Microsoft, Netflix, TikTok đã nộp thuế trực tiếp tại Việt Nam
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết cơ quan này đã tiến hành quản lý và thu thuế trực tiếp từ các nhà cung cấp. Năm 2021, số nộp thuế xuyên biên giới ở Việt Nam là hơn 1.300 tỷ.
Cụ thể, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết sau khi cơ quan thuế xây dựng và vận hành cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài, cơ bản các doanh nghiệp này đã tiến hành kê khai và nộp thuế đầy đủ.
Theo ông Minh, đây là bước đột phá của Tổng cục Thuế trên bình diện quốc tế và khu vực. Sau khi đã làm rõ và tuyên truyền với các nhà cung cấp lớn như Microsoft, Netflix, TikTok… các doanh nghiệp này đã tuân thủ các quy định về thuế của Việt Nam.
Không chỉ nhóm doanh nghiệp trên, theo ông Minh, Tổng cục Thuế đã tiến hành thu thuế trực tiếp với nhiều nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài khác không đặt trụ sở tại Việt Nam như Facebook, YouTube, Google…
“Qua làm việc, cơ bản các doanh nghiệp này đều mong muốn tiếp cận thị trường Việt Nam và khi có công cụ thuận lợi thì các doanh nghiệp đều tuân thủ kê khai, nộp thuế”, ông Minh nhấn mạnh.
Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài không đặt trụ sở tại Việt Nam đã kê khai và nộp thuế trực tiếp với Tổng cục Thuế. Ảnh: T.L.
|
Với việc quản lý thuế các cá nhân qua ứng dụng eTax Mobile, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết đã chỉ đạo và giao chỉ tiêu cho tất cả cục thuế, đặc biệt là các chi cục thuế, đội thuế tuyên truyền cho cá nhân, hộ kinh doanh sử dụng và kê khai qua ứng dụng.
Từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thuế kỳ vọng tỷ lệ hộ kinh doanh, cá nhân sử dụng eTax Mobile có thể đạt mức cao và đảm bảo hoạt động quản lý thuế với các cá nhân này.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Thuế doanh nghiệp nhỏ và cá nhân, cho biết không chỉ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã nộp thuế trực tiếp tại Việt Nam, hiện nay, các cá nhân có doanh thu từ các nhà cung cấp nước ngoài đều đã được Tổng cục Thuế xác định, quản lý và tiến hành kê khai nộp thuế.
Theo số liệu từ cơ quan thuế, trong giai đoạn 2018-2021, tổng số thuế thu được từ các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào khoảng 4.400 tỷ đồng. Trong đó, số thu từ Facebook là gần 1.695 tỷ và từ Google là 1.618 tỷ, Microsoft nộp 576 tỷ đồng…
Nếu tính riêng năm 2021, tiền thuế thu được từ các dịch vụ xuyên biên giới là 1.317 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020.
Tuy nhiên, khoản tiền thuế thu được kể trên chủ yếu đến từ các đại lý quảng cáo của những nền tảng xuyên biên giới này tại Việt Nam đóng thay khoản thuế nhà thầu 10%. Trong khi khoản doanh thu chủ yếu mà Facebook, Google ghi nhận từ khách hàng sử dụng dịch vụ ở Việt Nam lại chưa được quản lý và nộp thuế.
Ước tính, khoản thu này chiếm tới 70% doanh thu của Facebook và 50% doanh thu của Google phát sinh tại thị trường Việt Nam mỗi năm.
Với doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp thuế trực tiếp, cơ quan thuế Việt Nam có thể thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế mỗi năm từ các doanh nghiệp này.
Mới đây, Meta - công ty mẹ của Facebook - cũng đã phát đi thông báo yêu cầu khách hàng từ Việt Nam đăng quảng cáo trên mạng xã hội này phải nộp thêm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) để doanh nghiệp tiến hành nộp thuế nhà thầu tại Việt Nam.
Theo Facebook, việc tính thêm thuế VAT là bắt buộc với người dùng thực hiện quảng cáo dù cho mục đích kinh doanh hay cá nhân.
Quang Thắng
ZING
|