Thứ Bảy, 11/06/2022 08:16

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Dự án đường vành đai mở ra một hành lang kinh tế

Ngày 10/6, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm về Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TPHCM.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

 

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, nhìn chung, tất cả ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận về các vấn đề rất sâu sắc, xác đáng, đều đồng tình và nhất trí cao với Tờ trình và báo cáo giải trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư đối với 2 dự án này, nhất là về sự cần thiết các nội dung cơ bản của dự án.

Đồng thời, "cũng lưu ý và gợi mở rất nhiều các vấn đề mà chúng tôi cho rằng cũng rất sâu sắc và xác đáng liên quan nhiều đến giải phóng mặt bằng, quy mô, phân kỳ, phương thức đầu tư, nguồn vốn, tiến độ, khả năng hấp thụ hiệu quả dự án, các vấn đề về báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với việc tăng công suất khai thác các vật liệu làm khoáng sản, làm vật liệu xây dựng thông thường lên 50%. Đây là những ý kiến mà chúng tôi sẽ tiếp thu vào trong quá trình nghiên cứu báo cáo khả thi và tổ chức thực hiện", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Một hành lang kinh tế

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng làm rõ một số vấn đề về tính cấp thiết và cần thiết, vai trò, vị trí quan trọng của 2 dự án này đối với 2 vùng kinh tế trọng điểm hết sức quan trọng. Theo Bộ trưởng, 2 vùng này đóng góp rất lớn đối với cả đất nước và có vai trò rất quan trọng, nhưng hiện nay cũng đang chững lại do các điểm nghẽn, đặc biệt về quy hoạch không gian của đô thị cũng như về hạ tầng giao thông.

2 vấn đề lớn nhất hiện nay của Hà Nội và TPHCM là tắc nghẽn giao thông và ngập úng. Nếu chúng ta không giải quyết tập trung, giải quyết nhanh, ngay thì vừa làm cản trở cho phát triển vừa sẽ phải trả giá rất nhiều về cả thời gian và công sức, tiền bạc. Ví dụ, Thái Lan đã phải mất 20 đến 30 năm để giải quyết vấn đề ách tắc, đến nay mới chỉ khắc phục được một phần; thành phố Manila đóng góp 30% cho GDP của Philippines nhưng người ta tính riêng tắc nghẽn giao thông của thành phố này đã làm giảm đi tương ứng 8% GDP. Điều này cho thấy vấn đề hạ tầng giao thông của 2 vùng, đặc biệt của 2 thành phố là hết sức quan trọng và cấp bách hiện nay.

"Chúng ta đang coi hạ tầng là một trong 3 đột phá về mặt chiến lược. Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác chuẩn bị, đặc biệt lần này Quốc hội ủng hộ, tạo điều kiện cho các cơ chế, chính sách đặc thù để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có thể thực hiện được đồng bộ, đồng loạt rất nhiều dự án giao thông quan trọng, mở ra phát triển trong thời gian tới. Về mục đích lần này chúng ta có thay đổi mốt số cách tiếp cận", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Theo đó, phải đảm bảo được kết nối vùng, liên kết vùng như rất nhiều đại biểu đã nêu, giảm ùn tắc, cũng như ô nhiễm. Phải mở rộng được không gian phát triển cho 2 thành phố lớn và cho cả vùng. Phải nâng cao được sức cạnh tranh và phải biến nó thành một động lực cho phát triển giai đoạn tới.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, chúng ta không chỉ hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, dựa vào đó phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra làm 3: Một phần của Nhà nước, một phần của nhà đầu tư và một phần của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích.

Giải những nút thắt

Về giải phóng mặt bằng, "đây là một nút thắt rất lớn, trong kỳ họp lần này chúng ta đã nói rất nhiều, ảnh hưởng không phải chỉ đến đầu tư công mà còn đến tất cả các nguồn vốn của xã hội. Vấn đề này chúng ta cũng cần phải tập trung để đẩy nhanh tiến độ và có những giải pháp. Bởi vì, nhanh thì hiệu quả cao, chúng ta không phải điều chỉnh dự án, không tăng tổng mức, không làm xáo trộn sự ổn định đối với người dân, nhưng làm chậm thì sẽ ngược lại", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT phát biểu.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, các chính sách đền bù ở vùng giáp ranh cần phải có một hướng dẫn để đảm bảo không có khiếu kiện làm kéo dài thời gian và phải quản lý chặt chẽ để không có sự tái lấn chiếm. "Các đại biểu nêu chúng tôi ghi nhận, hoàn toàn đồng tình", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về quy mô dự án, đối với Vành đai 4 của Hà Nội chúng ta quy hoạch 6 làn xe và Vành đai 3 của TPHCM là 8 làn xe. Căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối vốn của giai đoạn 1, chúng ta chỉ đầu tư 1/2 của quy hoạch này. Như vậy, mặt cắt ngang của Vành đai 4 sẽ là 17 m và Vành đai 3 là 19.75 m; toàn bộ các yếu tố về trắc dọc, các yếu tố về kỹ thuật đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn và không thay đổi.

Lý giải tại sao chưa làm làn dừng khẩn cấp như đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết nếu làm làn dừng khẩn cấp thì chúng ta phải tăng thêm khoảng 6.500 tỷ đồng, ảnh hưởng đến vấn đề cân đối nguồn vốn.

Trong quá trình lập dự án thiết kế cũng đã tính toán để làm các điểm dừng phù hợp, 4 đến 5 km, chúng ta có một điểm dừng rộng 3 m, dài 270 m, đảm bảo không bị ách tắc giao thông và vẫn đảm bảo trong điều hành. Đặc biệt, nếu tăng cường điều hành giao thông thông minh thì chắc chắn chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng này, vẫn đảm bảo được hiệu quả cũng như đảm bảo giao thông và hiệu quả của dự án.

