Giải trình cổ phiếu trần/sàn 5 phiên: “Gãi có đúng chỗ ngứa”?
Doanh nghiệp buộc phải giải trình khi cổ phiếu tăng trần/giảm sàn 5 phiên liền, nhưng họ biết phải nói sao khi bản thân doanh nghiệp nhiều khi cũng không thể đưa ra lý do thật sự của giá cổ phiếu, ở một thị trường khó đoán định như hiện nay.
Ngày 16/05, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có công văn hướng dẫn các Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) về việc yêu cầu tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch giải trình khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn liên tiếp.
Theo đó, Sở GDCK đã có công văn gửi các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.
Đây là một trong những giải pháp mang tính đồng bộ mà Bộ Tài chính, UBCKNN đưa ra nhằm ổn định thị trường, tăng cường giám sát, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, nhất là sau nhiều vụ thao túng giá đã được phanh phui trước đó.
Yêu cầu giải trình khi cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn 5 phiên liền đã làm hoạt động công bố thông tin nhộn nhịp hơn nhiều. Tuy nhiên văn bản giải trình từ phía doanh nghiệp thường không thật sự làm thỏa mãn nhà đầu tư. Hầu hết các văn bản chỉ dừng lại ở mức giá cổ phiếu biến động theo cung cầu thị trường và khẳng định doanh nghiệp không có tác động gì tới sự biến động đó.
Tất nhiên, trong số các giải trình vẫn có doanh nghiệp làm bài bản, tận dụng cơ hội để thông tin về tình hình doanh nghiệp và triển vọng kinh doanh hoặc trấn an cổ đông. Nhưng cũng có những giải trình bi hài phát sinh từ quy định này. Doanh nghiệp nọ thẳng thắn thừa nhận là không biết nguyên nhân khiến cổ phiếu tăng trần nhiều phiên liền và đề nghị Sở thông tin nếu biết. “Văn mẫu” này, sau đó, liền được doanh nghiệp khác áp dụng.
Cảnh báo về diễn biến bất thường của cổ phiếu là nỗ lực minh bạch hóa thị trường của cơ quan quản lý. Vấn đề ở đây là quy định giải trình trần/sàn 5 phiên liên tiếp liệu có tác dụng?
Thực chất, doanh nghiệp cũng chỉ có thể giải trình chung chung là do cung cầu hoặc thẳng thắn nhận là không biết. Giả sử cổ phiếu có đội “lái” (thao túng chứng khoán) thì họ cũng chẳng dại gì mà nhận và cái lý do là do cung cầu thị trường đưa ra có thể là hợp lý nhất, không ai có thể bắt bẻ được.
Giải thích khi cổ phiếu có biến động bất thường là điều không dễ dàng, dẫn tới việc doanh nghiệp giải thích theo cách rất chiếu lệ, không có gì thực sự hữu ích cho nhà đầu tư. Vô hình trung, việc giải trình theo văn mẫu khiến thị trường nghiễm nhiên công nhận đó là bình thường.
Rốt cuộc việc giải trình cũng không có nhiều ý nghĩa ngoài việc thông báo cho giới đầu tư biết cổ phiếu đã trần/sàn nhiều phiên liền - điều các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu đã biết. Về phía doanh nghiệp, quy định này chỉ làm tốn thêm nguồn lực trong bối cảnh phải tập trung phục hồi sau giai đoạn dịch bệnh đầy khó khăn.
Thiết nghĩ, để hỗ trợ nhà đầu tư, cơ quan chức năng nên quy định doanh nghiệp giải trình khi có những tin đồn ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Còn nhớ giai đoạn trước khi thị trường bị bủa vây bởi hàng loạt tin đồn bắt bớ, trong khi chứng khoán giảm từng ngày, nhà đầu tư vẫn hoang mang không biết làm gì vì không có nguồn tin chính thống nào để bám víu.
Cái cổ đông cần là được giải thích, trấn an khi có những thông tin tác động tới giá cổ phiếu, dù là chính thống hay bên lề. Nhà đầu tư nếu nhận được thông tin chính thức từ doanh nghiệp sẽ tin tưởng hơn hoặc có hành động phù hợp với tình hình thay vì phải hoang mang, mò mẫm và lắm lúc phản ứng tiêu cực.
Chí Kiên
FILI
|