Ocean Group chuyển lãi thành lỗ 76 tỷ đồng sau kiểm toán
Ngày 14/06, CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HOSE: OGC) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 với khoản lỗ ròng 76 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập lại ghi nhận lãi ròng hơn 145 tỷ đồng.
Đây cũng là báo cáo tài chính đầu tiên kể từ khi nhóm cổ đông IDS Holdings nắm quyền lãnh đạo doanh nghiệp.
Sự tăng vọt của giá vốn hàng bán (tăng 33%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng gấp 79 lần) là yếu tố chính góp phần khiến Ocean Group từ lãi sang lỗ sau kiểm toán. Sự thay đổi này phần lớn đều xuất phát từ các khoản trích lập dự phòng với nợ xấu và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Thay đổi trước và sau kiểm toán năm 2021 của OGC
Đvt: Tỷ đồng
Theo giải trình từ phía Công ty, giá vốn hàng bán tăng 102 tỷ đồng do công ty con OCH phải trích lập dự phòng với chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang với dự án Saigon Airport Plaza.
Điều này là do trước đó, OCH đã đồng ý dùng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản hình thành trong tương lai với dự án Saigon Airport Plaza để đảm bảo cho khoản vay của CTCP Đầu tư và Dịch vụ Đại Dương Xanh (nay là Công ty TNHH Pegasus Thăng Long) tại Ocean Bank. Trong trường hợp Pegasus Thăng Long không thể trả được nợ thì các tài sản đảm bảo sẽ bị bán để trả nợ. Do đó, OCH thận trọng trích lập dự phòng với khoản này.
Trong khi đó, phần chi phí tài chính gia tăng do OCH tăng trích lập dự phòng đối với khoảng đầu tư dài hạn trị giá 9 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất là khoản tăng vọt của chi phí quản lý doanh nghiệp từ 4 tỷ đồng (trước kiểm toán) lên 290 tỷ đồng. Ocean Group lý giải điều này liên quan tới việc thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi theo khả năng thu hồi và kết quả việc bán nợ trong năm 2022.
Với kết quả kiểm toán mới nhất, Công ty ghi nhận lỗ 76 tỷ đồng trong năm 2021, trong khi năm 2020 lãi 111 tỷ đồng.
Chuyển dịch hơn 3,000 tỷ đồng nợ xấu ra ngoại bảng
Bảng cân đối kế toán cũng chứng kiến nhiều sự thay đổi, đáng chú ý nhất là sự suy giảm về các khoản phải thu ngắn hạn. Trong đó, các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn đã giảm từ hơn 1.4 ngàn tỷ về còn 170 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn khác giảm từ 2.7 ngàn tỷ về 1.2 ngàn tỷ. Dự phòng cũng ghi nhận sự giảm mạnh.
Trên thực tế, điều này là do Công ty đã chuyển hơn 3,300 tỷ đồng nợ xấu ra ngoại bảng, trong đó 2,600 tỷ đồng của Tập đoàn Đại Dương và 724 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Đại Dương Thăng Long (công ty con).
Nguồn: BCTC kiểm toán năm 2021 của OGC
|
Trước đó, ngày 08/06, Ocean Group đã công bố thông tin lấy ý kiến cổ đông về việc chuyển hơn 2,500 tỷ đồng nợ xấu của Tập đoàn Đại Dương ra ngoại bảng và đã được thông qua vào ngày 14/06 – cùng ngày công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Việc gấp rút thông qua đề xuất trong thời gian quá ngắn cũng khiến Ocean Group bị HOSE nhắc nhở vì theo luật doanh nghiệp, họ phải gửi tài liệu chậm nhất là 10 ngày, còn theo quy định của Ocean Group là 15 ngày.
Về vấn đề này, Ocean Group cho rằng: “Ban lãnh đạo Công ty đánh giá quy trình thực hiện ý kiến đại hội đồng cổ đông bằng văn bản và nội dung của Nghị quyết được thực hiện trên cơ sở đảm bảo lợi ích tối đa của Công ty”.
Những ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán
Các kiểm toán viên AFC Việt Nam nêu ý kiến nhấn mạnh tới khả năng hoạt động liên tục của Công ty khi Ocean Group lỗ lũy kế 2,662 tỷ đồng tại cuối năm 2021, đồng thời lưu ý tới việc chuyển dịch nợ xấu ra ngoại bảng, các khoản nợ xấu và trích lập dự phòng của Công ty.
Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng không thu thập được bằng chứng để đánh giá về khả năng thu hồi, khả năng tiếp tục thực hiện và thu về lợi ích kinh tế trong tương lai, cũng như điều chỉnh nợ gốc (nếu có) của các khoản mục “trả trước cho người bán ngắn hạn”, “phải thu ngắn hạn khác”, “trả trước cho người bán dài hạn” và “tài sản thiếu chờ xử lý”.
Vũ Hạo
FILI
|