Cách nào ghìm lạm phát cuối năm?
Đến nay, nhiều mặt hàng trong nước đã “trèo” lên một mặt bằng giá mới với dấu hiệu khó “quay đầu “ kể cả khi giá xăng dầu đã giảm mạnh. Giới chuyên gia nhận định, nếu chúng ta không kiểm soát tốt, lạm phát vẫn là mối lo lớn vào cuối năm.
Tháng 6/2022, CPI tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021, đều là mức tăng cao nhất kể từ năm 2012. Bình quân 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng CPI ở mức 2,44%. TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ ra: hiện trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, biến động giá lương thực, thực phẩm đang tác động rất lớn tới lạm phát của Việt Nam. Kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm sẽ tăng trở lại, do đó các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đảm bảo đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho dân. “Do mức lạm phát đã lên tới 2,44% nên dư địa để kiểm soát ở mức 4% không còn nhiều. Áp lực lạm phát của những tháng còn lại của năm 2022 là rất lớn”, ông Lâm nói.
Nhà thầu xây dựng đối mặt nhiều khó khăn
|
Ông Lâm phân tích thêm, lạm phát chuỗi cung ứng là yếu tố tạo áp lực lớn nhất, do sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, đại dịch và chiến sự Nga - Ukraine đã đẩy giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng cao, kéo dài. Điều này đẩy giá các sản phẩm cùng loại trong nước tăng theo, tạo áp lực lên sản xuất của doanh nghiệp. Tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng cũng là yếu tố gây áp lực lên lạm phát trong thời gian tới.
“Chính phủ đang khẩn trương chỉ đạo thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô vốn 350 nghìn tỷ đồng trong hai năm 2022-2023, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023”, ông Lâm nhận định.
Hai kịch bản kiểm soát
Theo TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), CPI 2,44% chưa phản ánh đúng thực tế, bởi giá nhiều loại hàng hóa tăng khá mạnh.
TS Lê Quốc Phương đưa ra 2 dự báo về kịch bản kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm. Ở kịch bản 1, kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn cung hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm dồi dào, không gây biến động lớn về giá thì CPI 6 tháng cuối năm không tăng mạnh, sẽ dưới 4%.
Ở kịch bản 2, nếu giá hàng hóa thế giới vẫn tăng, đặc biệt là giá xăng dầu và lương thực kéo giá thành sản phẩm trong nước tăng theo, kinh tế Việt Nam phục hồi kéo theo cầu nội địa tiếp tục tăng, cộng thêm việc tăng lương tối thiểu vùng, tín dụng tăng cao thì CPI 6 tháng cuối năm có thể tăng cao hơn 6 tháng đầu năm và CPI cả năm sẽ vượt 4%.
“Để kiểm soát lạm phát, cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, không đồng thời tăng giá các mặt hàng trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, cần chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng đột biến”, TS Phương kiến nghị.
Ông Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế - Tài chính chỉ ra, từ đầu năm tới nay, do giá nguyên liệu đầu vào của hàng loạt mặt hàng gia tăng, thiết lập mặt bằng mới. Giá xăng trong nước đã giảm nhưng cần độ trễ để giá hàng hoá giảm theo.
Việt Linh - Ngọc Linh
Tiền phong
|