Thứ Sáu, 24/06/2022 06:01

Nâng hạng thị trường MSCI: Lại vắng bóng Việt Nam

Lại một năm nữa, Việt Nam vắng bóng trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Trong đợt review lần này, điểm đáng chú ý có lẽ là đề xuất chuyển Nigeria từ thị trường cận biên (Frontier Market) sang thị trường độc lập (Standalone Market), qua đó có thể tác động tới tỷ trọng trong rổ thị trường cận biên.

Danh sách theo dõi nâng hạng chưa xuất hiện Việt Nam

MSCI (Morgan Stanley Capital International) là một công ty nghiên cứu đầu tư cung cấp các sản phẩm chỉ số tài chính, các phân tích thành quả và rủi ro danh mục cùng các công cụ quản trị cho nhà đầu tư tổ chức và quỹ phòng hộ.

Vào sáng ngày thứ Sáu (24/06), MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó Việt Nam một lần nữa lỡ hẹn với danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market).

Kết quả này có lẽ cũng không quá bất ngờ vì đánh giá của MSCI về thị trường Việt Nam đang thay đổi theo hướng tiêu cực hơn. Trong đánh giá năm nay, MSCI nhấn mạnh tới vấn đề room ngoại trên thị trường Việt Nam, cho rằng “các vấn đề về room nước ngoài đang tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Đáng chú ý hơn, 9 tiêu chí định lượng về thị trường của Việt Nam bị gắn nhãn “-“, tức chưa đáp ứng được yêu cầu của MSCI.

*Đánh giá chi tiết về thị trường Việt Nam

Gần đây, vấn đề nâng hạng thị trường cũng thu hút sự chú ý của Chính phủ Việt Nam bởi lẽ nếu được nâng hạng, dòng vốn vào Việt Nam sẽ còn dồi dào hơn nữa. Hiện tại cũng đã có những nỗ lực đẩy mạnh quá trình nâng hạng này. Trong chuyến công du tới Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, UBCKNN Việt Nam đã hợp tác với sàn NYSE về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán.

Tuy vậy, chặng đường nâng hạng của Việt Nam có vẻ vẫn còn xa. Theo dự báo của ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research cho biết ít phải đến năm 2025, chứng khoán Việt Nam mới có thể chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Khả năng chuyển Nigeria sang thị trường độc lập

Bên cạnh đó, MSCI khởi động tham vấn về đề xuất chuyển chỉ số MSCI Nigeria từ thị trường cận biên sang thị trường độc lập. Điều này sẽ tác động tới tỷ trọng của các chỉ số trong rổ thị trường cận biên, có cả Việt Nam.

* Tỷ trọng của Việt Nam trong rổ cận biên có thể lên 34% nếu Nigeria sang thị trường độc lập?

Kể từ tháng 3/2020, các vấn đề tiếp cận thị trường đã xuất hiện trên thị trường cổ phiếu Nigeria. Việc thu hồi vốn từ các khoản đầu tư tại thị trường này vẫn cực kỳ khó khăn với các nhà đầu tư nước ngoài do thanh khoản thấp. Kết quả là các thành phần tham gia thị trường liên tục tỏ ra lo ngại về khả năng đầu tư (investability) và mô phỏng của chỉ số MSCI Nigeria.

“Khả năng thu hồi vốn từ Nigeria đã đi xuống trầm trọng. Kết quả là kể từ tháng 5/2020, MSCI đã triển khai một biện pháp đặc biệt để giảm bớt số lượng quyết định thay đổi với các chỉ số cổ phiếu MSCI có liên quan”, Craig Feldman, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Quản lý Chỉ số trên toàn cầu và là thành viên của Ủy ban Chính sách Chỉ số MSCI, cho hay.

“Xét tới bản chất kéo dài của các vấn đề đang tác động tới khả năng tiếp cận thị trường Nigeria, chúng tôi đẩy mạnh quá trình tham vấn để chuyển Nigeria từ thị trường cận biên sang thị trường độc lập”.

MSCI đang chờ đợi phản hồi từ các thành phần tham gia thị trường về đề xuất này cho tới ngày 31/08/2022.

Khó tiếp cận với thị trường Nga và Sri Lanka

Ngoài ra, thị trường Nga và Sri Lanka cũng được đề cập tới trong báo cáo xếp hạng lần này.

Khả năng tiếp cận tới thị trường Nga đã bị suy giảm trầm trọng vì cuộc chiến ở Ukraine. Trước đó, để hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, các cơ quan chức trách Nga đã ra các biện pháp hạn chế dòng vốn cũng như giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài.

“Điều này dẫn tới việc chuyển Nga từ thị trường mới nổi sang thị trường độc lập vào tháng 3/2022”, Dimitris Melas, Trưởng bộ phận nghiên cứu chỉ số và phát triển sản phẩm và là Chủ tịch của Ủy ban Chính sách Chỉ số MSCI, cho hay.

Ở trường hợp của Sri Lanka, nước này đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay và thị trường bị thiếu thanh khoản. Điều này khiến các vấn đề thu hồi vốn trên thị trường cổ phiếu Sri Lanka bắt đầu nổi lên trong năm nay.

Do đó, vào tháng 5/2022, MSCI đưa ra biện pháp đặc biệt để giảm bớt số lượng quyết định thay đổi với MSCI Sri Lanka và đang chờ đợi phản hồi của các thành phần tham gia thị trường về vấn đề này.

Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   MSCI nhấn mạnh tới vấn đề room nước ngoài, 9 tiêu chí thị trường bị đánh giá tiêu cực (23/06/2022)

>   Chỉ số VN Diamond là gì?  (23/06/2022)

>   Giao dịch quỹ đầu tư: Lực mua được củng cố (19/06/2022)

>   FTSE và VNM ETF sẽ giao dịch ra sao sau kết quả review?  (14/06/2022)

>   Chuyên gia quỹ SSIAM nói về chiến lược đầu tư “bỏ trứng vào một giỏ” (12/06/2022)

>   Giao dịch quỹ đầu tư: Áp lực bán mạnh (12/06/2022)

>   VNM ETF gọi tên SHB, VCG, loại ORS (11/06/2022)

>   Dragon Capital tiếp tục thua lỗ trong tháng 5 (10/06/2022)

>   Dragon Capital ký kết hợp tác phân phối sản phẩm đầu tư với Chứng khoán KIS Việt Nam (09/06/2022)

>   Quỹ thuộc SGI Capital lỗ gần 9% trong tháng 5, giảm mạnh tỷ trọng HPG (07/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật