Bộ Tài chính đề xuất giảm tiếp thuế BVMT với xăng dầu để kiềm chế lạm phát
Trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng dầu để góp phần kịp thời kiềm chế lạm phát.
Giá xăng tăng khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh
|
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết hiện Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Bên cạnh đó, diễn biến tình hình gần đây đang cho thấy thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu của nước ta.
Theo đó ngày 21/4/2022, Bộ Tài chính đã có công văn số 3662/BTC-CST gửi xin ý kiến các bộ, ngành địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi xăng từ 20% xuống 12%.
Việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng theo phương án dự kiến sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các đơn vị và trình Chính phủ trong thời gian tới.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong những tháng còn lại của năm 2022, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp Chính phủ Chỉ đạo điều hành, chú trọng tập trung vào những biện pháp sau:
Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá trước mắt chưa xem xét điều chỉnh giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.
UBND tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý.
Tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển giảm mạnh xuống còn 2.6%, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng chỉ đạt 3.4%. Tính chung trên toàn cầu, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay thêm 1.2 điểm phần trăm, xuống còn 2.9%.
Trong khi dự báo tăng trưởng toàn cầu nhiều lần cảnh báo theo chiều đi xuống, lạm phát lại liên tục đi lên. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5.7%, còn các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi là 8.7% trong năm nay, cao hơn đáng kể so với dự báo đưa ra trước đó.
Tại Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0.38% so với tháng trước, tăng 2.86% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2.25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1.29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020.
|
Nhật Quang
FILI
|