Cách một Gen Y biến 700 USD thành một công ty khởi nghiệp trị giá hàng triệu USD
Khi còn nhỏ, Utari Octavianty thường cảm thấy tự ti, kém cỏi vì xuất thân của mình.
Utari Octavianty, đồng sáng lập của Aruna
|
Quê hương của cô là Kampung Bahru, một làng chài hẻo lánh ở Đông Kalimantan, Indonesia, nơi nhiều người không được tiếp cận với giáo dục.
Thậm chí có một câu nói phổ biến rằng: "Nếu bạn đến từ một làng chài, bạn không thể giành chiến thắng".
Đó là lý do tại sao Octavianty tự thấy mình "may mắn" khi cha mẹ gửi cô đến học tại một trường trung học cơ sở trong thành phố. Nhưng cô nhanh chóng phát hiện ra rằng có một "khoảng cách" giữa cô và các bạn học của mình.
“Tôi bị bắt nạt vì tôi đến từ một ngôi làng ven biển… Tôi không giống như những người đã được học hành tử tế và không gặp khó khăn về kinh tế ", cô nói với CNBC Make It.
Trải nghiệm này đã thắp lên ngọn lửa trong cô và khơi dậy một sứ mệnh đó chính là đảm bảo rằng một ngày nào đó, ngôi làng của cô sẽ được biết đến không phải vì sự nghèo đói, mà vì tiềm năng của nơi này.
"Tại thời điểm đó, tôi không biết làm thế nào để đạt được điều đó, tôi chỉ viết điều này trong nhật ký của mình".
Hiện tại, điều đó không còn là những con chữ trên trang giấy, mà đã trở thành hiện thực.
Giờ đây ở tuổi 28, Octavianty là người đồng sáng lập Aruna, một start-up thương mại điện tử ngành thủy sản của Indonesia. Công ty hoạt động như một chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận mạng lưới toàn cầu.
Cho đến nay, công ty đã huy động được 65 triệu USD tài trợ từ quỹ Series A. Theo như Aruna cho biết, đây là khoản tài trợ lớn nhất từ quỹ Series A cho các công ty khởi nghiệp Indonesia.
Khởi đầu khiêm tốn
Hành trình khởi nghiệp của cô bắt đầu từ năm 2015, với một niềm đam mê dành cho hải sản mà Octavianty có được khi còn là sinh viên năm cuối đại học ngành công nghệ ở thành phố Bandung.
“Không dễ để tìm được hải sản ngon. Ngày nào gia đình tôi cũng ăn hải sản ở nhà, nhưng đột nhiên ở đây rất khó tìm. Tôi tự nghĩ, sẽ rất tuyệt vời nếu chúng ta có thể mua hải sản trực tiếp từ ngư dân [ở các làng ven biển]”.
Cô chia sẻ ý tưởng của mình với các bạn cùng lớp, Farid Naufal Aslam và Indraka Fadhlillah. Họ đã cùng nhau tạo ra một trang web nhằm đáp ứng nhu cầu hải sản của người tiêu dùng và kết nối họ với ngư dân.
Những thanh niên 21 tuổi này sau đó đã quyết định tham gia một cuộc thi gọi là “Hackathon Merdeka” để gọi vốn.
Và họ cũng rất bất ngờ khi giành được chiến thắng.
Nhưng bất ngờ lớn nhất là số tiền lãi mà Aruna thu hút được sau khi trang web được ra mắt.
"Chúng tôi có được 1,000 tấn hải sản yêu cầu từ khách hàng... từ các nhà hàng và các công ty nhập khẩu bên ngoài Indonesia cần cung cấp hải sản liên tục".
Bộ ba nhanh chóng bắt tay vào làm việc — sử dụng hai máy tính MacBook mà họ đã giành được trong cuộc đua hackathon để tiếp tục xây dựng trang web và kiếm thêm vốn thông qua các công việc tự do về thiết kế trang web.
Nguồn vốn đáng kể đầu tiên của họ đến từ một cuộc thi khác, từ đó họ đã giành được giải thưởng tiền mặt trị giá khoảng 700 USD.
Mặc dù đó là một số tiền "rất nhỏ", Octavianty và những người đồng sáng lập đã sử dụng nó để điều hành một chương trình thử nghiệm tại thành phố cảng biển Balikpapan, Đông Kalimantan. Họ ở lại với tập thể ngư dân nơi đó trong một tháng.
Khi kết thúc thời gian lưu trú, họ đã có đơn hàng đầu tiên với một nhà hàng địa phương ở Bandung. Đó là lúc họ nhận ra ý tưởng của họ không chỉ có tác dụng trên giấy tờ.
"Chúng ta có thể thực sự biến điều này thành hiện thực", Octavianty nói.
Tìm nhà đầu tư phù hợp
Sau vài năm, Aruna mở rộng sang nhiều làng chài hơn ở Indonesia. Khi nhu cầu về hải sản của người tiêu dùng tăng lên thì quy mô công ty cũng tăng theo. Nhưng có một thách thức mà Octavianty phải đối mặt đó là tìm kiếm các nhà đầu tư phù hợp.
Cô cho biết: “Có rất nhiều nhà đầu tư ở Indonesia, nhưng để tìm được nhà đầu tư thấu hiểu việc kinh doanh của chúng tôi thì không hề dễ dàng”.
“Một số nhà đầu tư sẽ quan tâm vì họ thấy được tiềm năng của doanh nghiệp này cũng như khả năng mở rộng quy mô. Nhưng chúng tôi rất cẩn trọng trong việc chọn lựa... chúng tôi cần các nhà đầu tư muốn đầu tư không chỉ vì tiềm năng của công ty, mà còn vì ảnh hưởng mà dự án này có thể tạo ra".
Nền tảng thủy sản này đã xuất khẩu 44 triệu kg hải sản vào 7 quốc gia vào năm ngoái, chiếm đa số là Mỹ và Trung Quốc, Octavianty cho biết.
Nhưng cô nói rằng thành tựu lớn nhất của cô là giúp ngư dân tiếp cận trực tiếp với thị trường và nhờ đó, mang lại cho họ mức thu nhập xứng đáng và cao hơn.
“Chúng tôi đã giúp ngư dân tăng thu nhập cao hơn hai đến ba lần so với trước khi họ gia nhập Aruna”, cô chia sẻ.
Mặc dù Aruna rất nghiêm ngặt trong việc lựa chọn các nhà đầu tư nhưng chính cách tiếp cận này đã làm cho công ty hấp dẫn hơn, nhà sáng lập Octavianty nói.
"Chúng tôi cởi mở với các nhà đầu tư về những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt, nhưng đổi lại, chúng tôi cũng kỳ vọng họ có thể giúp chúng tôi kết nối hoặc giải quyết vấn đề".
Một tương lai bền vững
Vào tháng 1, Aruna đã công bố một khoản tài trợ tiếp theo từ quỹ đầu tư Series A trị giá 30 triệu USD được quản lý bởi Vertex Ventures Đông Nam Á và Ấn Độ. Với nguồn tài trợ mới có được, Octavianty đang tìm cách mở rộng sang nhiều làng chài hơn nữa ở Indonesia và đầu tư vào các hoạt động đánh bắt cá bền vững.
Đến nay, hơn 26,000 ngư dân trên 150 cộng đồng ngư dân ở Indonesia đang sử dụng Aruna.
“Bây giờ chúng tôi đã mở rộng thị trường và có thêm nhiều ngư dân trong cộng đồng; chúng tôi cần phải rất, rất cẩn thận về nguồn cá vì Indonesia đang đánh bắt cá quá mức”, Octavianty, cũng là Giám đốc Bền vững của Aruna, cho biết.
Đó là lý do tại sao Aruna yêu cầu tất cả ngư dân của họ tập trung vào chất lượng, thay vì số lượng, sản lượng đánh bắt và hạn chế đánh bắt cá trong các khu bảo tồn trên biển.
Aruna cũng khuyên ngư dân không nên sử dụng ngư cụ, chẳng hạn như lưới đánh cá và bom vì sẽ gây hại cho môi trường sống tự nhiên của đáy biển.
“Đây cũng là cách truyền cảm hứng cho ngành công nghiệp này. Chúng tôi thấy rất nhiều công ty đánh cá ở Indonesia không quan tâm đến sự phát triển bền vững”, Octavianty chia sẻ thêm.
Tuệ Nhiên (CNBC)
FILI
|