Chủ tịch Lê Viết Hải: HBC triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ảnh hưởng của trượt giá
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) cho biết, một trong ba giải pháp mà Tập đoàn đang thực hiện để hạn chế sự ảnh hưởng giá nguyên vật liệu tăng cao lên biên lợi nhuận là thương thảo với chủ đầu tư về vấn đề trượt giá trong hợp đồng thi công hoặc có những điều khoản về rủi ro trượt giá.
* Là một doanh nghiệp lâu năm trong ngành, ông đánh giá ngành xây dựng đang đối mặt với khó khăn nào?
Chủ tịch HBC Lê Viết Hải: Sau đại dịch COVID-19, chúng ta kỳ vọng ngành xây dựng sẽ hồi phục. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các doanh nghiệp xây dựng phải đối diện với rất nhiều khó khăn, làn sóng đầu tư nước ngoài đã không mạnh mẽ như kỳ vọng trước đó bởi do bị ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraine.
Đầu tư công trong nước được đẩy mạnh nhưng lại gặp khó khăn do trượt giá, nhiều đơn vị trúng thầu dự án đầu tư công cũng không đủ điều kiện phát triển. Trong khi đó, đầu tư của khối tư nhân thì bị siết tín dụng khiến dòng tiền bị ảnh hưởng, khó khăn về tài chính càng tăng và dẫn đến công tác thanh toán cho các nhà thầu bị chậm trễ cũng là những trở ngại để ngành xây dựng phục hồi. Đặc biệt, lợi nhuận của nhà thầu đã mỏng do cạnh tranh khốc liệt thì lại càng bị ăn mòn bởi trượt giá.
* Vậy còn những cơ hội thì sao, thưa ông?
- Đứng trước những khó khăn này, tôi cho rằng không phải chúng ta không có cơ hội. Với ba lợi thế cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam, bao gồm: Năng lực cốt lõi của nhà thầu, tính cạnh tranh trong chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực tương đối dồi dào so với nhiều nước khác.
Về năng lực cốt lõi của nhà thầu nội, khi các nước xung quanh còn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà thầu nước ngoài thì chúng ta đã có những nhà thầu trong nước có đủ khả năng thay thế họ. Tôi tiếp xúc nhiều kỹ sư xây dựng đã từng làm việc ở Philippine, Thái Lan, Malaysia và nhận thấy nhiều công nghệ xây dựng chúng ta áp dụng từ nhiều năm rồi nhưng họ đến nay mới tiếp cận. Sự phụ thuộc vào nhà thầu ngoại của các nước này khiến việc đầu tư vào một số loại hình công trình trở nên cao hơn rất nhiều so với Việt Nam và từ đó giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế các nước. Đây chính là cơ hội để các nhà thầu Việt Nam mạnh dạn phát triển ở thị trường trong khu vực và thế giới.
Về tính cạnh tranh trong chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng, nếu chúng ta để ý sẽ thấy giá trị xuất khẩu xi măng và clinker Việt Nam đã đứng đầu thế giới từ năm 2017. Nhiều loại vật liệu xây dựng của Việt Nam sản xuất được xuất khẩu đi hàng chục quốc gia trên thế giới, trong đó giá trị xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ từ năm 2019 Việt Nam cũng đã vươn lên vị trí số 1. Đây là cơ sở hết sức quan trọng tạo nên một lợi thế cạnh tranh có tính chiến lược trên thị trường xây dựng thế giới.
Lợi thế mạnh nữa là nguồn nhân lực của chúng ta tương đối dồi dào so với nhiều nước khác. Ở các nước phát triển, giới trẻ hầu hết không thích làm việc trong ngành xây dựng và bình quân của thế giới chỉ có 3,000 kỹ sư xây dựng trên một triệu dân trong khi Việt Nam chúng ta có đến 9,000 kỹ sư xây dựng/1 triệu dân. Như vậy, có thể thấy chúng ta có lượng nhân lực chính yếu trong ngành xây dựng gấp 3 lần mức trung bình của thế giới. Các nước có truyền thống xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài hiện rất thiếu nguồn nhân lực. Đó là một lợi thế rất quan trọng nhưng nếu chúng ta không biết khai thác thì nó sẽ là gánh nặng trong tương lai khi nhu cầu xây dựng đạt mức bão hòa.
Sau thời gian đại dịch COVID-19, nhiều tập đoàn xây dựng của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã ngỏ ý mời Hòa Bình tham gia thi công các dự án của họ ở nước ngoài. Điều đó cho thấy rõ hơn nhu cầu của thị trường nước ngoài và cơ hội để Việt Nam thay thế nhiều nước khác trong việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp (dịch vụ tổng thầu) là rất thuận lợi.
Thị trường xây dựng thế giới hiện nay có giá trị lên đến khoảng 12,000 tỷ USD và theo dự báo đến năm 2030 sẽ lên đến 19,000 tỷ USD, trong khi xây dựng Việt Nam trong những năm gần đây chỉ khoảng từ 50 đến 60 tỷ USD tức là ít hơn 200 lần so với quy mô của thị trường thế giới. Nếu chúng ta áp dụng nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thì có thể khẳng định Việt Nam sẽ chinh phục được thị trường xây dựng thế giới và công nghiệp xây dựng nhất định sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.
* Ông đánh giá gì về triển vọng ngành xây dựng trong nửa cuối năm nay?
- Trong nửa cuối năm nay, kỳ vọng giá nguyên vật liệu xây dựng sẽ bình ổn hơn để giảm thiểu tác động của trượt giá lên ngành công nghiệp xây dựng. Đồng thời, chúng tôi kỳ vọng Nhà nước sẽ có giải pháp hiệu quả và thiết thực để giúp cho những dự án đầu tư công được triển khai thông suốt và tháo gỡ các khó khăn hiện nay cho nhà thầu.
* Chi phí nguyên vật liệu tăng cao luôn là bài toán nhức nhối đối với doanh nghiệp xây dựng. Trong bối cảnh như hiện nay, Tập đoàn Hòa Bình đã có những giải pháp nào để đảm bảo tiến độ các công trình mà vẫn duy trì được biên lợi nhuận như mong đợi?
- Với chi phí nguyên vật liệu tăng cao, sẽ rất khó duy trì biên lợi nhuận cho các nhà thầu. Chúng tôi cũng đã triển khai những giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của trượt giá.
Thứ nhất, đối với những dự án mới, Hòa Bình sẽ thương thảo với chủ đầu tư về vấn đề trượt giá trong hợp đồng thi công hoặc có những điều khoản về rủi ro trượt giá.
Thứ hai, đối với những dự án đã ký hợp đồng và giá cố định, Hòa Bình sẽ đàm phán để các chủ đầu tư có sự chia sẻ khó khăn với nhà thầu. Các khách hàng chiến lược và lâu năm gắn bó với Hòa Bình đều có sự xem xét chia sẻ với nhà thầu và coi trọng mối quan hệ hợp tác của hai bên. Đồng thời, Hòa Bình đảm bảo các cam kết và tiến độ của dự án. Trong giai đoạn có nhiều biến động bất lợi, không có công trình nào vì khó khăn mà Hòa Bình ngưng thi công. Không những thế, hầu hết các công trình được Hòa Bình thi công đều vượt tiến độ.
Thứ ba, Hòa Bình đã chủ động cập nhật thường xuyên tình hình nguyên vật liệu trong nước và thế giới. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, bộ phận chuyên môn sẽ đưa ra phân tích, đánh giá và đưa ra các dự báo về diễn biến thị trường liên quan đến giá cả và năng lực cung ứng trong tương lai đối với nhóm vật liệu chính chiếm tỷ trọng giá trị lớn, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Từ đó, thiết lập kế hoạch mua hàng và cung ứng một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu rủi ro do trượt giá gây ra.
* Gần đây, HBC đã ký kết với nhiều đối tác chiến lược quan trọng gồm các tập đoàn bất động sản hàng đầu và cả những đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng. Phải chăng đây là bước đi để kiểm soát chi phí đầu vào cho Hòa Bình? Ông có thể nói rõ hơn về ý nghĩa những đợt hợp tác này?
