Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại Fed thắt chặt chính sách quá trớn
Trong cuộc thăm dò mới nhất của Wall Street Journal, các chuyên gia kinh tế dự báo khả năng suy thoái là gần 50%.
Ngày càng nhiều chuyên gia kinh tế dự báo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong nỗ lực đẩy lùi lạm phát, sẽ nâng lãi suất đến mức có thể gây ra suy thoái. Nhiều chuyên gia lo ngại NHTW sẽ đi quá xa.
Vào tháng 7, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Wall Street Journal hiện đặt ra khả năng suy thoái trong vòng 12 tháng tới ở mức trung bình 49%, tăng so với mức 44% cách đây 1 tháng và 18% hồi tháng 1/2022.
Khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới
|
Khoảng 46% các chuyên gia kinh tế cho biết họ kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất quá mức và dẫn đến sự suy yếu không cần thiết cho nền kinh tế. Ít hơn một chút, 42% số chuyên gia dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất ở mức phù hợp để cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng. Khoảng 12.3% số chuyên gia nghĩ ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất ở mức thấp.
James Knightley, Chuyên gia kinh tế quốc tế tại ING, cho biết: “Chính sách tài khoá và tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài và hiện Fed đang cố bắt kịp để cân bằng và điều này luôn đi kèm với khả năng thừa thãi”. Ông Knightley hiện dự báo rủi ro suy thoái trong 12 tháng tới là 50%.
Lạm phát trong tháng 6 ở mức cao nhất trong vòng 40 năm là 9.1%. Trong lịch sử, việc đưa lạm phát giảm từ mức cao như vậy về mức mục tiêu 2% của Fed, sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp và suy thoái cao hơn. Fed đang hy vọng lần này sẽ khác.
“Câu hỏi đặt ra là: Liệu lạm phát có giảm xuống đủ để Fed không phải thắt chặt đến mức khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái”, David Berson, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại Nationwide Insurance, nhận định. “Con số lạm phát vẫn chưa thực sự được cải thiện mặc dù có những dấu hiệu cho thấy có lẽ nó sẽ chậm lại”.
Những người được hỏi đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022, dự đoán GDP điều chỉnh theo lạm phát sẽ tăng 0.7% trong quý 4 năm nay so với cùng kỳ năm trước. Con số này giảm so với mức 1.3% được dự đoán trong tháng 6 và so với mức 3.6% của 9 tháng trước.
Các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng GDP hàng năm tại Mỹ tiếp tục giảm
|
Tuy nhiên, ngay cả các chuyên gia kinh tế dự báo về một cuộc suy thoái cũng dự đoán khả năng suy thoái sẽ diễn ra tương đối, dựa trên dự báo trung bình trên một loạt các chỉ số.
Susan M. Sterne, Chuyên gia kinh tế tại Economic Analysis Associates cho biết: “Đó là một cuộc suy thoái nhẹ, không phải sự lặp lại cuộc suy thoái năm 2008”.
“Đó là một kiểu suy thoái đặc trưng bởi vì một phần là sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 đã tạo ra một số thặng dư trong lao động và dự trữ so với những thời điểm bình thường”, bà Sterne nói.
Khoảng 40% chuyên gia kinh tế dự báo cuộc suy thoái có thể kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn. Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, kể từ năm 1950, cuộc suy thoái bình quân kéo dài 10.3 tháng.
Những dự báo về thị trường lao động của các chuyên gia kinh tế cho thấy nếu có suy thoái, thì cũng sẽ tương đối nhẹ. Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế nhận thấy số việc làm bình quân hàng tháng tăng 130,000 việc làm trong 4 quý tới. Khoảng 30.9% số chuyên gia kỳ vọng nền kinh tế sẽ giảm số việc làm trong ít nhất 1 quý tính từ nay đến tháng 9/2023. Tuy nhiên, ngay cả nhóm bi quan hơn, dự báo trung bình nền kinh tế sẽ tăng 9,500 việc làm mỗi tháng, tính từ tháng 7/2022 đến tháng 9/2023. Các chuyên gia kinh tế có xu hướng đánh giá thấp tình trạng mất việc làm trước suy thoái.
Yếu tố chính khiến nền kinh tế suy yếu là do Fed thắt chặt chính sách. Vào tháng 6, NHTW Mỹ đã nâng lãi suất 0.75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Lãi suất được tăng lên 1.5% - 1.75%. Mức trung bình các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò dự báo vào khoảng 3.25% - 3.5% vào cuối năm nay, tương đương những gì Fed dự kiến trong tháng 6. Động thái này là để đối phó với lạm phát, mà các chuyên gia kinh tế nhận thấy sẽ giảm nhẹ xuống 6.8% vào tháng 12/2022, được đo lường bằng chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Hiện có những tín hiệu cho thấy lãi suất cao hơn đã bắt đầu tác động tiêu cực. Ngoài việc doanh số bán nhà ở giảm, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm đã tăng cao hơn so với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, hay còn được gọi là sự đảo ngược đường cong lợi suất. Sự đảo ngược đường cong lợi suất báo hiệu rằng các nhà đầu tư dự báo lãi suất cao hơn trong ngắn hạn sẽ dẫn đến hoạt động kinh tế giảm sút và hạ lãi suất trong tương lai – và theo lịch sử, hiện tượng này xảy ra trước suy thoái từ 12 đến 18 tháng. Tuy nhiên, ông Berson cảnh báo rằng suy thoái chỉ xảy ra sau khi các lãi suất ngắn hạn khác (như lãi suất quỹ liên bang) cũng tăng cao hơn lãi suất dài hạn, và điều đó vẫn chưa xảy ra.
Ông Berson chia sẻ: “Nếu chúng ta thắt chặt chính sách đến cuối năm nay như Fed hiện dự kiến và có thể nhiều hơn so với thị trường kỳ vọng, thì rất có thể chúng ta sẽ thấy sự đảo ngược đường cong lợi suất. Nếu điều đó xảy ra, rất có thể nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái vào nửa cuối năm sau”.
Thật vậy, khoảng 50% số người được hỏi dự báo lãi suất quỹ liên bang sẽ cao hơn lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vào tháng 12/2022.
Cuộc thăm dò được thực hiện trước khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 của Mỹ được công bố. Cuộc thăm dò của Wall Street Journal thực hiện với 62 chuyên gia dự báo, học thuật và tài chính từ ngày 08-12/07. Không phải tất cả những người tham gia đều trả lời mọi câu hỏi.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|