Thứ Tư, 18/05/2022 21:30

Xét xử vụ VEAM: Nguyên Tổng Giám đốc VEAM không thừa nhận sai phạm

Khai tại tòa, bị cáo Trần Ngọc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc VEAM) không thừa nhận hành vi vi phạm, phủ nhận gây thất thoát hơn 200 tỷ đồng như cáo buộc của Viện Kiểm sát.

Bị cáo Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) tại tòa. (Ảnh:An Đăng/TTXVN)

Chiều 18/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án thất thoát tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (viết tắt là VEAM) chuyển sang phần xét hỏi.

Khai tại tòa, bị cáo Trần Ngọc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc VEAM) không thừa nhận hành vi vi phạm, phủ nhận đã gây thất thoát hơn 200 tỷ đồng như cáo buộc của Viện Kiểm sát.

Là người đầu tiên trả lời Hội đồng xét xử, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên VEAM Trần Ngọc Hà đã phủ nhận mọi cáo buộc của Viện Kiểm sát xung quanh 3 nội dung sai phạm trong thời gian đương nhiệm.

Cụ thể, năm 2013, hai bị cáo là cấp dưới của bị cáo Hà tại VEAM, gồm Tổng Giám đốc Lâm Chí Quang, Kế toán trưởng Vũ Từ Công bảo lãnh cho công ty con của VEAM là Vetranco vay trái quy định.

Vetranco đã dùng tiền được VEAM bảo lãnh vay đi làm ăn với các doanh nghiệp đã dừng hoạt động không còn tài sản gì, không có khả năng trả nợ, khiến VEAM bị các ngân hàng cưỡng thu và phải trả nợ thay Vetranco hơn 75 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát cáo buộc bị cáo Hà "biết và tạo điều kiện" cho hai cấp dưới bảo lãnh vay trái quy định. Song tại tòa, bị cáo Hà nhiều lần phủ nhận trách nhiệm, cho rằng mình "không có trách nhiệm phải biết và thực tế không có điều kiện để biết" về sai phạm của cấp dưới.

Bị cáo Hà cho rằng việc bảo lãnh vay thuộc thẩm quyền của bị cáo Lâm Chí Quang. Nếu khoản bảo lãnh không quá 20% vốn điều lệ của VEAM, bị cáo Quang có thể tự quyết định mà không cần thông qua bị cáo Hà hay phải xin phép Hội đồng thành viên.

Theo cáo trạng, năm 2016, Dự án “Đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung” của VEAM đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư và chưa được Bộ Công Thương xem xét, quyết định đầu tư nhưng Trần Ngọc Hà vẫn thực hiện việc ký kết Hợp đồng cung cấp lixăng (quyền sở hữu công nghiệp với một loại tài sản trí tuệ) với Công ty ISEKI (Nhật Bản) và thanh toán 2.500.000 USD nhưng sau đó không có căn cứ thu hồi, gây thiệt hại cho VEAM số tiền hơn 56,5 tỷ đồng.

Với sai phạm này, bị cáo Hà tiếp tục phủ nhận sai phạm, cho rằng dự án đã được Hội đồng quản trị VEAM đã biểu quyết thông qua tại cuộc họp ngày 23/4/2017, với tỷ lệ đồng ý 100%. Theo quy định, sau khi biểu quyết thông qua, Chủ tịch Hội đồng thành viên khi đó là ông Bùi Quang Chuyện phải ký quyết định thông qua. Nhưng ông Chuyện không ký.

Bị cáo Hà cho rằng nếu ông Chuyện ký quyết định thông qua và dự án không bị Bộ Công Thương đột ngột quyết định dừng vào tháng 11/2018, nó đã đi vào hoạt động và sinh lợi lớn cho đất nước.

Khi chủ tọa phiên tòa Trần Nam Hà truy hỏi về việc dự án này có cần được Bộ Công Thương cho phép mới được thực hiện, bị cáo Hà cho biết bị cáo thấy có nơi thì bảo thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên, có văn bản bảo nói phải xin ý kiến của Bộ chủ quản.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về việc tất cả các quy định đã thực hiện đúng mà đến giờ không thực hiện được và bị thất thoát hơn 56 tỷ đồng, có sai phạm không? Bị cáo Hà cho rằng: "Không thấy có sai phạm cũng không lãng phí thất thoát gì."

Theo bị cáo Hà, khi VEAM thanh toán 56 tỷ đồng, đối tác Nhật Bản đã bàn giao các lixăng. Lixăng sau đó đã được các bộ phận nghiên cứu phát triển của VEAM mang về nghiên cứu. Do vậy, bị cáo Hà "không thấy sai phạm gì."

Tương tự, tại chương trình hợp tác với Công ty T-King (Trung Quốc), Viện Kiểm sát xác định bị cáo Trần Ngọc Hà thực hiện kế hoạch đầu tư mà không có Nghị quyết của Hội đồng thành viên và không nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được VEAM phê duyệt.

Bị cáo Hà sau đó chuyển tạm ứng 400.000 USD (tương đương gần 10 tỷ đồng) cho đối tác, song kế hoạch không thực hiện được và không thu hồi được tiền. Khoản tiền này đã được Viện Kiểm sát xác định là thiệt hại trong vụ án.

Sáng 19/5, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi./.

Kim Anh

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Nguyên chủ tịch VEAM cùng 16 đồng phạm gây thất thoát hàng chục tỉ đồng (18/05/2022)

>   Khởi tố điều tra thương vụ Việt Á trúng 10 gói thầu trị giá hơn 200 tỷ ở Đồng Tháp (18/05/2022)

>   Cần tới hơn 11.700 tỉ ngân sách mua lại 7 dự án BOT 'treo' (18/05/2022)

>   Sẽ phải 'xả trạm' BOT nếu chưa có thu phí tự động không dừng sau ngày 31/7 (17/05/2022)

>   Giảm chi phí logistics, tăng năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa (17/05/2022)

>   'Bão giá' lần hai ập đến dồn doanh nghiệp vào thế khó (17/05/2022)

>   Nhiều doanh nghiệp da giày có đơn hàng đến hết quý 4/2022 (17/05/2022)

>   Tập đoàn Mỹ tăng tốc đầu tư vào Việt Nam (17/05/2022)

>   Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực kiểm tra tại Bộ Y tế (16/05/2022)

>   Điện gió ngoài khơi vùng biển nào hấp dẫn các nhà đầu tư nhất? (16/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật