Thứ Hai, 25/07/2022 08:36

Kiểm soát dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết các giải pháp đang hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh; kiểm soát dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.

Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tại văn bản trả lời đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết các giải pháp đang hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh; kiểm soát dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên phát triển theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; trong đó có kinh doanh bất động sản, chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ và có những cảnh báo sớm về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước làm việc và chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với mục đích kinh doanh bất động sản, nâng cao chất lượng tín dụng và yêu cầu có lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để hạn chế tổ chức tín dụng phân bổ vốn vay vào các dự án bất động sản dài hạn; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên đề cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; trong đó, lưu ý đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng có dư nợ tăng nhanh tại các địa bàn có hiện tượng sốt đất, tăng giá bất động sản trong thời gian qua.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm 2021. Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đến 31/5 tăng 12,37%, chiếm tỷ trọng khoảng 20,67% tổng dư nợ nền kinh tế; trong đó, dư nợ tín dụng đối với hoạt động tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản tăng 14,72%, chiếm 66,3% dư nợ tín dụng bất động sản. Dư nợ chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ 0,42% tổng dư nợ nền kinh tế./.

Thùy Dương

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Tỷ giá giữa muôn vàn sóng gió (25/07/2022)

>   Giá USD lao dốc (24/07/2022)

>   Lãi suất tăng, người dân “chăm” gửi tiền vào ngân hàng hơn (24/07/2022)

>   Các ngân hàng dự báo nhu cầu tín dụng tăng trong nửa cuối năm 2022 (24/07/2022)

>   Động thái của ngân hàng khi cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản (23/07/2022)

>   HDBank và Unilever Việt Nam hợp tác, nâng cao lợi ích cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh (23/07/2022)

>   Lãi từ hoạt động khác gấp 8 lần, lãi trước thuế nửa đầu năm VPBank tăng 70% (22/07/2022)

>   Bank of America sẽ mở chi nhánh tại TPHCM (22/07/2022)

>   Mòn mỏi chờ nới room tín dụng (22/07/2022)

>   Giảm dự phòng, Techcombank báo lãi quý 2 tăng 22% (22/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật