Campuchia: Nỗi lo lạm phát ngày càng lớn hơn
GDP Campuchia được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mối nguy có thể tác động đến xu hướng tăng trưởng đó. Trong số đó, áp lực lạm phát có thể làm giảm sức mua của hộ gia đình tại Vương quốc, theo Báo cáo bình ổn tài chính năm 2021 của Ngân hàng Trung ương Campchia (NBC) được công bố gần đây.
Theo báo cáo, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia trong năm nay vẫn được hỗ trợ chủ yếu bởi xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, vận tải, viễn thông, dòng vốn đầu tư và lượng kiều hối của lao động xuất khẩu.
Về phương diện thương mại và đầu tư, Campuchia kỳ vọng được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các hiệp định thương mại tự do song phương và Luật Đầu tư mới.
Báo cáo cũng nhấn mạnh tình trạng bất ổn vì đại dịch Covid-19, chiến sự Nga – Ukraine và việc nâng lãi suất tại các nền kinh tế phát triển. Đây là những yếu tố đe dọa đến xu hướng tăng trưởng kinh tế của Campuchia trong năm nay.
Campuchia và khu vực Nga - Ukraine chỉ có mối liên kết kinh tế vĩ mô hạn chế. Tuy nhiên, cuộc chiến dai dẳng và leo thang hiện nay có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới, nhất là Liên minh châu Âu - một trong những thị trường xuất khẩu chính của Vương quốc.
Thứ nhất, báo cáo nêu: “Cuộc khủng hoảng đã tác động đến phục hồi kinh tế thế giới và khu vực vì giá cả hàng hóa toàn cầu tăng. Xu hướng tăng đó gây áp lực thêm cho tình trạng lạm phát hiện hữu tại nhiều nước. Vì Campuchia phải nhập khẩu một số mặt hàng và dầu từ nước ngoài nên lạm phát có thể cao hơn nhiều so với những năm trước và gây áp lực lên sức mua của các hộ gia đình”.
Thứ 2, tình trạng suy giảm kinh tế tại Trung Quốc vì chiến lược Covid-19 nghiêm ngặt đã dẫn đến tình trạng phong tỏa và ngừng hoạt động thường xuyên hơn trong lĩnh vực bất động sản. Điều này có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế của Campuchia vì quốc gia Đông Nam Á này phụ thuộc nhiều vào dòng vốn đầu tư của Trung Quốc và nguyên liệu nhập khẩu cho các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu.
Thứ ba, việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu vì lạm phát dai dẳng và tăng cao kể từ nửa cuối năm 2021 có thể ảnh hưởng đến dòng vốn rót vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, làm giảm động lực kinh tế trong khu vực nói chung và Campuchia nói riêng.
Thứ tư, dù số ca nhiễm biến thể Omicron tại Campuchia thấp nhưng vẫn còn mối nguy về sự xuất hiện của các biến thể mới. Tình trạng lây nhiễm biến thể Omicron liên tục trong khu vực cũng gây ra tác động lan tỏa đến nền kinh tế Vương quốc thông qua sự sụt giảm lượng kiều hối, du lịch, đầu tư và các kênh xuất khẩu.
Thứ năm, biến đổi khí hậu tiềm ẩn mối nguy lớn đối với sản xuất nông nghiệp của Vương quốc - lĩnh vực vốn dễ bị tổn thương vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Theo báo cáo của NBC, từ năm 2021, lĩnh vực sản xuất của Campuchia đã phục hồi nhờ nhu cầu nước ngoài được cải thiện. Xuất khẩu hàng may mặc (chiếm 65.1% tổng kim ngạch xuất khẩu) tăng 15.4%; xuất khẩu các mặt hàng ngoài ngành dệt may (trừ vàng) tăng 42%, nhất là xe đạp, phụ tùng điện và nông sản.
Lĩnh vực xây dựng - chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch -đã phục hồi nhẹ trong năm 2021với mức tăng trưởng 1.1%. Lĩnh vực nông nghiệp cũng đạt mức tăng trưởng 1.1%, chủ yếu nhờ các biện pháp hỗ trợ của chính phủ, điều kiện thời tiết thuận lợi và nguồn lao động sẵn có gia tăng. Diện tích canh tác và năng suất lúa trong mùa mưa lần lượt tăng 4% và 10.2%.
Riêng ngành du lịch, năm 2021 tiếp tục là một năm tồi tệ của ngành này khi chứng kiến lượng du khách quốc tế giảm 85%. Tuy nhiên, kể từ khi Campuchia dỡ bỏ các lệnh hạn chế từ tháng 11/2021, các dấu hiệu phục hồi đã thể hiện ngày một khả quan.
Khai Tâm (Theo Khmer Times)
FILI
|