Về hình thức đầu tư, chủ trương đầu tư là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực của xã hội để tham gia cùng Nhà nước đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta có kêu gọi được hoặc có thu hút được các nhà đầu tư hay không, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết.

"Ở Dự án Vành đai 4 chúng ta đã thu hút được nhà đầu tư có tiềm năng, còn riêng Vành đai 3 của TPHCM chúng ta chưa thu hút được. Mặc dù có nghiên cứu dự án PPP nhưng chưa có các nhà đầu tư quan tâm, trong khi tính cấp bách, tính quan trọng, tính cần thiết là phải đầu tư sớm, đầu tư ngay. Nếu chúng ta trông chờ vào đầu tư tư nhân là rất khó. Như vậy là việc chuyển sang đầu tư công đối với Vành đai 3 là hợp lý và cần thiết trong giai đoạn hiện nay", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Về suất đầu tư, tại sao có khác nhau như đại biểu Tiến của Vĩnh Phúc có nêu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết,  2 dự án này thiết kế khác nhau và có điều kiện cụ thể khác nhau. Về phương pháp tính thì đã làm đúng các quy trình và quy định, đã được Bộ Xây dựng rà soát. Sự khác nhau là Vành đai 4 có một cầu cạn rất dài  (66.72 km), chiếm 59%, có 3 cầu lớn vượt sông Hồng và sông Đuống, 8 nút giao; trong khi Vành đai 3 thì cầu cạn chỉ có 12.75 km, chiếm 17% và có 6 nút giao. Ngoài ra, giải phóng mặt bằng cũng có đơn giá khác nhau và chi phí khác nhau nên ảnh hưởng đến suất đầu tư khác nhau.

Về nguồn vốn và khả năng hấp thụ vốn, theo Luật Giao thông đường bộ và Luật Ngân sách nhà nước, việc đầu tư 2 tuyến vành đai này thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, nhưng do khó khăn và hạn chế của nguồn lực của ngân sách Trung ương và do nhu cầu cần phải đầu tư sớm, các địa phương đã tính toán sự cần thiết và cân đối, bố trí tham gia cùng với ngân sách Trung ương. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cùng tham gia đầu tư 2 tuyến này là phù hợp.

Về khả năng hấp thụ vốn, vấn đề quan trọng nhất của 2 dự án này chính là giải phóng mặt bằng, như nhiều đại biểu đã nêu. Nếu chúng ta giải phóng mặt bằng sớm, nhanh thì tiến độ sẽ nhanh. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, nếu các nhà đầu tư nhìn thấy dự án đã giải phóng mặt bằng sạch thì thu hút đầu tư rất dễ, còn nếu không làm được và làm chậm thì sẽ giảm hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Khả năng hấp thụ vốn sẽ đảm bảo theo yêu cầu các địa phương đã cam kết việc bố trí vốn và tiến độ thực hiện theo đúng tinh thần đến năm 2026 sẽ xong. Năm 2022 và 2023 chúng ta tập trung vào thủ tục giải phóng mặt bằng, năm 2024-2026 tập trung vào thi công.

Đối với việc nâng công suất lên 50% đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, với câu hỏi của các đại biểu: Tại sao chúng ta không đề xuất là phải báo cáo lại đánh giá tác động môi trường, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời: Bởi vì thiết kế quy định là tổng công suất của cả dự án không thay đổi, được phép bao nhiêu thì tổng chỉ là bấy nhiêu. Ở đây có điều chỉnh là điều chỉnh công suất hàng năm để tăng công suất của những năm đầu lên để phục vụ cho thi công, còn tổng của giấy phép được khai thác không thay đổi.

Về đường sắt Bắc Ninh-Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết trong quy hoạch sẽ chuẩn bị và đầu tư trong giai đoạn 2026-2030, chúng ta giải phóng mặt bằng ở thời điểm này là cần thiết, sẽ quản lý chặt chẽ và đầu tư ngay khi có nguồn lực.

Về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn di dời các công trình hạ tầng hay xây dựng, tái định cư, "vấn đề này Chính phủ hoàn toàn ủng hộ, tinh thần là phân cấp cho địa phương. Xin được Quốc hội ủng hộ vấn đề này", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Về việc quản lý chặt chẽ quỹ đất ở 2 bên đường từ quy hoạch cho đến quản lý, khai thác, đấu thầu, thu tiền về cho Nhà nước, phát triển bài bản, đúng quy hoạch, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định vai trò của địa phương rất quan trọng. "Chúng tôi đề nghị các địa phương, các đoàn biểu Quốc hội tăng cường giám sát đối với việc khai thác, sử dụng hiệu quả dọc tuyến của 2 Dự án".

Về các ý kiến khác của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp thu và nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng báo cáo khả thi và trong quá trình tổ chức thực hiện.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Rủi ro tài chính tiền tệ trong bối cảnh mới và giải pháp chiến lược đối với Việt Nam (10/06/2022)

>   Các tổ chức quốc tế đánh giá, dự báo tích cực hơn về kinh tế Việt Nam (09/06/2022)

>   Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hoàn thiện thể chế trong giải ngân vốn đầu tư công (09/06/2022)

>   Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Ưu tiên bố trí nguồn lực hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc Nam (09/06/2022)

>   Trước khi bị bắt, ông Chu Ngọc Anh ký bổ nhiệm những ai? (08/06/2022)

>   Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Gói phục hồi kinh tế giải ngân có thể tác động đến lạm phát (08/06/2022)

>   Chính phủ đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển bền vững ngành nông nghiệp (08/06/2022)

>   Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long (07/06/2022)

>   Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp (07/06/2022)

>   Quốc hội phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (07/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật