Khi doanh nghiệp nhận “trái đắng” vì đầu tư chứng khoán
Nhiều doanh nghiệp từng lãi đậm nhờ đầu tư chứng khoán trong 2 năm trước giờ bắt đầu nhận “trái đắng” khi thị trường quay đầu.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lựa chọn thị trường chứng khoán như một kênh đầu tư đầy tiềm năng, thậm chí mang đến nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong lợi nhuận. Nhưng sau giai đoạn thăng hoa, thị trường chứng khoán đã bị giáng một đòn quá mạnh trước hàng loạt thông tin tiêu cực như cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine, Fed tăng lãi suất kỷ lục để kìm hãm lạm phát, hay việc các lãnh đạo doanh nghiệp lớn bị bắt giữ (Trịnh Văn Quyết, Đỗ Thành Nhân)… Hệ quả là những doanh nghiệp từng lãi đậm nhờ đầu tư chứng khoán trong 2 năm trước giờ bắt đầu nhận “trái đắng” khi thị trường quay đầu.
Nổi bật trong đó có thể kể đến L14 (CTCP Licogi 14). Là doanh nghiệp hoạt động trong mảng xây dựng và bất động sản, mảng kinh doanh chính mang về cho L14 doanh thu gần 88 tỷ đồng và lợi nhuận gộp hơn 42 tỷ đồng trong quý 2/2022, tăng trưởng lần lượt so với cùng kỳ là 45% và 17%. Tuy nhiên, việc doanh thu từ hoạt động tài chính chỉ đạt 7 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính nhảy vọt lên hơn 402 tỷ đồng với nguyên nhân vì trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh tới gần 380 tỷ đồng đã khiến doanh nghiệp này báo lỗ ròng gần 238 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử L14 báo lỗ.
Trong phần thuyết minh, L14 không nêu rõ danh mục cổ phiếu đang có. Nhưng tại thời điểm kết thúc năm 2021, L14 đang nắm giữ cổ phiếu CEO (CTCP Tập đoàn C.E.O) và DIG (Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng – hạng mục chiếm tỷ trọng lớn trong khoản lãi khủng gấp 16 lần cùng kỳ của Công ty khi ấy. Theo như BCTC quý 2/2022, nhiều khả năng khoản lãi từ các mã cổ phiếu này thực sự đã bốc hơi. Và nếu so với mục tiêu đặt ra năm 2022 là 569 tỷ đồng doanh thu cùng 254 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, khả năng hoàn thành kế hoạch của L14 đang ngày càng xa vời.
Danh mục đầu tư chứng khoán của L14 ở thời điểm cuối năm 2021
Nguồn: L14
|
Hay như trường hợp của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN). Trong quý 2/2022, NDN đạt doanh thu thuần chỉ 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lên tới 185 tỷ đồng, đồng thời không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào trong mảng hoạt động cốt lõi là chuyển nhượng bất động sản.
Trong khi đó mảng đầu tư chứng khoán – từng giúp NDN trở thành ngôi sao trên thị trường năm trước khi mang về hàng trăm tỷ đồng doanh thu – nay cũng “thất thủ”, ghi nhận lỗ 52 tỷ đồng trong kỳ. Khoản lỗ từ đầu tư cổ phiếu khiến chi phí tài chính của Công ty đội lên gần 129 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ.
Nguồn: NDN
|
Danh mục đầu tư của NDN tập trung ở 2 cổ phiếu là SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội) và TCB (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam), giảm lần lượt 37% và 31% so với thời điểm mua vào. Với sự suy giảm ở cả lĩnh vực bất động sản lẫn đầu tư cổ phiếu, NDN lần đầu báo lỗ sau thuế trong một quý với 114 tỷ đồng, kéo kết quả nửa đầu năm của Công ty lỗ gần 91 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 133 tỷ đồng).
Dù không báo lỗ như L14 và NDN, CTCP Hóa An (HOSE: DHA) cũng có một phen “bỏng tay” vì đầu tư chứng khoán. Theo BCTC quý 2, doanh thu DHA đi ngang ở mức 95.6 tỷ đồng, nhưng lãi ròng giảm sâu tới 92% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.7 tỷ đồng. Nguyên nhân phần lớn đến từ việc trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát – mã DHA đang nắm giữ hơn 2.5 triệu cp tại thời điểm cuối quý 2/2022.
DHA bỏng tay vì pha đầu tư vào 2.5 triệu cp HPG
|
Trong quý 2, cổ phiếu HPG đã giảm 35% thị giá giữa lúc giá thép liên tục lao dốc và Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã phát tín hiệu chẳng lành về ngành thép. Việc giá cổ phiếu giảm sâu đã buộc Công ty phải trích lập dự phòng hơn 20 tỷ đồng, qua đó đẩy chi phí tài chính gấp 5 lần cùng kỳ và lấy đi hết lợi nhuận của DHA.
Tại BCTC công ty mẹ quý 2/2022 của Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) cho thấy Công ty đang “gánh” một khoản lỗ đáng kể vì đầu tư chứng khoán. Cụ thể, TLH sở hữu danh mục có giá gốc hơn 148 tỷ đồng, với mức tăng mạnh ở hạng mục đầu tư cổ phiếu VIX (CTCP Chứng khoán VIX). Nhưng tại thời điểm cuối tháng 6, tổng danh mục của TLH đang giảm 41% so với giá gốc, khiến Công ty phải trích lập dự phòng hơn 61 tỷ đồng. Trong đó, VIX hiện lỗ 60%, SHB và IJC (CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật) giảm 42%.
TLH phải dự phòng hơn 61 tỷ đồng vì đầu tư chứng khoán
Nguồn: TLH
|
Ngay cả những doanh nghiệp lớn như “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) cũng ghi nhận thiệt hại không nhỏ vì chứng khoán. Trong quý 2, VHC có một thời kỳ “ăn nên làm ra” nhờ giá cá tra tăng vọt và xuất khẩu bùng nổ, ghi nhận doanh thu thuần hơn 4.2 ngàn tỷ đồng và lãi gộp gần 1.1 ngàn tỷ đồng. Nhiều hạng mục tăng trưởng mạnh mẽ, qua đó giúp VHC đạt lãi ròng 1.33 ngàn tỷ đồng, gấp 3.4 lần cùng kỳ.
“Vệt đen” duy nhất trong BCTC của VHC nằm ở khoản mục chi phí tài chính – gấp 4 lần cùng kỳ, lên 110 tỷ đồng – với nguyên nhân vì đầu tư chứng khoán. Theo đó, VHC có khoản đầu tư cổ phiếu gần 200 tỷ đồng theo giá gốc, gồm NLG của Nam Long, DXS của Đất Xanh Services, và KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP. Với việc thị giá các mã cổ phiếu trên giảm sâu, với giá trị hợp lý còn hơn 137 tỷ đồng đã khiến VHC phải dự phòng giảm giá gần 63 tỷ đồng.
Hồng Đức
FILI
|