vị thế này có thể đến từ NVB (Large Cap này giảm tới 6%), hơn là “đón đầu” khả năng VNIndex mở cửa trong sắc đỏ. Đến thời điểm ATO, khi VN-Index tăng, HNX-Index vẫn đang lúng túng bên dưới tham chiếu, dù hồi lại chút ít. Trong số Large Cap sàn này, đang có vài mã giảm khá sâu, ngoài NVB là VNR hay PHP…
BSR đang giảm hơn 5% sáng nay, sau khi đào sâu tới dướt “mặt đất” hơn 11% chiều qua. Ở nhóm cổ phiếu dầu khí nhà PVN, dù không có mã nào giảm mạnh như BSR, nhưng nhìn chung cũng đa phần đỏ, bao gồm cả GAS. Giá dầu Brent future lại quay về dưới 100 USD/thùng, có lẽ là yếu tố chính gây ra sự giảm giá diện rộng của nhóm này, bất chấp kết quả Q2 và 6 tháng đầu năm dự đoán hết sức tích cực.
BSR có lẽ cũng là cổ phiếu đang góp phần khiến UPCoM-Index giảm nhẹ tại thời điểm 9h15. Ngoài ra, trên sàn này cũng có 1 số largecap giảm giá đáng lưu ý khác như OIL, SIP hay MSR.
Nhóm ngân hàng không còn lo gồng đỡ chỉ số như trong 2 phiên trước đây, và sáng nay nhiều mã đã được thả lỏng trong sắc… đỏ, dù mức giảm bình quân rất thấp, dưới 1%, ngoại trừ EIB giảm hơn 2%. VCB mở cửa giảm tí xíu, nhưng ngay sau đó tăng nhẹ trở lại 200 đồng.
Thông tin giảm thuế BVMT đối với xăng dầu, cộng với diễn biến giá dầu thế giới đang khiến cổ phiếu nhóm phân phối xăng dầu sớm đỏ khi mở cửa, bao gồm OIL, COM, PSH… tuy nhiên PLX lại bất ngờ tăng hơn 4% khi mở cửa, dù sau đó chỉ còn tăng 2%.
Hoàng Nam
FILI
|