Thứ Ba, 19/07/2022 09:00

HAG vùng dậy?

Hiếm thấy doanh nghiệp nào long đong như CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG). Từ khi thành lập, doanh nghiệp này đã có nhiều lần khởi nghiệp, từ bất động sản, mía đường, thủy điện đến cao su, dầu cọ, nuôi bò và hiện nay đang trồng chuối và nuôi heo.

Ông Đoàn Nguyên Đức tại ĐHĐCĐ thường niên 2022

Một ý niệm sai, 10 năm long đong

2006-2012 có thể xem khoảng thời gian HAG làm mưa làm gió với mảng bất động sản. Liên tiếp Resort Quy Nhơn, HAGL Resort Đà Lạt, HAGL Hotel Pleiku; Khu căn hộ cao cấp Lê Văn Lương, Khu căn hộ New SaiGon (huyện Nhà Bè), Hoàng Anh River View (quận 2), Khu căn hộ Phú Hoàng Anh (GĐ 1) (huyện Nhà Bè) và Khu căn hộ Hoàng Anh Gold House (quận 7) tại TP.HCM là những dự án nổi bật của Hoàng Anh Gia Lai.

Mọi thứ có thể đã không quá phức tạp với doanh nghiệp này nếu như vào năm 2013, Hoàng Anh Gia Lai không bất ngờ buông mảng bất động sản, với quan niệm của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) rằng bất động sản Việt Nam đã đạt đỉnh. Thực tế đã chứng minh đây là một quyết định sai lầm của ông, khiến HAG phải loay hoay “khởi nghiệp” suốt 10 năm gần đây và kết quả lại thường thất bại.

Năm 2008, HAG làm bất động sản số một. Tới năm 2012, HAG từ bỏ bất động sản sang làm nông nghiệp là một cái sai ở thời điểm đó” - bầu Đức lần đầu tiên nhận sai sau hơn 10 năm tại ĐHĐCĐ thường niên 2021.

Cuộc dấn thân vào mảng nông nghiệp vội vàng, chưa nhiều trải nghiệm, không tính đến yếu tố mùa vụ, giá cả theo chu kỳ khiến HAG liên tiếp gặp thất bại và thua lỗ lớn.

Với tuyên bố "bán nhà cũng phải trồng cao su”, bầu Đức bỏ bất động sản, đầu tư sâu vào mảng cao su khi giá cao su đang ở đỉnh (4,000-5,000 USD/tấn). Thế nhưng ngay sau đó, giá cao su giảm không phanh, còn 1,200-1,300 USD/tấn. Tới tận bây giờ, cao su vẫn chưa và có thể mãi mãi không có đóng góp xứng tầm vào HAG như ông đã từng hy vọng.

Cao su thua lỗ, dầu cọ mãi chẳng thấy có doanh thu, cuối cùng HAG phải chuyển đổi. Cuộc xoay mình sang nuôi bò chỉ giúp cho HAG trong thời gian đầu, sau đó thì biên lợi nhuận “teo tóp” dần trước khi phải từ bỏ.

Dòng tiền của HAG lúc này nguy cấp trầm trọng, khoản nợ đã tới 33,000 tỷ đồng (giữa 2016) và Công ty còn mất khả năng thanh toán. Các ngân hàng đã phải trình lên Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước đã phải xin Chính phủ để giãn nợ, giảm lãi cho HAG. Nếu không có quyết định này, có thể thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai đã bị xóa sổ.

"Nếu Chính phủ không ra tay cứu bằng cách cho các ngân hàng kéo dài thời gian trả nợ 5 năm thì hôm nay tôi không còn đứng đây nói chuyện", bầu Đức từng bộc bạch khi HAGL Agrico được ông Trần Bá Dương thâu tóm.

Một bức thư gửi đúng người, HAG được cứu

HAG lay lắt hoạt động cho đến năm 2018, khi ở thế chân tường, ông Đoàn Nguyên Đức đã có một hành động “cứu sống” Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Ông Đức đã gửi một lá thư tay cho ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco, nhờ giải cứu HAGL Agrico (Công ty con của HAG). Lần đầu tiên trong lịch sử tài chính Việt Nam có một doanh nghiệp mong được doanh nghiệp khác thâu tóm.

Chỉ nhờ động tác đơn giản như thế, gần 1 tỷ USD đã được ông Trần Bá Dương chi ra để giải cứu HNG. Theo đó, THACO đầu tư vào HAGL Agrico để sở hữu 35% vốn cổ phần bằng nghiệp vụ mua trái phiếu chuyển đổi, mua cổ phiếu của các tổ chức và cá nhân đang sở hữu trên sàn chứng khoán với tổng vốn đầu tư hơn 4,000 tỷ đồng.

Đối với dự án HAGL Myanmar, bước đầu THACO sẽ đầu tư để sở hữu 51%, kế tiếp là tăng lên 65% với tổng số vốn đầu tư hơn 3,800 tỷ đồng. Đồng thời, THACO sẽ chịu trách nhiệm chính đối với dự án này, đẩy nhanh việc xây dựng giai đoạn 2 vốn đang bị chậm trễ để sớm hoàn thành dự án theo cam kết với chính phủ Myanmar.

Những năm sau, THACO sẽ tiếp tục hợp tác, bỏ ra khoảng 12,000 tỷ đồng để cơ cấu lại các khoản nợ vay đến hạn, đầu tư vào việc chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái hiện có, phát triển mở rộng diện tích trồng cây ăn trái mới và giai đoạn 2 dự án Myanmar.

Tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2021, bầu Đức chia sẻ: “Sau khi chuyển HNG cho anh Trần Bá Dương (Chủ tịch THACO) quản lý thì chúng tôi chỉ còn HAG, vì phải buộc phải tập trung vào HAG. Chính anh Trần Bá Dương là người đã cứu HAG, nhờ anh Dương ôm khối nợ mà HAG mới có thể thoát khỏi khó khăn”.

Chiến lược 1 cây, 1 con

Với việc giải cứu HNG của THACO, cùng với việc liên tiếp thoái vốn khỏi HNG, HAG đã có dòng tiền để bổ sung vào hoạt động kinh doanh. Tổng số nợ cũng đã giảm từ 27.3 ngàn tỷ vào cuối năm 2016 xuống còn 8.3 ngàn tỷ vào cuối 2021. Quan trọng hơn, sau nhiều lần khởi nghiệp thất bại ở mảng nông nghiệp, đến nay HAG đã xây dựng được những sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao.

Sau 10 năm làm nông nghiệp, nay HAG chỉ phát triển nông nghiệp 1 cây, 1 con. HAG tập trung vào hai lĩnh vực chính là trồng chuối và chăn nuôi heo. Diện tích chuối chiếm 7,000 ha/10,000 ha cây ăn trái. Trong mảng chăn nuôi heo, đến cuối năm 2021, HAG đã xây dựng được 7 cụm chuồng trại với công suất nuôi khoảng 400,000 con heo thịt mỗi năm.

Sang năm 2022, HAG sẽ xây dựng thêm 9 cụm chuồng trại để nâng tổng số lên thành 16 cụm, với công suất hơn 1 triệu con heo thịt/năm. Hoàng Anh Gia Lai đã xin phép phát hành riêng lẻ 161.9 triệu cổ phiếu với giá 10,500 đồng/cổ phiếu để thực hiện nâng công suất chuối và heo.

Với quỹ đất rộng lớn cách xa khu dân cư, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, khoảng cách địa lý cũng như điều kiện vận chuyển đến cảng biển và các thị trường tiêu thụ thuận lợi. Sản phẩm chuối và heo của HAG đã có những lợi thế rõ ràng về chất lượng và giá thành, đặc biệt là heo.

Chuối thải từ ngành trồng trọt (khoảng 200,000 tấn/năm) là nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng giúp hạ giá thành sản phẩm, chủ động về nguồn nguyên liệu cho HAG. Việc ra đời thương hiệu BAPI heo ăn chuối Hoàng Anh Gia Lai được đánh giá là một mốc quan trọng của HAG khi họ bắt đầu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của mình.

Sản phẩm chuối của HAG

Không chỉ thế, với chi phí giá thành hiện nay chỉ khoảng 38,000/kg, do chủ động được tới 40% nguyên liệu thức ăn, HAG có hai lợi thế cực kỳ lớn trong mảng heo, đó là giá thành thấp hơn trung bình ngành và sản phẩm có tính độc quyền, không thay thế. Heo ăn chuối mới là sản phẩm mang tính đột phá cho tương lai gần của Hoàng Anh Gia Lai, không phải chuối.

Quả ngọt?

Sau khi tái cấu trúc mạnh mẽ theo chiến lược 1 cây và 1 con, doanh nghiệp của bầu Đức bắt đầu cho kết quả như kỳ vọng. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của Công ty đạt 1,867 tỷ đồng. Trong đó, ngành chăn nuôi đạt 439 tỷ đồng, ngành trái cây đạt 1,094 tỷ đồng, ngành phụ trợ đạt 334 tỷ đồng.

Sản lượng tiêu thụ trong nửa đầu năm đạt hơn 82.5 ngàn con heo thịt và gần 110 ngàn tấn chuối. Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của Công ty đạt 531 tỷ đồng. So với kế hoạch đặt ra, Công ty đã thực hiện được 47% kế hoạch lợi nhuận.

Nguồn: HAG

Kết quả này được thực hiện trong bối cảnh giá xuất khẩu chuối rơi vào chu kỳ thấp nhất trong năm, kéo dài hơn 2 tháng gần đây và giá heo bình quân cũng chỉ dao động từ 53,000 - 55,000 đồng/kg.

Nửa còn lại của năm 2022, HAG nhận định giá bán chuối đi vào chu kỳ cao nhất trong năm khoảng từ tháng 9 trở đi, giá bán heo tiếp tục tăng cao như hiện nay đang tăng 20% so với mức giá lập kế hoạch và sản lượng heo xuất bán dự kiến tăng gấp đôi so với sản lượng đã tiêu thụ trong nửa đầu năm.

Kết quả kinh doanh như kỳ vọng đã giúp cổ phiếu HAG trên sàn chứng khoán nhận được sự công nhận từ giới đầu tư. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu HAG có thành tích vượt xa VN-Index khi ghi nhận tăng gần 57%.

Kết thúc phiên 14/07, HAG tăng gần 57% so với thời điểm 17/06/2022 trong khi VN-Index ghi nhận giảm 2.82%.

Hoàng Anh Gia Lai có thể sẽ phải cần thêm một thời gian đáng kể để giải quyết toàn bộ những rắc rối do 10 năm thất bại gây nên. Tuy nhiên những năm tháng khó khăn nhất về mặt tài chính có thể nói đã qua đi. Hoàng Anh Gia Lai đang dần quay trở lại để dẫn dắt cuộc chơi, như họ đã từng.

Kiên Cường

FILI

Các tin tức khác

>   DVP: BCTC quý 2 năm 2022 (18/07/2022)

>   CLW: BCTC quý 2 năm 2022 (18/07/2022)

>   PIV: Báo cáo tài chính quý 2/2022 (18/07/2022)

>   SBL: Báo cáo tài chính quý 2/2022 (18/07/2022)

>   TDM: BCTC quý 2 năm 2022 (18/07/2022)

>   PVY: Báo cáo tài chính quý 2/2022 (18/07/2022)

>   SHP: BCTC quý 2 năm 2022 (18/07/2022)

>   HOSE: Số liệu quản lý sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (19/07/2022) (18/07/2022)

>   FUEVN100: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 17/07/2022 (18/07/2022)

>   FUEVFVND: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 17/07/2022 (18/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật