Thứ Sáu, 24/06/2022 21:23

Vì sao giá dầu lao dốc?

Giá dầu thô lao dốc ngay cả khi nguồn cung thực tế vẫn khan hiếm trên toàn cầu. Nguyên nhân là những lo ngại về rủi ro suy thoái của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu thô thế giới đã biến động mạnh trong vòng 24 giờ qua. Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu có thời điểm tăng lên 112,3 USD/thùng, rồi lao dốc còn 109,2 USD/thùng. Tính đến 15h20, giá dao động quanh ngưỡng 110 USD/thùng, tăng nhẹ 0,25% so với một ngày trước đó.

Trong khi đó, 24 giờ qua, giá dầu WTI trồi sụt liên tục trong vùng 103,5-106,65 USD//thùng. Tính đến 15h20, dầu WTI được giao dịch quanh ngưỡng 104,68 USD/thùng, tăng nhẹ 0,38% so với một ngày trước đó.

"Giá dầu đã có một phiên giao dịch đầy biến động trong vòng 24 giờ qua. Nhưng khi làn sóng qua đi, cả giá dầu Brent và dầu WTI đều không thay đổi nhiều so với một ngày trước đó", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Singapore - bình luận với Zing.

Giá dầu thế giới ảnh 1

Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu biến động liên tục trong vòng 24 giờ qua. Chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất trong ngày lên tới hơn 3 USD/thùng. Ảnh: Trading Economics.

Lo ngại suy thoái

"Một phần nguyên nhân là việc Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) bất ngờ hoãn công bố số liệu tồn trữ dầu tại Mỹ do các vấn đề kỹ thuật", ông Halley nhận định. Đây là một trong số những nguồn dữ liệu được thị trường theo dõi sát sao nhất.

"Những lo ngại về rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ đã ngăn dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường dầu. Điều đó khiến giá dầu lao dốc, ngay cả khi nguồn cung thực tế vẫn khan hiếm trên toàn cầu", vị chuyên gia nhận định.

Giá dầu thô thế giới đã giảm đáng kể so với mức cao hồi đầu tháng 3. Theo AAA Gas Prices, giá xăng trung bình tại Mỹ cũng giảm từ 5 USD/gallon một tuần trước đó xuống còn 4,926 USD/gallon.

Ông Halley chỉ ra nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ khi ngân hàng trung ương siết chặt chính sách. Hôm 22/6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell khẳng định Mỹ cần đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Ông thừa nhận rằng việc nâng lãi suất mạnh tay có thể dẫn tới suy thoái kinh tế.

Theo người đứng đầu FED, việc đưa nền kinh tế hạ cánh an toàn là "rất khó khăn".

Hôm 15/6, FED thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, nâng lãi suất tham chiếu lên khoảng 1,5-1,75%. Trước đó, cơ quan này cũng đã thực hiện 2 đợt tăng lãi suất trong năm nay.

Ông Dan Yergin - Phó chủ tịch S&P Global - cho rằng FED sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn để kiểm soát lạm phát. "Điều này sẽ tác động lên giá dầu", ông giải thích.

Thêm vào đó, theo ông Yergin, triển vọng nhu cầu của Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - cũng không chắc chắn.

Trung Quốc đang trong quá trình mở cửa trở lại sau nhiều tháng phong tỏa hàng loạt thành phố lớn vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0.

Nhiều nhà kinh tế dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi chậm do biến thể Omicron dễ lây lan hơn và tăng trưởng yếu đi. Đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế.

"Mức độ phục hồi và mở cửa trở lại có thể tác động tới nhu cầu dầu, nhưng không chắc sẽ khiến giá tăng cao hơn", ông Yergin nhận định.

Nguồn cung vẫn bị thắt chặt

Theo giới quan sát, giá dầu hạ nhiệt ngay cả khi nguồn cung thực tế vẫn bị thắt chặt.

Đầu tháng này, OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và liên minh) đồng ý nâng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7, tương đương 7% nhu cầu toàn cầu và bằng mức tăng của tháng 8. Con số này đã tăng đáng kể so với kế hoạch ban đầu.

Theo ông Edward Gardner - nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics, OPEC+ sẽ cho phép một số thành viên có năng lực dư thừa sản xuất nhiều hơn.

"Điều đó có thể khiến giá dầu Brent giảm còn khoảng 100 USD/thùng vào cuối năm", vị chuyên gia nhận định.

Giá dầu thế giới ảnh 2

Hầu hết quốc gia thành viên OPEC+ không thể tăng sản lượng dầu trong một sớm một chiều. 2 năm qua, đầu tư vào ngành công nghiệp này đã giảm đi đáng kể. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, ngay cả khi hạn ngạch sản xuất đối với các nước thành viên OPEC+ dần được nới lỏng, đa số quốc gia không thể tăng sản lượng ngay lập tức.

"Hầu hết thành viên không có khả năng tăng sản lượng trong ngắn hạn. Một số thành viên, chẳng hạn Angola và Nigeria, thậm chí có thể chứng kiến sản lượng thấp hơn trong những tháng tới", ông Gardner cảnh báo.

Theo ông, nguyên nhân là sự đình trệ đầu tư trong những năm qua đã tác động đáng kể tới sản xuất.

Thảo Phương

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Hạ nhiệt giá xăng dầu: Nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (24/06/2022)

>   Dầu tiếp tục giảm do lo ngại Fed nâng lãi suất sẽ làm giảm nhu cầu (24/06/2022)

>   Tổng thống Mỹ đề xuất tạm đình chỉ thuế nhiên liệu trong 3 tháng (23/06/2022)

>   Phải làm gì để "ghìm cương con ngựa bất kham" xăng dầu? (23/06/2022)

>   Bộ Tài chính đề nghị chưa giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (23/06/2022)

>   Dầu WTI  giảm 3% do lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái (23/06/2022)

>   Cam kết ngừng nhập dầu mỏ từ Nga, châu Âu tìm cách đối phó với giá xăng dầu tăng (22/06/2022)

>   VCCI đề nghị nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (22/06/2022)

>   Dầu WTI quay đầu giảm 4% (22/06/2022)

>   Đòn giáng mới vào thị trường dầu toàn cầu (22/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật