Thứ Hai, 16/05/2022 13:46

VNDirect chỉ ra 5 tác động từ quá trình thắt chặt tiền tệ của Fed

Các động thái thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, đồng thời gây áp lực tới lãi suất huy động và tỷ giá tại Việt Nam, theo các chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect.

Tại cuộc họp gần đây nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản, đồng thời báo hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong những cuộc họp tới. Các quan chức của Fed cũng quyết định giảm quy mô bảng cân đối kế toán của Fed từ tháng 6/2022, bắt đầu với mức 47.5 tỷ USD mỗi tháng.

Theo các chuyên viên phân tích tại VNDirect, việc Fed đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ có 5 tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, dẫn đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn. Việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm tăng lãi suất cho vay (bằng USD), từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như làm suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp.

Nhiều tổ chức nghiên cứu trên thế giới gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế Mỹ, một trong những nguyên nhân chính là vì điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt. Do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể chậm lại trong những quý tới, do người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ và châu Âu thắt chặt chi tiêu.

Lãi suất huy động (bằng VND) chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm. Tính đến ngày 26/04/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh không đổi so với cuối năm 2021, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của các ngân hàng tư nhân lần lượt tăng 14 điểm cơ bản và 13 điểm cơ bản so với cuối năm 2021.

CTCK này kỳ vọng lãi suất huy động tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm 2022, do lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng cao trong những quý tới. Tuy nhiên, VNDirect cho rằng mức tăng sẽ không lớn, khoảng 30 -50 điểm cơ bản cho cả năm 2022. Đồng thời, CTCK này cho rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5.9 -6.1%/năm vào cuối năm 2022 (hiện ở mức 5.5 -5.7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7.0%/năm.

Lãi suất USD tăng gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Theo ước tính của VNDirect, nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm 39% GDP vào cuối năm 2021. Trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường tài chính quốc tế thắt chặt hơn, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó huy động vốn trên thị trường quốc tế và phải chịu lãi suất cao hơn.

Về thị trường tài chính, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể tiếp tục bị rút ròng trong những tháng tới do ảnh hưởng của “taper tantrum”. Tuy nhiên, khối ngoại đã liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây nên tác động của việc khối ngoại bán ròng sẽ ở mức vừa phải do thị trường đã có sự chuẩn bị trước. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng do Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn trong xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng USD mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Vào ngày 31/04/2022, chỉ số USD (đo sức mạnh của đô la Mỹ so với rổ tiền tệ) đạt 103 điểm, mức cao nhất trong 20 năm. Đồng USD mạnh kéo tỷ giá USD/VND tăng khoảng 0.6% trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở khu vực Châu Á -Thái Bình Dương.

VNDirect thấy rằng các yếu tố cơ bản để giữ cho VND ổn định trong những năm gần đây vẫn được duy trì, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối cao. VNDirect kỳ vọng thặng dư tài khoản vãng lai sẽ tăng lên 1.9% GDP vào năm 2022 từ mức thâm hụt dự kiến là 1% GDP vào năm 2021.

CTCK này cũng kỳ vọng dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 122.5 tỷ USD vào cuối năm 2022 (tương đương 4 tháng nhập khẩu) từ mức hiện tại là 105 tỷ đô la Mỹ. Do đó, VNDirect nhận định tỷ giá USD/VND ổn định ở mức 22,600-23,050 vào năm 2022 và đồng Việt Nam có thể dao động trong biên độ tương đối hẹp (+/-1%) so với USD.

Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   Thúc đẩy cắt giảm hàng ngàn quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (16/05/2022)

>   Trên mặt trận kinh tế, người Thái đang vượt Việt Nam (16/05/2022)

>   Giáo sư Đại học Harvard khuyến nghị gì với Việt Nam? (15/05/2022)

>   Bộ Công an thí điểm cấp hộ chiếu phổ thông qua cổng dịch vụ công (15/05/2022)

>   Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị đề nghị mức án đến 8 năm tù (14/05/2022)

>   Bắt nguyên Chủ tịch thành phố Hạ Long Phạm Hồng Hà (14/05/2022)

>   Vẫn bất đồng phí hạ tầng cảng biển (14/05/2022)

>   Xuất khẩu dệt may đạt gần 11 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm (14/05/2022)

>   'Mời chào thì lãnh đạo cam kết tạo điều kiện, đầu tư lại gặp nhiều rào cản' (14/05/2022)

>   Thủ tướng thúc đẩy dự án dầu khí hợp tác với tập đoàn lớn của Mỹ (14/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật