Thứ Năm, 21/07/2022 13:05

CEO Nguyễn Thanh Bình: Gemadept sẽ tham gia sâu vào thị phần cảng trung chuyển toàn cầu

Đứng ở tòa cao ốc số 6 Lê Thánh Tôn quận 1 với một cái “view” nhìn thấy hàng loạt những tòa cao ốc khác tưởng như ngay bên cạnh, với tay là tới, biểu lộ cho một thành phố trẻ đầy sức sống, đang thay da, thắm thịt mỗi ngày, chúng tôi nghe ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc CTCP Gemadept (HOSE: GMD) - người đã có 32 năm cống hiến cho Công ty, chia sẻ thân tình. Chợt thấy hiểu thêm về một doanh nghiệp không chỉ khao khát là người đi tiên phong trong lĩnh vực của mình mà còn khao khát đóng góp vào hệ thống cảng biển, logistics cho đất nước, từng bước góp phần để Việt Nam trở thành một cường quốc kinh tế biển một ngày không xa.

Sự kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có lẽ là mốc son quan trọng trong quá trình phát triển của Gemadept. Ông có thể cho biết cơ duyên nào dẫn tới việc Gemadept niêm yết? Quyết định này có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển vượt bậc của Gemadept trong 20 năm qua?

CEO Nguyễn Thanh Bình: Như mọi người cũng biết, năm 1990, Gemadept ra đời. Đến năm 1993, Gemadept là một trong các công ty được Chính phủ thí điểm cổ phần hóa cùng CTCP Cơ điện lạnh REE, giày Hiệp Hưng. Có thể nói, quyết định cổ phần hóa này là bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của Gemadept. Và chúng tôi tự hào vì điều đó.

Sau cổ phần hóa, Công ty phát triển liên tục, mọi thứ tốt hơn. Với mô hình công ty cổ phần và các cơ chế hợp lý, huy động được nhiều nguồn vốn, cũng như cách thức và mô hình quản trị tốt hơn giúp Công ty phát triển nhanh.

Thị trường chứng khoán thành lập được 2 năm thì Gemadept quyết định niêm yết. Khi trở thành công ty niêm yết, chúng tôi chấp nhận một cuộc chơi minh bạch, ở đó có sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư. Trong thời gian đầu, Gemadept được rất nhiều các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm. Thông qua các tổ chức nước ngoài này, Gemadept đã học hỏi, tự hoàn thiện hệ thống theo thông lệ quốc tế về các phương thức quản trị tiên tiến, quản trị về kinh doanh, quản trị về tổ chức… Trước những yêu cầu và đóng góp của cổ đông, kết hợp với tầm nhìn và tinh thần tiên phong của Ban lãnh đạo, chúng tôi cũng vạch ra được những chiến lược đúng đắn trong lĩnh vực của mình.

Còn một điểm quan trọng nữa của thị trường chứng khoán đó là huy động vốn. Từ khi niêm yết năm 2002 đến nay, Gemadept đã tăng vốn 15 lần.

Tuy nhiên, đối với Gemadept, quan trọng nhất là tầm nhìn. Tầm nhìn của một công ty niêm yết rất khác so với một công ty thông thường. Dưới những yêu cầu và kỳ vọng của cổ đông, cùng với những nhiệm vụ mới, quan hệ mới, đòi hỏi nội lực, sức sáng tạo và cách nhìn của Ban lãnh đạo khác những lối mòn thông thường.

Thưa ông, kể từ khi niêm yết, khoảng thời gian nào Gemadept đối mặt với khó khăn và thách thức lớn nhất? Lúc đó, ông và những đồng sự đã có những giải pháp nào để đưa “con thuyền” Gemadept tiếp tục tiến về phía trước?

Trong quá trình phát triển của một doanh nghiệp, khó khăn là điều không thể tránh khỏi, khi doanh nghiệp luôn phải trăn trở tìm ra các hướng đi, hài hòa các lợi ích và yêu cầu của cổ đông. Đối với tôi, Gemadept có hai cái khó khăn lớn nhất từ khi niêm yết.

Đầu tiên, là đợt khủng hoảng kinh tế năm 2008, thời điểm trước đó Gemadept thiên về hoạt động như một đại lý, làm dịch vụ cho các hãng tàu, các đối tác nước ngoài. Khi họ không có hàng hóa thì mình không bán được dịch vụ nên hoạt động của Gemadept rất khó khăn, Công ty phải kêu gọi thắt lưng buộc bụng.

Nhưng trong cơn khủng hoảng, mình ngẫm ra được rất nhiều điều. Thay vì chỉ làm đại lý thì Công ty chủ động mở rộng phạm vi kinh doanh, tập trung vào khai thác cảng. Ở chính thời điểm đó, chúng tôi vẫn quyết tâm xây dựng Cảng Nam Hải, đưa cảng vào khai thác từ năm 2009. Gemadept xác định khủng hoảng sẽ phải qua đi, khi đó mình sẽ có một tài sản, một cơ sở hạ tầng để kinh doanh ngay sau đấy, tránh lệ thuộc vào việc chỉ làm đại lý.

Khó khăn lớn thứ hai mới cách đây một năm, khi các tỉnh phía Nam phong tỏa do dịch COVID-19. Vừa là Tổng Giám đốc vừa làm trưởng ban chống dịch của Công ty, một mặt phải tổ chức sản xuất, một mặt phải chống dịch. Có rất nhiều vấn đề mình chưa từng trải qua, cả thành phố và đất nước cũng chưa từng trải qua. Chúng tôi phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, duy trì hoạt động kinh doanh không bị đứt gãy, đồng thời chăm lo cuộc sống cán bộ nhân viên ba tại chỗ và gia đình của họ.

Chúng tôi họp hành liên tục, rất áp lực. Nhưng rồi thì tất cả cũng vượt qua. Năm 2021 không những vượt qua đại dịch mà kết quả kinh doanh của Gemadept còn rất tốt và tạo một số nền tảng cho những năm sau, đó là đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Tập đoàn nhanh hơn, quan trọng là xây dựng được một nếp văn hóa cùng nhau vượt khó trong đại dịch. Nếu như một tổ chức có thể xây dựng được một tinh thần quyết liệt, hy sinh, vượt khó, kháng bại thì trong thời gian sắp tới sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển.

Sau 20 năm niêm yết, đến nay tổng tài sản, vốn chủ sở hữu cũng như quy mô doanh thu, lợi nhuận của Gemadept gia tăng gấp hàng chục lần. Nhìn lại, ông có hài lòng với thành tích này của Gemadept không?

Thực ra tốc độ tăng trưởng vốn, tài sản của Gemadept đạt mức trung bình khá. Với cách nhìn của Ban lãnh đạo và Hội đồng Quản trị thì mức này còn khiêm tốn. Chúng tôi luôn muốn làm được tốt hơn nữa mỗi khi có cơ hội. Chẳng hạn khi xây dựng kế hoạch 2021-2025 với mục tiêu sản lượng và lợi nhuận tăng gấp 3 lần so với năm 2020, nhưng Gemadept có thể hoàn thành kế hoạch này ngay trong năm 2022 hoặc 2023 nếu tình hình thuận lợi, không có thay đổi vĩ mô nào quan trọng. Có nghĩa là chúng tôi đi trước 50% thời gian. Và chắc chắn là với văn hóa của Gemadept “phải làm tốt hơn” thì Gemadept sẽ xây dựng kế hoạch mới.

Điều đó có nghĩa, các con số không có gì là bất khả thi. Điều quan trọng nhất là kế hoạch, số liệu phải được xây dựng, thực thi bởi một bộ máy tinh anh. Chính vì vậy, Gemadept luôn đặc biệt chú trọng việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tâm huyết và gắn bó với Công ty.

Ngoài ra, Gemadept rất quyết tâm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Công ty cũng đang làm khá nhanh so với các đơn vị khác, nhưng chưa hoàn toàn hài lòng và chúng tôi đang tập trung vào mảng này. Ngoài ra, Gemadept phải hoàn thiện hệ sinh thái cảng và logistics. Khi hệ sinh thái ngày càng hoàn thiện, chiếm tỷ trọng lớn trong dòng chảy của hàng hóa thì biên lợi nhuận các mảng sẽ tăng lên và các chỉ số tài chính sẽ tốt.

Hiện nay, vốn hóa của Gemadept khoảng 14-16 ngàn tỷ đồng, chúng tôi phấn đấu cuối năm nay hoặc đầu năm sau đạt khoảng tỷ USD, tất nhiên còn tùy thuộc tình hình TTCK chung của Việt Nam. Chúng tôi mong các nhà đầu tư nhìn Gemadept không chỉ trên các con số tài chính mà là đánh giá Gemadept qua các dự án, trong hiện tại và tương lai, những dự án ấy đóng góp tích cực vào nền kinh tế đất nước như thế nào. Hãy đánh giá Gemadept qua những đóng góp trong việc xây dựng Việt Nam trở thành một cường quốc kinh tế biển; đánh giá Gemadept qua hệ thống quản trị, kể cả môi trường, văn hóa, chuyển đổi số, đào tạo nhân sự… Đấy là những yếu tố để xem một doanh nghiệp có thể dẫn đầu như họ nói hay không và sự dẫn đầu ấy có bền vững hay không. Đương nhiên khi chúng ta làm tốt tất cả những điều ấy thì những chỉ tiêu tài chính sẽ tự chúng tốt lên.

Bản thân Gemadept đặt ra nhiều khát vọng, đó là ngoài việc cải thiện, gia tăng các chỉ tiêu tài chính thì phải thực hiện những điều như đã nói - xây dựng hệ sinh thái, chuyển đổi số, củng cố hệ thống nhân sự chất lượng cao, phát triển thêm hệ thống đối tác gắn bó, đồng hành. Hệ thống đối tác rất quan trọng để đi với chúng tôi ở từng lĩnh vực một. Chọn những đối tác tốt nhất ở từng lĩnh vực, tổng hòa và phát huy tối đa thế mạnh của các bên là văn hóa của Gemadept.

Trải qua hành trình phát triển hơn 3 thập niên, Gemadept đã phát triển mạng lưới cảng và logistics hiện đại top đầu khu vực với quy mô hàng chục công ty con và công ty liên doanh, liên kết. Đâu là lợi thế cạnh tranh lớn nhất mà Gemadept có được so với các đơn vị cùng ngành?

Trải qua hơn 3 thập niên, Gemadept đã hình thành và đang tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái tích hợp Cảng – Logistics tại những vị trí giao thương huyết mạch từ Bắc vào Nam. Điều này tạo nên lợi thế cạnh tranh vượt trội cho Công ty. Qua đó, Gemadept góp phần thúc đẩy dòng chảy kinh tế của đất nước, đem đến những giá trị và giải pháp tối ưu cho khách hàng.

Bên cạnh đó, vị thế, thị phần và quy mô hoạt động ngày càng lớn cùng với kinh nghiệm của những người tiên phong trong ngành tạo cho Gemadept thế và lực vững chắc trong quá trình làm việc với các đối tác cũng như đạt được niềm tin, sự gắn bó, đồng hành của các khách hàng.

Liên quan đến các đối tác, có thông tin tập đoàn Adani của Ấn Độ mới đây đã tuyên bố rót 10 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó có một phần quan trọng vào lĩnh vực cảng biển và dịch vụ hậu cần. G7 công bố kế hoạch cơ sở hạ tầng 600 tỷ USD mà châu Á là một phần trong kế hoạch này. Gemadept có những chủ trương gì trước tình thế này?

Việt Nam cần các dòng vốn về tài chính để vừa phát triển sản xuất hàng hóa, vừa tăng cường dịch vụ hỗ trợ và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Từ trước đến nay, tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào sản xuất hàng hóa vẫn chiếm đa số nên các thông tin như trên là những tín hiệu đáng mừng.

Như chúng ta đã biết, tại hội nghị các nước G7 vừa qua, hiệp định đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) được Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh G7 từ Canada, Đức, Ý, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) công bố. Theo kế hoạch mới, G7 sẽ huy động 600 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước thu nhập thấp và trung bình. Châu Á là một phần quan trọng trong kế hoạch này và Việt Nam là một phần quan trọng của châu Á. Thế thì Gemadept phải có những kế hoạch, những chiến lược để kết nối với kế hoạch này.

Đối với Gemadept, thu hút dòng tiền và nguồn vốn cũng là ưu tiên, nhưng tạo thêm những hàng hóa, sản phẩm mới còn quan trọng hơn. Ví dụ như khi Công ty có chủ trương thoái 24% vốn góp tại cảng Gemalink, có nhiều đối tác quan tâm, nhưng chúng tôi mong muốn tìm kiếm những đối tác là những hãng tàu, những người có thể đem lại hàng hóa, chứ không chỉ là nguồn vốn, dòng tiền cho Công ty. Những đối tác này cũng không chỉ đem lại nguồn hàng cho Gemalink mà còn cho cả hệ sinh thái của Gemadept. Lựa chọn các đối tác đúng và đi đường dài là một trong những điều quan trọng mang đến thành công cho Gemadept trong thời gian qua.

Kể từ khi đại dịch ập đến, nền kinh tế chung chịu rất nhiều thách thức, song điều này khiến làn sóng hàng hóa vận tải biển tăng mạnh - một yếu tố hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp trong ngành. Về phía Gemadept, Công ty đã có những sách lược nào để hưởng lợi từ yếu tố này?

Mảng vận tải biển quốc tế của Gemadept không lớn. Mảng vận tải biển nội địa của Gemadept cũng vậy. Hiện tại Gemadept chỉ đang khai thác 4 con tàu. Chúng đều tăng trưởng nhưng không phải trọng điểm. Trọng điểm của Gemadept là cảng biển và hệ sinh thái xoay quanh cảng biển.

Gemadept tham gia vào ba mô hình cảng. Thứ nhất là cảng cạn ICD Phước Long, thứ hai là cảng sông ở Hải Phòng (năm trước đóng góp của cảng sông ở Hải Phòng cũng rất tốt) và thứ ba là cảng nước sâu Gemalink. Năm 2021, cảng nước sâu Gemalink vừa hoạt động năm đầu tiên đã chiếm 18% thị phần cảng Cái Mép. Chúng tôi cũng đang sắp tăng công suất giai đoạn 2 của Gemalink để đón đầu quá trình bùng nổ vận tải biển này.

Siêu cảng nước sâu Gemalink (nằm trong số 19 thương cảng trên thế giới có thể đón nhận siêu tàu Megaship) mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm đã góp phần nâng gấp đôi sản lượng của khối cảng Gemadept tại miền Nam và đóng góp đáng kể vào thị phần khu vực cụm cảng Cái Mép. Xin ông chia sẻ thêm về tầm nhìn và chiến lược của siêu cảng này?

Hiện tại hệ thống cảng Cái Mép đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia khi xử lý phần lớn hàng hóa đi châu Âu và Mỹ. Cụm cảng Gemalink nằm trong hệ thống cảng Cái Mép có rất nhiều lợi thế so với các cụm cảng khác (đầu tư mới hiện đại, vị trí chiến lược…). Năm nay, nếu lấy công suất của Gemalink giai đoạn 1 là 1.5 triệu TEU thì cảng có kế hoạch đạt được 1.4 triệu TEU, gần tiệm cận công suất thiết kế. Năm 2023 thì vượt công suất thiết kế một chút.

Chúng tôi đang hy vọng tất cả các giấy phép có thể hoàn chỉnh trong nửa cuối năm 2022 để xây dựng giai đoạn 2. Như vậy đến 2025, Gemalink giai đoạn 2 trọn vẹn sẽ có công suất là 3 triệu TEU, chiếm khoảng 35% công suất của cả hệ thống cảng Cái Mép.

Nhưng với chúng tôi thì câu chuyện không chỉ là khai thác 3 triệu TEU mà Gemalink còn khai thác cả hệ sinh thái, hệ thống vận chuyển xà lan nội thủy, rồi cảng cạn (ICD) để phục vụ cho hệ sinh thái ấy. Việc ra đời của Gemalink không chỉ đóng góp doanh thu lợi nhuận cho Gemadept mà các công ty trong hệ sinh thái Gemadept cũng hưởng lợi từ quá trình ấy. Hợp nhất lại thì hệ thống Gemadept có nhiều lợi thế hơn.

Từ 2023 trở đi, Gemalink sẽ là đơn vị thành viên dẫn dắt về sản lượng và công nghệ. Công nghệ triển khai ở Gemalink sẽ được triển khai cho các cảng khác. Hơn thế nữa, Gemalink không chỉ dẫn dắt về thị phần, doanh thu, sản lượng, mà nó còn là điển hình dẫn dắt về chuyển đổi số, quản trị và hoàn thiện hệ sinh thái.

Trong tương lai xa hơn, Gemadept có kế hoạch xây dựng thêm các siêu cảng tương tự ở khu vực khác không, thưa ông?

Nếu chú ý đến quy hoạch cảng biển quốc gia thì hiện tại vẫn còn một số khu vực trống. Miền Bắc còn dự án Lạch Huyện, dự án Nam Đồ Sơn là dự án cảng nước sâu ở cảng Hải Phòng. Miền Nam, sau Gemalink thì còn cảng nước sâu Cái Mép Hạ, sau đó là trung tâm logistics Cái Mép Hạ. Tất cả nằm trong quy hoạch rồi.

Chính phủ vẫn còn mong muốn phát triển cả cảng nước sâu Trần Đề và một số cảng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tinh thần của Gemadept bao nhiêu thế hệ qua là phải tiên phong. Chúng tôi đều chuẩn bị trước các dự án từ 5 đến 10 năm. Việc nghiên cứu, phát triển hoàn thiện các dự án hệ sinh thái của Gemadept luôn diễn ra, để làm sao đáp ứng được tầm nhìn của Tập đoàn là góp phần vào việc duy trì dòng chảy hàng hóa trong nước cũng như tới quốc tế, làm sao để dòng chảy ấy luôn hiệu quả.

20 năm nữa, ông hình dung vị thế của Gemadept sẽ ra sao trong bản đồ ngành cảng biển và logistics?

Tại Việt Nam, Gemadept phải là người tiên phong dẫn đầu. Còn vị thế của Gemadept trên bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tới thời điểm này, với Gemalink, có lẽ Gemadept đã là một thành phần trong chuỗi cung ứng ấy.

Xung quanh Việt Nam có Singapore và Malaysia, phía Bắc có Đài Loan và Nhật. Nếu gọi là vai trò trung chuyển thì mình chỉ cạnh tranh với Singapore và Malaysia thôi.

Tôi vẫn kỳ vọng là trong 20 năm nữa, chúng ta sẽ tham gia sâu vào thị phần cảng trung chuyển của thế giới. Hiện giờ, vai trò cảng trung chuyển (transit hub) của chúng ta còn khá mờ nhạt, thị phần rất bé. Singapore trong khoảng 10, 15 năm nữa là 65-100 triệu TEU. Việt Nam thì cụm cảng Cái Mép quy hoạch chưa tới 9 triệu TEU, cả thành phố mới có 15 triệu TEU. Một con số nhỏ bé và đa phần hàng mình là hàng nội địa.

Do đó, tôi kỳ vọng Gemadept không những tham gia mà còn đóng một vai trò chiến lược trong trung chuyển hàng hóa toàn cầu, cả bằng đường biển, đường hàng không và các trung tâm logistics... Hiện giờ mới chỉ phục vụ hàng hóa Việt là chủ yếu, chưa phải hàng hóa trung chuyển. Đó là ước mơ của tôi trong 10 năm, 20 năm nữa.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện, chúc ông và tập thể Gemadept có những bước tiến mạnh mẽ để hoàn thành sứ mệnh và tầm nhìn của mình.

Kiên Cường

Thiết kế: Chí Kiên - Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   VCX: Báo cáo tài chính quý 2/2022 (19/07/2022)

>   CNG: BCTC quý 2 năm 2022 (19/07/2022)

>   DGT: Nghị quyết Hội đồng quản trị (19/07/2022)

>   DGT: Nghị quyết Hội đồng quản trị (19/07/2022)

>   TTN: Thay đổi giấy đăng ký kinh doanh (19/07/2022)

>   VFC: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2022 (19/07/2022)

>   VRG: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2022 (19/07/2022)

>   VOC: Nghị quyết Hội đồng quản trị (19/07/2022)

>   USD: Nghị quyết Hội đồng quản trị (19/07/2022)

>   VTQ: Báo cáo tài chính quý 2/2022 (19/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật