Thứ Hai, 20/06/2022 13:01

Nhà đầu tư ồ ạt bỏ cọc sau khi đấu giá đất ở mức 'trên trời'

Nhiều địa phương cho rằng, việc nhà đầu tư rầm rộ đấu giá đất nông thôn và miền núi ở mức cao ngất rồi đồng loạt bỏ cọc có thể là chiêu thức để “thổi giá” các lô đất xung quanh khu vực đấu giá mà họ đã mua trước đó.

Đổ xô đấu giá đất miền núi cao "trên trời"

Mới đây, phiên đấu giá 39 lô đất thuộc Khu dân cư Cà Tu, tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), khiến nhiều nhà đầu tư được phen “khiếp vía” vì mức giá trúng cao chót vót. Cụ thể, 39 lô đất có tổng diện tích hơn 5.344m2, tổng giá khởi điểm là hơn 20,4 tỷ đồng. Trong đó, diện tích các lô từ hơn 126 - 175m2, giá khởi điểm từ 414 - 782 triệu đồng/lô. Nhà đầu tư tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá trị lô đất theo giá khởi điểm.

Buổi đấu giá thu hút hơn 1.000 người mua hồ sơ, kết thúc phiên đấu giá, cả 39 lô đất của huyện miền núi đã được đấu giá thành công, tổng số tiền trúng đấu giá là hơn 44,8 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với tổng giá khởi điểm, vượt xa kế hoạch mà UBND huyện Sơn Hà đề ra.

Đáng chú ý, gần như các lô đất đều được đấu thành công ở mức tăng gấp 2 – 3 lần giá khởi điểm, điển hình như lô hơn 700 triệu đấu thành công ở mức 1,8 tỷ đồng, lô hơn 600 triệu được đấu thành công ở mức hơn 1,8 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần). Bên cạnh đó, phiên “chợ đất” còn diễn ra vô cùng náo nhiệt và gay cấn vì mỗi lô đất đều phải trải qua 10 – 15 vòng trả giá mới đến mức giá cuối cùng, thậm chí có lô còn lên gần 30 vòng trả giá.

39 lô đất thuộc Khu dân cư Cà Tu, tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) đều được đấu thành công ở mức tăng gấp 2 – 3 lần giá khởi điểm, một điều trước nay ít xảy ra ở huyện miền núi này. (Ảnh minh họa)

Trước đó, nhiều người cũng được phen sửng sốt khi phiên đấu giá 46 lô đất nông thôn, có tổng diện tích 14.208,8m2 thuộc công trình “Phát triển điểm dân cư xã Gio Hòa” (nay là xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, Quảng Trị), nằm trên địa bàn thôn Đại Đồng Nhất (28 lô) và thôn Trí Tiến (18 lô) có mức giá trúng cao ngất. Cụ thể, tổng số tiền trúng đấu giá lên đến 62,3 tỷ đồng. Trong đó, lô số 01 ở thôn Đại Đồng Nhất có diện tích 285m2, giá khởi điểm hơn 381 triệu đồng được đấu trúng với giá 1, 750 tỷ đồng (gấp 4,6 lần); lô số 04 ở thôn Đại Đồng Nhất có diện tích hơn 285m2, giá khởi điểm hơn 381 triệu đồng được đấu trúng với giá 1, 769 tỷ đồng đồng; lô số 6 ở thôn Trí Tiến có diện tích 420m2 có giá khởi điểm hơn 562 triệu đồng, được đấu trúng với giá hơn 2 tỷ đồng,…

Cũng tại Quảng Trị, hồi tháng 4 vừa qua, không ít người “á khẩu” khi cuộc đấu giá 27 lô đất (mỗi lô đất rộng 450m2 có giá khởi điểm là 250 triệu đồng/ lô) trên địa bàn thị trấn Cam Lộ và xã miền núi Cam Tuyền, thuộc huyện Cam Lộ được nâng lên mức “khủng”, thậm chí có lô có mức trúng gấp 4 lần giá khởi điểm.

Cuối năm 2021, tại huyện vùng núi Sơn Động, 92 lô đất ở tại khu dân cư Khu 2 và Khu 4 (cùng thị trấn An Châu) có diện tích từ 87,5 - 210 m2/lô, giá khởi điểm từ 4,8 - 7,7 triệu đồng/m2; tổng giá khởi điểm hơn 56,5 tỷ đồng. Sau phiên đấu giá, 100% lô đất có khách hàng trả giá với tổng giá trị trúng hơn 82,7 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm hơn 26,2 tỷ đồng. Lô có giá trúng cao nhất là 2,4 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm hơn 1 tỷ đồng…

Ồ ạt bỏ cọc

Liên quan đến vụ đấu giá 46 lô đất nông thôn với giá “trên trời” ở thôn Đại Đồng Nhất (28 lô) và thôn Trí Tiến ở huyện Gio Linh (Quảng Trị), được biết, đến ngày đóng tiền chỉ có 5/46 khách hàng nộp đủ tiền cho 5 lô đất. Việc này khiến UBND huyện Gio Linh phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá đối với 41 lô đất còn lại.

Cũng tại Quảng Trị, thương vụ đấu giá 27 lô đất trên địa bàn thị trấn Cam Lộ và xã miền núi Cam Tuyền, thuộc huyện Cam Lộ cũng gặp tình cảnh nhà đầu tư bỏ cọc. Cụ thể, trong số 27 lô đất trúng đấu giá, có 11 lô được công bố giá trị trúng đấu giá gần 18 tỷ đồng với số tiền đặt cọc là 1,3 tỷ đồng. Nhưng sau khi trúng đấu giá, những người mua đất không nộp đủ tiền trúng theo quy định mà âm thầm “quay xe”, chấp nhận bỏ tiền cọc.

Nhiều địa phương phải liên tục hủy kết quả trúng đấu giá vì nhà đầu tư đấu giá lên cao rồi không nộp tiền sử dụng đất theo quy định, chấp nhận bỏ cọc. (Ảnh minh họa)

Trước đó, UBND huyện miền núi Yên Thế (Bắc Giang) cũng phải huỷ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại thị trấn Phồn Xương đối với 5 trường hợp có tổng số tiền đặt cọc là hơn 1 tỷ đồng. Được biết, các lô đất bị bỏ cọc hầu hết đều có giá trúng cao, trong đó đắt nhất là lô LK1.1, diện tích hơn 130 m2, giá khởi điểm gần 4 tỷ đồng, giá trúng gần 8,7 tỷ đồng.

Nhận định về tình trạng nhà đầu tư liên tục bỏ cọc đất đấu giá, lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ bày tỏ, có thể việc đấu giá đất cao rồi bỏ cọc là chiêu thức của nhà đầu tư, để “thổi giá” của các lô đất xung quanh khu vực đấu giá, mà họ đã mua trước đó. Vì thế, khi họ bán được đất xung quanh rồi thì bỏ luôn tiền cọc ở lô đấu trúng.

Còn ông Tạ Hoàng Trưng, Trưởng Phòng Quản lý nhà ở và Thị trường bất động sản - Sở Xây dựng Quảng Ngãi nhận định, giá trị đất tăng thực chất là không đáng kể, chủ yếu vẫn là do "cò" thổi giá, tạo nên những cơn “sốt ảo” trong thời gian ngắn để mua đi bán lại kiếm lời.

Việc nhà đầu tư rầm rộ đấu giá đất nông thôn và miền núi ở mức cao ngất rồi đồng loạt bỏ cọc có thể là chiêu thức để “thổi giá” các lô đất xung quanh khu vực đấu giá mà họ đã mua trước đó. (Ảnh minh họa)

Trước những diễn biến bất cập của thị trường đất đai trên địa bàn, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường quản lý các dự án bất động sản hình thành trong tương lai; kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản, bảo đảm tuân thủ đúng quy định; công bố công khai tiến độ triển khai các dự án nhà ở..., rà soát xác định rõ nguồn gốc sử dụng đất, kiểm soát giao dịch ảo...

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng khẳng định, đơn vị đã đề nghị công an vào cuộc, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát tất cả các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để góp phần chặn "cơn sốt" đất.

Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường Lê Công Thành cho rằng, ở một số địa phương có thời điểm thực hiện còn chưa nghiêm các phiên đấu giá, có hiện tượng lộ thông tin, thông đồng người tham gia và người tổ chức đấu giá cũng góp phần tạo ra "cơn sốt". "Vấn đề này liên quan đến trách nhiệm của nhiều bên và Bộ Tài Nguyên & Môi trường đã có văn bản gửi các tỉnh, thành đề nghị thực hiện các giải pháp quản lý nhằm hạn chế hiện tượng sốt đất ảo, thổi giá đất. Cùng với đó, đề nghị các địa phương cần công bố, công khai thông tin, không bị nhiễu, tránh bị lợi dụng đầu cơ, thổi giá" - ông Lê Công Thành thông tin.

Lập Đông

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Siết tín dụng, nhu cầu về bất động sản cho thuê tăng cao? (18/06/2022)

>   Bất động sản dễ mua, khó bán (18/06/2022)

>   Chuyên gia cảnh báo nguy cơ 'bong bóng' BĐS, người 'ôm đất' rơi vào cảnh trắng tay (17/06/2022)

>   Có nên xuống tiền mua bất động sản lúc này? (16/06/2022)

>   Vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội: Hàng nghìn tỷ có nguy cơ ế (16/06/2022)

>   'Niên hạn nhà chung cư là vấn đề lớn, động chạm đến nhiều người' (14/06/2022)

>   Chuyên gia Cấn Văn Lực: Sẽ có ít nhất 4 hệ lụy nếu dòng vốn vào BĐS bị kiểm soát quá mức (10/06/2022)

>   8 điểm nghẽn của thị trường bất động sản Việt Nam (09/06/2022)

>   Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Giá bất động sản còn ở mức cao so với thu nhập của người dân (08/06/2022)

>   Sau một năm 'siết' tín dụng bất động sản, doanh số bán nhà Trung Quốc giảm 49% (07/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật