Mẹ tôi luôn nói “đừng có tiết kiệm quá, nhớ ăn uống đủ” nhưng tôi cũng không dám tin lời mẹ nữa vì nếu không chắt bóp, tôi sẽ chẳng thể sống sót ở London (Anh).
Đám sinh viên ở London thường đùa rằng: Chỉ cần đi ra đường và thở một cái rồi về cũng tốn tiền.
Từ hồi tháng 3, thị trưởng London đã thông báo việc tăng vé tàu và xe buýt.
Vé tàu đi lại trong nội thành London đã tăng từ 2,65 bảng (3,32 USD) lên 3,2 bảng (4 USD)/lượt. Mỗi lượt đến trường đại học, tôi phải trả 6,4 bảng (8 USD), chưa kể tiền ăn nếu hôm đó lỡ không kịp mang theo đồ ăn trưa.
Giá vé xe buýt cũng tăng so với trước. Dùng thẻ sinh viên đi lại ở London không rẻ nếu bạn không phải thường xuyên đến trường. Vé tháng đi lại trong khu vực zone 1 và 2 ở London là hơn 100 bảng (125 USD) sau khi đã giảm 30% cho sinh viên.
Vé tàu và xe buýt - phương tiện đi lại của phần lớn sinh viên - ở London đều tăng. Ảnh: AFP.
|
Không dám tới nhà hàng món Việt
Trong các group người Việt, nhiều du học sinh chia sẻ việc tiêu 200 bảng (250 USD) mỗi tháng cho việc mua thực phẩm là điều khả thi.
Đúng, điều đó khả thi vào 6 tháng đầu tiên khi tôi đến London. Nhưng từ sau tháng 3, mọi việc đã thay đổi. Giá mỗi thứ rau trong siêu thị đã tăng thêm 20-50 pence. Bạn sẽ không coi đó là vấn đề vì “chỉ là 50 pence thôi mà”, nhưng với những sinh viên luôn phải đau đầu đong đếm làm sao 200 bảng đủ mua thực phẩm cho 30 ngày thì đó là cả một vấn đề.
Khoản tiền 5 bảng (6,2 USD) đi chợ mỗi ngày sẽ tăng thêm vài bảng dù bạn chỉ dám mua những thứ thiết yếu, nâng lên đặt xuống các món đồ có giá trên 2 bảng.
Lạm phát ở Anh lên tới 9% vào tháng 4, cao nhất trong vòng 40 năm qua, một phần do giá thực phẩm gia tăng. Ảnh: AP.
|
So với Việt Nam, giá thực phẩm ở Anh không quá chênh lệch. Đó như một sự bù đắp cho giá nhà cao chót vót tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Nhưng điều đó đã không còn đúng nữa khi bạn nhìn thấy bảng giá ở siêu thị được thay mới hàng tuần.
Tôi sống ở căn hộ 3 phòng ngủ tầng 4 trong một khu lao động đa sắc tộc ở phía tây bắc London, không thang máy hay bất cứ dịch vụ xa xỉ nào. Từ cửa sổ phòng ngủ, tôi vẫn nghe tiếng mấy người say xỉn cãi vã và đánh chửi nhau vào lúc 2-3h sáng. Phía sau nhà thì tiếng tàu chạy qua lại suốt ngày đêm. Mỗi tháng, số tiền nhà cộng các loại chi phí chiếm phần lớn khoản tiền mà tôi có. Phải chi tiêu rất dè sẻn nếu không rơi vào cảnh “âm” vào tuần cuối tháng.
Cảnh “cháy túi” ở London nó như thế nào ư? Nó giống như chú gấu Paddington một mình cô đơn đứng ở ga tàu điện trong một buổi chiều mưa, lạnh và chiếc bánh mì kẹp mứt cam đã bị bọn chim ăn mất. Một người lạc quan nhất cũng khó tránh khỏi hoảng loạn.
Khi còn sống ở Việt Nam, tôi chẳng bao giờ phải nhìn giá khi đi mua hàng ở siêu thị hay phải cân nhắc khi ăn ở một nhà hàng tầm trung giữa TP.HCM. Sống ở London 9 tháng, tôi chỉ dám đến nhà hàng (nhà hàng thực sự) một lần duy nhất vào ngày sinh nhật. Tôi chưa từng đến nhà hàng Việt Nam vì nó khá xa xỉ so với số tiền trong túi của mình. Để ăn một bữa với chất lượng tạm ổn, tôi phải tiêu ít nhất 20 bảng (25 USD), một bữa lẩu có giá 150-300 bảng (188-375 USD).
Trong khi đó, nhà hàng Trung Quốc ở khu Chinatown có giá rẻ hơn nhiều, chỉ từ 12-15 bảng (15-21 USD) cho một bát mì vịt. Nhưng nếu không phải là dịp gặp bạn bè, tôi cũng sẽ hạn chế vào trung tâm để tiết kiệm tiền đi tàu.
Fish and chips (cá và khoai tây chiên), loại thức ăn nhanh của người Anh cũng không còn rẻ nữa. Giờ chẳng ai còn ngẫu hứng mua một suất cá bọc trong giấy báo và ăn trên đường đi làm về.
Giá fish and chips đã “kín đáo” tăng lên 1-2 bảng trong vài tháng vừa qua dù chủ cửa hàng than thở rằng nếu tính đủ chi phí thì nó phải tăng thêm 4 bảng.
Một thống kê cho thấy 30% cửa hàng fish and chips trên toàn nước Anh phải đóng cửa do giá cá, dầu ăn, gia vị tăng. Nhà hàng Brazil yêu thích gần nhà tôi cũng đã gạch giá cũ và chính thức viết mức giá mới bên cạnh từ đầu tháng 6.
Giống như một sự phản bội
Tuy nhiên, tiền nhà mới là cơn đau đầu của những người sống ở London. Tới tháng 9 khi hết hạn hợp đồng, khoản thuê nhà có thể chiếm gần hết khoản tiền hàng tháng. Học bổng dĩ nhiên không tăng theo lạm phát như hàng hoá ở siêu thị.
Ở London thời điểm này, mọi người chẳng lạ gì nếu nhận thông báo tăng tiền nhà từ chủ nhà. Bạn tôi sống ở khu bên cạnh trong căn hộ một phòng ngủ với giá 1.600 bảng (2.000 USD) mỗi tháng.
Giá nhà ở London tăng vọt trong quý đầu tiên của năm nay. Ảnh: AFP.
|
Hai tháng trước, chủ nhà thông báo sẽ tăng tiền nhà thêm 20% vì trượt giá. Hoàn toàn không có nỗ lực thương lượng nào và tỷ lệ lạm phát theo chính phủ là 8%.
Nhiều người trong khu nhà đã phải chuyển ra ngoài, đặc biệt là những người vẫn đang thất nghiệp vì mất việc trong 2 năm đại dịch.
Đôi vợ chồng bạn tôi nhận thông báo tăng 40% giá thuê nhà. Ở London thời điểm này, dịch Covid-19 dường như đã kết thúc, các rào cản đi lại được dỡ. Chủ nhà cũng không tha thiết giữ người thuê vì kể cả khi họ tăng giá lên 40%, căn nhà sẽ được lấp đầy nhanh chóng bởi người mới.
Mọi người đều tin rằng chủ nhà đang muốn bù đắp khoản tiền nhà họ đã mất suốt 2 năm đại dịch do không thể tăng giá.
Về mặt cảm xúc, nó giống như một sự phản bội. Những người thuê nhà đã ở lại và trả tiền nhà đều đặn trong suốt đại dịch nhưng khi thị trường khởi sắc, họ bị đẩy ra đường.
Suốt 6 tháng qua, tôi đã không mua sắm quần áo mới, không đi du lịch, không đi nhà hàng nếu không phải dịp đặc biệt. Nhiều người trong số bạn bè tôi đang tính chuyện rời đi. Nhưng đi đâu cũng là câu hỏi đau đầu vì giá cả ở tất cả nơi có dấu chân con người đều đang tăng chóng mặt.
Giá thực phẩm đang là mối lo ngại lớn đối với 3/4 người Anh
Theo Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Anh (FSA), chi phí thực phẩm đang là nỗi lo lớn đối với đa số người dân nước này trong khi số người cắt giảm bữa ăn hoặc cần tìm tới ngân hàng thực phẩm đã tăng vọt trong năm qua.
Nghiên cứu của FSA cho thấy giá thực phẩm là mối quan tâm đáng kể trong ba năm tới đối với hơn ba phần tư người tiêu dùng Vương quốc Anh (76%) và số người cần tới ngân hàng thực phẩm đã tăng từ khoảng 1/10 vào tháng 3/2021, lên gần 1/6 trong tháng ba vừa qua.
Hơn 1/5 (22%) những người được khảo sát vào tháng 3 cho biết họ cắt bỏ bữa ăn hoặc giảm khẩu phần ăn vì không đủ tiền mua thực phẩm.
Gần 70% cho biết chi phí thực phẩm lành mạnh là mối quan tâm lớn trong tương lai, và gần 2/3 số người cho rằng nghèo đói và bất bình đẳng lương thực là mối quan tâm tương lai trong vấn đề thực phẩm ở Anh.
Tình trạng mất an ninh lương thực phổ biến hơn ở những người có thu nhập thấp, người trẻ tuổi, những người sống trong các hộ gia đình lớn, và người châu Á, da đen, châu Phi và Caribe.
Lạm phát ở Anh đã lên tới 9% trong tháng 4, mức cao nhất trong hơn 40 năm, với chi phí thực phẩm, năng lượng và đi lại leo thang.
Theo số liệu của British Retail Consortium và NielsenIQ, giá cả tại các cửa hàng trong tháng 5 đã tăng ở mức nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Lạm phát lương thực tăng vọt lên 4,3% trong tháng 5, từ 3,5% trong tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.
Một nửa số người được khảo sát bày tỏ lo ngại về tiêu chuẩn lương thực kể từ Brexit. Đặc biệt, nhiều người lo ngại rằng những xáo trộn liên quan Brexit sẽ ngày càng làm giảm mức độ an toàn và chất lượng của thực phẩm ở Anh.
FSA khẳng định cơ quan này đang làm việc với các doanh nghiệp để đảm bảo việc quyên góp sản phẩm đơn giản hết mức, đồng thời hỗ trợ những người làm việc trong ngân hàng thực phẩm cũng như những người cần sử dụng nguồn thực phẩm trong đó.
Người đứng đầu FSA, giáo sư Susan Jebb, cho biết: “Trước áp lực tức thì đối với những người đang phải vật lộn để mua thực phẩm, các ngân hàng thực phẩm đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng của chúng tôi".
“Chúng tôi đang khẩn trương làm việc với ngành công nghiệp và các nhà tài trợ lớn khác, cùng những tổ chức từ thiện của ngân hàng thực phẩm, để xem chúng ta có thể làm gì cùng nhau nhằm đảm bảo thực phẩm an toàn có thể tới tay những người cần tới sự hỗ trợ này”, bà nhấn mạnh.
|