Thứ Năm, 16/06/2022 10:14

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thông qua gồm 157 điều. Luật này quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Theo đó, trên cơ sở 21 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, 01 đại biểu tham gia tranh luận và 02 ý kiến bằng văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Báo cáo giải trình nêu rõ, về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, có 04 hình thức tổ chức doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quy định pháp luật đối với hoạt động quản trị điều hành và công khai thông tin của công ty hợp danh và công ty tư nhân không có yêu cầu nghiêm ngặt như loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, do đó, hình thức công ty tư nhân và công ty hợp danh không phù hợp đối với các công ty yêu cầu quy mô lớn, các công ty có lợi ích công chúng như lĩnh vực bảo hiểm. Theo kinh nghiệm quốc tế, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm không áp dụng 02 loại hình doanh nghiệp này; lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng cũng không cho phép 02 loại hình doanh nghiệp này. Vì vậy, Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ lựa chọn 02 hình thức tổ chức là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.

Thêm vào đó, việc lựa chọn không có mô hình chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có sự khác biệt nhất định so với quy định của Luật Doanh nghiệp do bảo hiểm là lĩnh vực đặc thù, là hoạt động kinh doanh có điều kiện, do đó cần có yêu cầu đặc thù về công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ. Quy định không có mô hình Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn này cũng tương tự quy định về cơ cấu tổ chức của các tổ chức tín dụng.

Về đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, dự thảo Luật đã mở theo hướng xã hội hóa việc đào tạo (chỉ quy định về nội dung đào tạo, không giới hạn về hình thức, tổ chức đào tạo) và trao quyền chủ động cho doanh nghiệp bảo hiểm, cơ sở đào tạo khác trong việc đào tạo kiến thức cơ bản và cập nhật kiến thức về sản phẩm bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm. Tuy nhiên, do kinh doanh bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để bảo đảm chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực, cần thiết phải có sự kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm tương tự như quy định đối với lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán.

Về bảo hiểm vi mô, dự thảo Luật đã quy định cho phép tổ chức tương hỗ triển khai bảo hiểm vi mô, với các điều kiện về tài chính, nhân sự, nghiệp vụ thấp hơn so với doanh nghiệp bảo hiểm để phù hợp với tính chất của bảo hiểm vi mô. Khoản 4 Điều 5 đã quy định về việc Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện đối với việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội. Đồng thời, bổ sung thêm điều quy định về các sản phẩm bảo hiểm có sự hỗ trợ của Nhà nước và giao Chính phủ quy định chi tiết các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phù hợp với định hướng phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia biểu quyết

Ngoài ra, về quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng rà soát, lược bỏ một số nội dung đã quy định tại các điều, khoản trong dự thảo Luật hoặc các nội dung đã được quy định trong thẩm quyền của Bộ Tài chính, đồng thời thiết kế lại nội dung về quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng khái quát, ngắn gọn, chỉ quy định các hoạt động Nhà nước thực sự cần nắm giữ, tương tự quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành. Ngoài ra, Chương này còn quy định nội dung về cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền yêu cầu cung cấp thông tin trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Kết quả biểu quyết cho thấy, có 469/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,18%. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thông qua gồm 157 điều. Luật này quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.

Một trong những điểm mới là tại khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi), doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của Quỹ đại chúng.

Không được kinh doanh bất động sản trực tiếp, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm được mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng. Doanh nghiệp cũng được nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro.

Việc "siết" đầu tư kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm thống nhất với quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Luật Các tổ chức tín dụng. Đây là quy định mới so với luật hiện hành, khi doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư kinh doanh bất động sản tối đa 10 hoặc 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài (sau đây gọi là chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam); Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam); Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng; Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Điều khoản chuyển tiếp của Luật này quy định: Các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực và còn thời hạn hợp đồng thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng để phù hợp với Luật này và để áp dụng quy định của Luật này.

Chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025. Bộ Tài chính quy định chi tiết việc chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực sang chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật này. Chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Phí bảo hiểm tiền gửi tạo tính công bằng và cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng (15/06/2022)

>   Chiêu “cài cắm” điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm khiến người mua “rối như hẹ” (14/06/2022)

>   Thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng chậm lại (13/06/2022)

>   Sẽ giảm năm đóng bảo hiểm xã hội còn 15 năm, tiến tới 10 năm (12/06/2022)

>   "Hợp đồng mồ côi" từ mua bảo hiểm qua ngân hàng (03/06/2022)

>   Nghiêm cấm công ty bảo hiểm đầu tư bất động sản (01/06/2022)

>   Sẽ giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu còn 15 năm (28/05/2022)

>   Đại biểu Quốc hội kiến nghị cấm hành vi dụ dỗ, lôi kéo mua bảo hiểm (28/05/2022)

>   Đại biểu Quốc hội: Cần giải pháp cụ thể cho các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường bảo hiểm (27/05/2022)

>   Bảo hiểm Agribank dự kiến trả cổ tức 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% (27/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật