FPT báo lãi ròng 6 tháng đầu năm tăng trưởng 31%
Với việc cả khối công nghệ lẫn viễn thông đều tăng trưởng đáng kể trong 6 tháng đầu năm, CTCP FPT (HOSE: FPT) báo lãi ròng gần 2,490 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.
Trong nửa đầu năm 2022, FPT ghi nhận doanh thu thuần gần 20 ngàn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu khối công nghệ đạt hơn 11 ngàn tỷ đồng, tăng 24%, còn doanh thu khối viễn thông chiếm hơn 7 tỷ đồng, tăng 16%.
Cơ cấu doanh thu của FPT trong 6 tháng đầu năm 2022
Nguồn: FPT
|
Không những doanh thu tăng, biên lãi gộp của FPT cũng tăng nhẹ từ 39% lên hơn 40%. Nhờ đó, lãi gộp tăng 26%, lên gần 8 ngàn tỷ đồng.
Hoạt động tài chính của FPT cũng ghi nhận doanh thu tăng đáng kể. Cụ thể, doanh thu từ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá lần lượt tăng 56% và 94%, lên gần 689 tỷ đồng và 232 tỷ đồng.
Mặt khác, chi phí của Công ty cũng tăng khá mạnh. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt tăng 20% và 42%, lên 2 ngàn và gần 3 ngàn tỷ đồng.
Dù vậy, FPT vẫn lãi ròng gần 2.5 ngàn tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2022, tăng 31% so với cùng kỳ.
So với kế hoạch lãi trước thuế 7,618 tỷ đồng đề ra cho năm 2022, FPT đã thực hiện được gần 48% chỉ tiêu lợi nhuận đã được cổ đông giao phó.
Kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022 của FPT. ĐVt: Tỷ đồng
|
Riêng về quý 2/2022, FPT ghi nhận doanh thu và lãi ròng đạt lần lượt hơn 10 ngàn tỷ đồng và gần 1.3 ngàn tỷ đồng, tăng 17% và 25% so với cùng kỳ 2021.
Tại thời điểm 30/06/2022, tổng tài sản của FPT ghi nhận hơn 56 ngàn tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản là tiền gửi ngắn hạn tăng nhẹ 2%, đạt gần 27 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho tăng đến 46%, đạt hơn 2 ngàn tỷ đồng.
Mặt khác, nợ phải trả của FPT cũng chỉ tăng nhẹ 2%, lên gần 33 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tổng vay nợ tăng 9%, lên gần 22 ngàn tỷ đồng, phần lớn là do sự gia tăng các khoản vay ngắn hạn. Ngược lại, tổng doanh thu chưa thực hiện lại giảm 10%, còn hơn 4.3 ngàn tỷ đồng, chủ yếu do khoản học phí nhận trước giảm gần 39%.
Hà Lễ
FILI
|