- Có thể nói, ngày càng nhiều chủ đầu tư nhận ra việc chọn nhà thầu theo phương thức đấu giá để có thể đưa giá công trình giảm xuống một vài phần trăm, nhưng khi triển khai dự án thì phải đối diện với rất nhiều vấn đề rủi ro bất lợi và tăng các chi phí phát sinh khác của đơn vị bỏ thầu giá thấp, chưa kể nhiều đơn vị cũng không đáp ứng đầy đủ năng lực để triển khai dự án theo yêu cầu. Đồng thời, chủ đầu tư cũng không được thụ hưởng giá trị cộng thêm của thương hiệu nhà thầu uy tín.
Chính vì thế, qua quá trình dài làm việc với nhiều nhà thầu khác nhau, họ đã nhận ra cần có các đối tác chiến lược, có cách làm phù hợp với văn hóa công ty và đặc biệt đem lại giá trị cộng hưởng cho dự án nói riêng và chủ đầu tư nói chung.
Việc ký kết hợp tác chiến lược giữa các bên là phương thức hiệu quả, đem lại giá trị hợp tác cao hơn cho các bên.
* Ngân hàng BIDV cũng vừa trở thành đối tác chiến lược của Hòa Bình. Việc này sẽ giúp Hòa Bình có thêm giải pháp tài chính để tài trợ cho hoạt động kinh doanh?
- Việc ký kết hợp tác chiến lược với ngân hàng không chỉ đảm bảo được dòng tiền trong hoạt động kinh doanh của Hòa Bình mà còn củng cố thêm nội lực vững chắc, từ đó hỗ trợ công ty nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần trong nước và vươn ra nước ngoài.
* Bài toán nhân lực cũng là vấn đề lớn đối với ngành xây dựng trong bối cảnh hiện nay. Hòa Bình đã có sự chuẩn bị gì để đảm bảo nguồn nhân lực cho tương lai?
- Với vị trí công ty xây dựng hàng đầu trong nước và xếp đầu bảng về môi trường làm việc tốt nhất ngành xây dựng - kiến trúc, đồng thời Hòa Bình còn được đánh giá là thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên nên việc tuyển dụng và thu hút những người giỏi vào làm việc Hòa Bình là điều không quá khó. Còn có những chuyên gia nước ngoài đến với Việt Nam và lựa chọn gia nhập Hòa Bình.
Để thực hiện những chiến lược phát triển trong tương lai, Hòa Bình cũng đồng thời triển khai những giải pháp, kế hoạch hành động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hòa Bình đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo và tiêu chí học tập cũng là một trong những KPIs của nhân viên.
Các chính sách phúc lợi, lương thưởng cho người lao động, chế độ chăm sóc sức khỏe, xây dựng môi trường làm việc an toàn, vui vẻ, lạc quan, tích cực cùng văn hóa doanh nghiệp đậm chất Hòa Bình luôn được Ban lãnh đạo quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao và đáp ứng nhu cầu phát triển của Hòa Bình.
* Nhờ những chiến lược đúng đắn, HBC đã trở thành doanh nghiệp xây dựng lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, tham vọng của Hòa Bình còn vươn xa ra toàn cầu. Xin ông chia sẻ thêm về tiến độ các dự án ở nước ngoài của Tập đoàn?
- Đầu tháng 6/2022, đoàn công tác bao gồm các thành viên quan trọng trong Ban lãnh đạo cùng Chủ tịch và Tổng Giám đốc đã có chuyến đi công tác tại Úc với 32 cuộc họp cùng 37 đối tác tiềm năng và một số cơ quan của Chính phủ, đã xác định thêm nhiều đối tác và cơ hội cụ thể để mở rộng thị trường Úc. Dự kiến, vào đầu năm 2023, Hòa Bình sẽ bắt đầu triển khai dự án đầu tiên tại Queensland (Úc), có quy mô 119 căn hộ.
Hiện tại, Hòa Bình cũng đang tiếp tục làm việc với các đối tác tại Mỹ và Canada.
* Đến nay, tổng giá trị trúng thầu của Hòa Bình là bao nhiêu? Kết quả kinh doanh trong quý 2/2022?
- Đến hiện tại, tổng giá trị trúng thầu của Hòa Bình đã đạt khoảng 14,500 tỷ đồng, đạt 72.5% kế hoạch năm 2022.
Doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 7,060 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ đạt hơn 63 tỷ đồng.
* Xin cảm ơn ông!
Phương Châu
Thiết kế: Tuấn Trần
FILI
|