Trung Quốc, Ấn Độ mua hàng triệu thùng dầu Nga giá rẻ trong một tuần
Châu Á lần đầu vượt châu Âu trở thành khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga trong tháng 4. Trung Quốc, Ấn Độ tranh thủ mua dầu giá rẻ bất chấp các lệnh cấm nhắm vào Moscow.
Theo Bloomberg, lượng dầu của Nga được vận chuyển trên các tàu chở dầu đang ở mức kỷ lục. Ấn Độ và Trung Quốc trở thành khách hàng lớn đối với dầu Nga, sau khi những quốc gia khác hạn chế nhập khẩu loại dầu này nhằm trừng phạt Moscow vì chiến sự ở Ukraine.
Theo hãng dữ liệu và phân tích Kpler, khoảng 74-79 triệu thùng dầu Nga đã được vận chuyển trên các con tàu chở dầu trong tuần qua, cao hơn gấp đôi so với 27 triệu thùng vào thời điểm trước xung đột Nga - Ukraine.
Châu Á lần đầu vượt châu Âu và trở thành khách hàng lớn nhất của dầu Nga trong tháng 4. Theo Kpler, khoảng cách này sẽ sớm được mở rộng trong tháng tới.
Lượng dầu của Nga được vận chuyển trên các tàu chở dầu đang ở mức kỷ lục do những khách hàng châu Á tăng mua dầu Nga. Ảnh: Reuters.
|
Ấn Độ, Trung Quốc tăng mua dầu Nga
Lượng dầu Nga được vận chuyển bằng đường biển tăng mạnh cho thấy thị trường năng lượng toàn cầu đã rơi vào hỗn loạn sau khi Moscow đổ quân vào Ukraine. Mỹ, Anh và nhiều công ty Liên minh châu Âu (EU) quay lưng với các hàng hóa của Nga, buộc nước này phải chuyển hướng sang những khách hàng châu Á.
Hôm 25/5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết ông tin tưởng rằng khối này có thể đạt được thỏa thuận cấm dầu Nga trước cuộc họp tiếp theo diễn ra vào ngày 30/5.
Tuy nhiên, Hungary vẫn là một trở ngại đối với kế hoạch cấm vận của EU. Nước này yêu cầu khoảng 750 triệu EUR (tương đương 800 triệu USD) cho việc nâng cấp các nhà máy lọc dầu và mở rộng đường ống dẫn dầu từ Croatia để có thể giảm phụ thuộc vào dầu Nga.
Ngay cả khi lệnh cấm chính thức chưa được ban hành, lượng dầu của Nga được mua bán trên thị trường vẫn sụt giảm mạnh. Bởi người mua và các thương lái tránh giao dịch với những hãng cung cấp nhiên liệu và dầu thô Nga.
Những lệnh cấm đối với các tổ chức tài chính Nga đã tạo ra một lệnh cấm ngầm dành cho ngành công nghiệp năng lượng của đất nước.
Nhu cầu lao dốc và những lo ngại về lệnh trừng phạt của EU đã khiến giá dầu Nga giảm mạnh, đi ngược với đà tăng phi mã của giá dầu thế giới. Nhằm tận dụng mức giảm giá lớn, Trung Quốc và Ấn Độ mua thêm hàng triệu thùng dầu từ Nga.
"Một số người mua ở châu Á muốn tìm kiếm lợi ích kinh tế hơn là thể hiện quan điểm chính trị", bà Jane Xie - nhà phân tích dầu cao cấp tại Kpler (có trụ sở tại Singapore) - bình luận.
"Mối quan tâm của Mỹ về việc Ấn Độ tăng mua dầu Nga sẽ ngày càng lớn. Vì thế, dòng chảy này có thể đối mặt với một số rủi ro, ngay cả khi mức độ ảnh hưởng không quá lớn", vị chuyên gia nói thêm.
Sẽ tiếp tục tăng cao
Theo bà Xie, lượng dầu Nga được chuyển tới Ấn Độ và Trung Quốc - 2 khách hàng hàng đầu châu Á - đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 4, chủ yếu do Ấn Độ đẩy mạnh mua hàng.
Bà Xie cho rằng lượng dầu Nga được bán cho Ấn Độ có thể giảm đi một chút trong tháng này, nhưng vẫn sẽ cao hơn những tháng trước đó, ngoại trừ tháng 4.
Theo hãng tư vấn FGE, nếu EU thống nhất về lệnh cấm loại bỏ mọi mặt hàng dầu nhập khẩu từ Nga, lượng dầu thô được vận chuyển bằng đường biển có thể tăng thêm 45-60 triệu thùng do thương mại đường biển giữa Nga và châu Á đi lên.
Lượng dầu Nga được bán cho Ấn Độ có thể giảm đi một chút trong tháng này, nhưng vẫn sẽ cao hơn những tháng trước đó, ngoại trừ tháng 4
Bà Jane Xie, nhà phân tích dầu cao cấp tại Kpler (có trụ sở tại Singapore)
|
So với châu Âu, tàu chở dầu buộc phải đi quãng đường dài hơn để đưa hàng hóa từ các cảng phía tây của Nga tới châu Á.
Theo dữ liệu của Kpler, tính đến ngày 26/5, khoảng 57 triệu thùng dầu thô Ural và 7,3 triệu thùng dầu thô Far East ESPO của Nga đang được chở trên các con tàu. Để so sánh, các con số chỉ là 19 và 5,7 triệu thùng vào cuối tháng 2.
Nguồn thu của Moscow chủ yếu đến từ ngành công nghiệp dầu khí, vốn chiếm 45% thu ngân sách của chính phủ. Châu Âu từ lâu đã là khách hàng hàng đầu của Nga. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năm ngoái, khối này mua khoảng 1/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga.
Trước khi Nga đổ quân vào Ukraine, châu Âu nhập khẩu khoảng 3,4 triệu thùng dầu từ Nga mỗi ngày. Con số đó đến nay đã sụt giảm.
Nga đã chuyển hướng sang những nước nhập khẩu khác. Tuy nhiên, một lượng đáng kể dầu xuất khẩu của Nga sang châu Âu được vận chuyển bằng đường ống, vốn đòi hòi việc xây dựng cơ sở hạ tầng tốn kém và mất thời gian.
Các nhà phân tích tại Rystad Energy và Kpler dự báo Nga sẽ cần phải cắt giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày, tương đương 20%, do lệnh cấm vận. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế này có thể lao dốc 8,5% trong năm nay.
Thảo Phương
ZING
|