Ðể nhà tái định cư hết hoang hóa: Nên đấu giá để chuyển đổi
Như chúng tôi đã thông tin, nhiều tòa nhà tái định cư (TÐC) ở Hà Nội xây xong cả chục năm trời không có người ở, thậm chí để hoang hóa thành nơi nuôi gà, vịt. Hiện đã có ý kiến đề nghị sớm thu hồi lại nhà TÐC bỏ hoang để đấu giá, tạo lập thành nhà ở thương mại để bán, tránh lãng phí.
Tòa nhà TÐC phố Tân Mai (Hoàng Mai) không có người đến ở, xung quanh trở thành nơi tập kết rác thải. Ảnh: Doãn Thành
|
Chị Nguyễn Thúy Loan (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cho biết, khu vực Duy Tân có mật độ dân cư cao, chung cư san sát trong khi tòa nhà TĐC xây xong rồi bỏ không, rất lãng phí. “Người dân đã nhiều lần kiến nghị với phường đề xuất hướng xử lý cho người dân vào ở, nếu cứ để vậy tòa nhà sẽ xuống cấp cùng thời gian đến mức không ở được nữa”, chị Loan nói.
Tòa TĐC N01 - D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) sở hữu một vị trí “vàng” tại quận Cầu Giấy nhưng đã bị bỏ hoang 10 năm nay. Dự án có quy mô 15 tầng nổi và 1 tầng hầm, với tầng 1 và 2 là tầng thương mại, căn hộ từ tầng 3 đến tầng 15.
Không chỉ ở Cầu Giấy, Hà Nội còn đang có các dự án TĐC xây xong rồi để đấy như Dự án xây dựng nhà CT1, CT2 Khu TĐC Xuân La (phường Xuân La, Tây Hồ); Dự án xây dựng nhà TĐC (phường Thượng Thanh, Long Biên); Dự án nhà ở cao tầng khu đô thị Đền Lừ III (Hoàng Mai)….
Nhiều dự án chưa được nghiệm thu
Đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, hiện quận đang có một số dự án giải phóng mặt bằng cần nhà TĐC nhưng vẫn chưa có nhà để bố trí người dân vào ở. Trong khi quận đã có dự án nhà TĐC CT1, CT2 Khu tái định cư Xuân La (phường Xuân La, Tây Hồ). Dự án dù đã xong cơ bản nhưng đến nay những dự án này vẫn chưa hoàn thành đấu nối xử lý nước thải và chưa được nghiệm thu PCCC. Để khắc phục các hạng mục trên đưa vào sử dụng, mới đây Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội (chủ đầu tư) đã đề xuất thành phố bố trí hơn 60 tỷ đồng để hoàn thiện, nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, đại diện quận Hoàng Mai - địa phương tập trung nhiều nhà TĐC chưa đưa vào sử dụng, chia sẻ: “Có 3 dự án TĐC do quận đầu tư đã hoàn thiện nghiệm thu chất lượng công trình và PCCC. Do dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, 3 tòa TĐC được trưng dụng làm nơi điều trị bệnh nhân COVID-19. Thời gian tới, sau khi các đơn vị trưng dụng bàn giao lại, quận sẽ tiến hành bố trí người dân vào ở”.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, theo quy định, nhà TĐC sau 12 tháng chưa đưa vào sử dụng thành phố sẽ được điều tiết phục vụ TĐC cho dự án khác. Hiện, việc triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị cho nên nhu cầu GPMB, bố trí TĐC cho người dân rất lớn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhà TĐC đã xây dựng xong nhưng chưa bố trí người dân đến ở do chưa hoàn thành nghiệm thu theo quy định. Vị đại diện Sở Xây dựng lấy ví dụ về khu TĐC thuộc phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) mà Tiền Phong đã thông tin, đến nay chưa được Sở TN&MT cấp phép xả thải ra môi trường. Vì vậy, Cục Giám định Nhà nước về công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) không nghiệm thu công trình này, dẫn đến không thể đưa người dân vào ở. Cũng theo đại diện Sở Xây dựng, việc này liên quan đến thời điểm xây dựng tòa nhà, khi đó chưa có các quy định về xả thải mới, do vậy chủ đầu tư cần phải thực hiện các quy định về xây dựng để sớm đưa nhà TĐC vào sử dụng.
Theo KTS Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc ATH Homes), không ít người dân trong diện TĐC không muốn nhận căn hộ do lo ngại về chất lượng xây dựng. Cụ thể, căn nhà TĐC có diện tích khoảng 60m2 chỉ có 1 phòng vệ sinh không phù hợp cho một gia đình 4 - 5 người sử dụng.
KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ hội KTS Hà Nội cho rằng: Những toà TĐC nằm trên khu đất trung tâm được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng đến nay “bỏ hoang” nên sớm tiến hành thu hồi lại và tiến hành tổ chức đấu giá, tạo lập nhà ở thương mại để bán cho những trường hợp TĐC, tránh gây thất thoát, lãng phí đất đai.
TRẦN HOÀNG
Tiền phong
|