Thứ Hai, 20/06/2022 08:38

Đại chúng hóa chứng khoán

Dường như đang có những bước đi nhằm đón đầu xu thế đại chúng hóa chứng khoán ở thị trường Việt Nam, thể hiện qua việc các công ty chứng khoán liên tục tăng vốn, cũng như các thương vụ mua lại công ty chứng khoán gần đây của một số startup công nghệ tài chính.

Đại chúng hóa chứng khoán

Khi ai ai cũng có thể nói về chứng khoán, đó là tín hiệu cho thấy thị trường bị thổi phồng quá mức và khả năng đang lập đỉnh. Quan điểm này dường như một lần nữa ứng nghiệm, khi trong xu hướng tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong hai năm qua, chúng ta thấy hàng loạt chuyên gia mới xuất hiện, thậm chí một số nhân vật hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí cũng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để chia sẻ về phương pháp đầu tư, phím hàng hay khoe lãi lớn.

Chưa bàn đến động cơ, phải thừa nhận rằng chính những người có thương hiệu cá nhân và mức tác động đáng kể đến giới trẻ, thông qua những chia sẻ như vậy, đã giúp việc đầu tư cổ phiếu ngày càng thu hút sự quan tâm nhiều hơn. Xu hướng này cũng góp phần đến công cuộc đại chúng hóa kênh đầu tư chứng khoán, vốn được mặc định chỉ dành cho giới kinh tế, tài chính hay dân văn phòng.

Thực tế nhiều doanh nghiệp cũng sử dụng hình ảnh, thương hiệu của các nhân vật showbiz để PR cho hoạt động của doanh nghiệp, hoặc thậm chí tuyển dụng, bổ nhiệm những người này vào phụ trách một mảng hoạt động nào đó của doanh nghiệp, như là một cách truyền thông để đưa hình ảnh, hoạt động của doanh nghiệp đến gần hơn với công chúng.

Con đường đại chúng hóa chứng khoán là tất yếu và cần thiết. Tuy nhiên, các chính sách quản lý thị trường, các giải pháp bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ của các cơ quan quản lý cũng phải theo kịp sự thay đổi và lớn mạnh của thị trường theo từng thời kỳ. Đừng để một kịch bản tương tự như giai đoạn 2007-2008 lặp lại…

Đơn cử như Công ty chứng khoán Pinetree (Tập đoàn Hanwha, Hàn Quốc) mới đây thông báo nữ diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc sẽ là đại sứ thương hiệu của Pinetree và đồng hành trong chiến dịch ra mắt ứng dụng mới PineX.

Lý giải về việc lựa chọn gương mặt đại diện, phía Pinetree cho rằng đầu tư chứng khoán chưa phổ biến ở Việt Nam và cần một cách tiếp cận mới mẻ, dễ hiểu hơn. Ninh Dương Lan Ngọc sẽ là đại sứ phù hợp cùng với Pinetree lan tỏa các giá trị và chiến lược độc đáo mà Pinetree theo đuổi.

Hay như vào giữa tháng 3 năm nay, Công ty cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (NVT) công bố bổ nhiệm hoa hậu Ngọc Hân làm Phó tổng giám đốc. Trước đó nữa, cô hoa hậu này cho biết đang nắm giữ vai trò Giám đốc Đối ngoại tại Nhựa Đồng Nai (DNP) cùng việc đang nắm trong tay một loạt cổ phiếu liên quan công ty này như NVT, CVTHUT. Ngoài ra, hoa hậu Mai Phương Thúy trước đây cũng thường xuyên “phím hàng” trên Facebook cá nhân, chia sẻ phương pháp và những thương vụ đã đầu tư thành công trên các phương tiện truyền thông khác.

Con số tài khoản chứng khoán mở mới liên tục tăng trong hai năm qua đã thể hiện xu hướng đại chúng hóa kênh đầu tư này, khi ngày càng thu hút đối tượng nhà đầu tư bất kể hoạt động trong lĩnh vực nào.

Theo dữ liệu mới từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 5-2022, thị trường ghi nhận 5.653.695 tài khoản giao dịch trong nước. Theo đó, bất chấp đà lao dốc của thị trường chứng khoán trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5, số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản tiếp tục vọt lên mức kỷ lục trong tháng 5 với 476.455 đơn vị, gấp đôi so với tháng trước.

Lũy kế năm tháng đầu năm nay, nhà đầu tư cá nhân đã mở mới gần 1,38 triệu tài khoản, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Con số này gần bằng lượng mở mới cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản). Dĩ nhiên một nhà đầu tư cá nhân có thể đăng ký nhiều tài khoản chứng khoán tại các công ty cung ứng dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, nếu coi mỗi tài khoản ứng với một cá nhân, tổng số lượng tài khoản hiện nay chiếm khoảng 5,7% dân số. Như vậy, mục tiêu 5% dân số đầu tư vào chứng khoán đến 2025 của Chính phủ đã được hoàn thành sớm ba năm. Mốc tiếp theo của chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 là 8%.

Đón đầu của các tổ chức

Đáng lưu ý là các tổ chức dường như cũng đang có những bước đi nhằm đón đầu xu thế trên ở thị trường Việt Nam, thể hiện qua việc các công ty chứng khoán liên tục tăng vốn, cũng như các thương vụ mua lại công ty chứng khoán gần đây của một số startup công nghệ tài chính, nhắm đến việc cung cấp các sản phẩm đầu tư cho khách hàng nhỏ lẻ thông qua các nền tảng, hệ thống giao dịch của công ty chứng khoán.

Cụ thể, gần đây Công ty TNHH Dịch vụ và Phân phối Finhay Việt Nam cho biết đã chính thức mua lại Công ty cổ phần Chứng khoán Vina (OTC:VNSC, thành lập vào năm 2006) từ đầu năm nay. Finhay là một công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ tài chính, cung cấp hệ sinh thái sản phẩm đầu tư tài chính đa dạng thông qua các nền tảng, ứng dụng trực tuyến.

Phía Finhay cho biết việc mua lại Công ty Chứng khoán VNSC là bước tiến mạnh mẽ và thể hiện tham vọng tiếp tục đi đầu trong việc cung cấp các sản phẩm đầu tư tài chính. Việc sở hữu Công ty Chứng khoán VNSC sẽ tạo điều kiện để Finhay phát triển sản phẩm đầu tư chứng khoán với nhiều tính năng và lợi ích cho người dùng. Thời gian tới, Finhay dự định cung cấp dịch vụ chứng khoán thông qua VNSC với mong muốn đem lại trải nghiệm vượt trội đến người dùng và phá bỏ rào cản đầu tư chứng khoán khi chỉ cần 10.000 đồng để bắt đầu.

Hay mới đây nhất là thương vụ Công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến (M-Service), đơn vị sở hữu ví điện tử Momo, đã hoàn tất giao dịch mua lại 4,4 triệu cổ phiếu của CVS (tương đương tỷ lệ nắm giữ 49%) từ hai nhà đầu tư cá nhân vào ngày 9-6-2022. Được biết tiền thân của CVS là Công ty Chứng khoán Hồng Bàng ra đời năm 2009, sau đó đổi tên thành Hưng Thịnh vào năm 2017, rồi đổi thành CV như ngày nay.

Theo giới phân tích, với nền tảng khách hàng sử dụng ví điện tử Momo sẵn có đã chạm mốc 10 triệu người, cung cấp các dịch vụ tài chính – bảo hiểm thông qua các dịch vụ thanh toán khoản vay, mua bảo hiểm, ví trả sau,… thì động thái mua lại công ty chứng khoán nói trên của công ty mẹ Momo cho thấy ví điện tử này muốn tập trung nhiều hơn vào mảng sản phẩm đầu tư cá nhân. Mới đây quỹ Dragon Capital Việt Nam cũng triển khai bán sản phẩm đầu tư chứng chỉ quỹ đầu tiên trên ví điện tử này.

Việc các tổ chức mua lại công ty chứng khoán, mở rộng lượng khách hàng qua các kênh sẵn có được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, nhờ đó đóng góp thêm lượng lớn tài khoản mở mới cho thị trường, cũng như giúp phổ cập, đại chúng hóa các kênh đầu tư như chứng khoán đến số đông thành phần trong xã hội.

Thực tế xu hướng này cũng đã phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới trong những năm gần đây. Sự phát triển của hệ thống công nghệ thông tin, các dịch vụ thanh toán, giao dịch đều được số hóa và xu thế tăng trưởng mạnh mẽ ở lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) đã mở ra cơ hội cho nhiều nền tảng, ứng dụng cung cấp các dịch vụ đầu tư với giá trị nhỏ lẻ đến đông đảo khách hàng, mà nền tảng Robinhood là tên tuổi đại diện tiêu biểu nhất.

Có thể thấy, con đường đại chúng hóa chứng khoán là tất yếu và cần thiết ở những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là các chính sách điều hành, quản lý thị trường, các giải pháp bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ của các cơ quan quản lý cũng phải theo kịp sự thay đổi và lớn mạnh của thị trường theo từng thời kỳ. Đừng để một kịch bản tương tự như giai đoạn 2007-2008 lặp lại, khi thị trường chứng khoán cũng thu hút một lượng lớn nhà đầu tư đủ mọi thành phần tham gia, rồi sau đó lao dốc gây ra biết bao thiệt hại, khiến nhiều người vì thua lỗ và sợ hãi mà sau đó đã rời bỏ thị trường mãi mãi.

Về phần mình, các nhà đầu tư cũng cần chủ động nghiên cứu, tìm tòi, nâng cao kiến thức trong lĩnh vực chứng khoán, xây dựng cho mình một phương pháp, hệ thống đầu tư phù hợp, tránh xem hoạt động đầu tư như một canh bạc đầy may rủi. Ngoài ra, với sự khắc nghiệt của thị trường và những chiêu trò thao túng thay đổi liên tục, chỉ có những nhà đầu tư kiểm soát được lòng tham, “lì lợm” và “lì lợm” hơn về dài hạn mới có thể sống sót được trên thị trường.

Triêu Dương

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu “lau sàn” 5 phiên, SJF nói gì? (20/06/2022)

>   HES: Công bố thông tin về ứng viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027 (14/06/2022)

>   ATS: Công bố thông tin quyết định của Chi cục Thuế về việc xử phạt vi phạm hành chính (15/06/2022)

>   FUEKIV30: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 15/06/2022 (16/06/2022)

>   FUEKIV30: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 16/06/2022 (16/06/2022)

>   E1VFVN30: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 16/06/2022 (16/06/2022)

>   FUEIP100: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 16/06/2022 (16/06/2022)

>   FUESSV50: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 16/06/2022 (16/06/2022)

>   FUEMAV30: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 16/06/2022 (16/06/2022)

>   FUESSV30: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 16/06/2022 (16/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật