Nhà máy mới dần đi vào hoạt động, cổ phiếu dệt may có hấp dẫn?
Trong năm 2022, nhóm doanh nghiệp dệt may đặt kế hoạch kinh doanh đa phần lạc quan. Phải chăng việc các nhà máy mới đang dần đi vào hoạt động sẽ giúp các đơn vị đẩy nhanh công suất và “bứt phá” sau giai đoạn kiềm hãm bởi dịch bệnh.
* Doanh nghiệp dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2022
Về phía CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM), đơn vị đã đưa Nhà máy may số 2 tại tỉnh Vĩnh Long (khởi công xây dựng vào tháng 5/2021) đi vào vận hành từ đầu tháng 3/2022. Nhà máy này có diện tích 3.2ha, tổng vốn đầu tư khoảng 12 triệu USD (chưa bao gồm chi phí thuê đất), công suất 9 triệu sản phẩm/năm.
Được biết, nhà máy đã vận hành với 5 chuyền sản xuất và 200 công nhân. Hiện tại, TCM đang tuyển thêm lao động để lấp đầy nhà máy.
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch TCM chia sẻ với cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, hy vọng trong quý 3 và 4/2022, nhà máy may số 2 sẽ tuyển đủ lao động và dự kiến đạt công suất tối đa vào cuối năm 2022. Tại đây, TCM đã lắp đặt hệ thống điện áp mái để tiết kiệm chi phí, giảm lượng khí thải CO2, bảo vệ môi trường… Đây là vấn đề các khách hàng quốc tế sẽ rất quan tâm.
Hoàn thành vào cuối năm 2021, Nhà máy may xuất khẩu Sông Hồng 10 của CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH) cũng đã chính thức hoạt động từ đầu năm 2022.
Tổng mức đầu tư của dự án là 600 tỷ đồng với mục tiêu tạo lập một khu vực sản xuất may xuất khẩu tại các huyện phía Nam, tạo việc làm tại chỗ, thu nhập cho lực lượng thanh niên nông thôn và thực hiện theo định hướng kinh doanh của Công ty. Sản phẩm chính là áo jacket bông nhồi, bông tấm, quần dài, quần shorts. Công suất thiết kế dự kiến là 2 triệu sản phẩm/năm.
Hay như Nhà máy Bình An của Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG) cũng sẽ đi vào hoạt động trong năm 2022. VGG dự kiến chi 100 tỷ đồng để đầu tư cho nhà máy này. Tổng Giám đốc VGG - ông Bùi Văn Tiến chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022: “Bình An là nhà xưởng chuyên dùng cho vải và chúng tôi đưa nhà xưởng này cho Việt Thái Tech thuê, chúng ta lấy nguồn tiền đó làm ăn tiếp, tài sản chúng ta vẫn còn nguyên. Đây là nhà máy vải xây dựng trên quy mô 700m2, là nhà máy công nghệ cao in vải kỹ thuật số lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Nhà máy đã đầu tư cơ bản xong rồi và dự kiến năm nay sẽ đi vào hoạt động”.
Tiếp tục chiến lược xây dựng nhà máy mới
Một trường hợp khác, chuyên về sợi, CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) đang gấp rút thực hiện Nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex. Dự án có tổng công suất là 60,000 tấn/năm (giai đoạn 1 là 36,000 tấn/năm và giai đoạn 2 là 24,000 tấn/năm). Phân khúc sản phẩm là sợi tái chế, sợi chất lượng cao, sợi đặc biệt…
Chia sẻ thêm về dự án, ông Đặng Triệu Hòa - CEO Sợi Thế Kỷ - cho hay, tiến độ thực hiện dự án trễ hơn dự kiến khoảng 6 tháng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Dự án sẽ bước vào giai đoạn xây dựng nhà xưởng từ tháng 3/2022 - 3/2023, lắp đặt máy móc thiết bị từ tháng 1 - 7/2023 và sẽ chạy thử, hoạt động chính thức vào quý 3/2023, chậm nhất là quý 4/2023.
Chi phí đầu tư nhà máy là 120 triệu USD, giai đoạn 1 là 75 triệu USD, giai đoạn 2 là 45 triệu USD. Hiện tại, ban điều hành đang điều tiết theo đúng chỉ tiêu ngân sách này. Về máy móc, thiết bị đã đăng ký mua trước cho giai đoạn 1 nên giá thành không tăng. Còn về phần chi phí xây dựng dù tăng cao, ban điều hành sẽ điều phối làm sao để tổng ngân sách không vượt mức đã duyệt.
Về tỷ trọng đóng góp của từng loại sản phẩm cho nhà máy Unitex, khoảng 60% công suất cho sợi tái chế, 20% cho sợi đặc biệt, 20% cho sợi phổ thông nhưng tập trung vào loại chất lượng cao.
Cũng theo vị CEO này, để tối đa hóa lợi nhuận của Unitex, Công ty hướng tới hợp tác với các thương hiệu lớn (đang quan tâm tới 2 sản phẩm chính là tái chế và tái chế có thêm tính năng đặc biệt như hút ẩm, co dãn, chống tia UV). Các thương hiệu lớn có thể hướng cho nhà cung ứng của họ mua sợi của Công ty. STK đang là nhà cung ứng chính cho Nike, đặc biệt cho mảng footwear. Vì sợi footwear phải là sợi thô trong khi nhà máy hiện hữu của STK đang không đủ công suất cho loại sợi này nên Công ty cần phải đầu tư thêm máy làm sợi này tại Unitex.
Gắn bó với ngành dệt may hơn 40 năm, sở hữu 2 nhà máy phụ trợ, 15 nhà máy may và 297 dây chuyền sản xuất, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) đang ấp ủ giấc mơ xây dựng cụm công nghiệp sinh thái dệt nhuộm với mục tiêu hoàn thiện chuỗi cung ứng cho ngành dệt may. Công ty hiện đang tiếp tục đầu tư vào Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm 70ha và dự kiến sẽ đầu tư hoàn chỉnh 2 Nhà máy may TNG Việt Đức và Việt Thái tại Khu Công nghiệp Sơn Cẩm.
Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm được cấp phép các ngành trong chuỗi cung ứng dệt may (sản xuất bao bì, dệt may, sợi, nhuộm, giặt…).
Ngoài ra, trong năm 2022, TNG cũng cho biết sẽ tiếp tục đầu tư thêm các nhà máy tại huyện Đại Từ, huyện Đồng Hỷ, huyện Phú Lương.
Trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (UPCoM: HSM) cũng lên kế hoạch đầu tư gần ngàn tỷ đồng cho 3 nhà máy. Trong đó, Công ty dự kiến chi 100 tỷ đồng đầu tư Nhà máy may Nghi Lộc số 2 (thời gian dự kiến 2022 - 2023), 750 tỷ đồng đầu tư nhà máy sợi Đồng Văn (2023 - 2025) và 100 tỷ đồng đầu tư Nhà máy may Nam Đàn số 3 (2024 - 2025).
Cổ phiếu dệt may khởi đầu thuận lợi
Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong ngành đang đẩy mạnh vận hành và đầu tư nhà máy mới thì cổ phiếu dệt may trên sàn khởi đầu năm 2022 một cách khá thuận lợi. Mặc dù mức tăng của các cổ phiếu này không quá đột biến nhưng vẫn giữ mức dương trong khi chỉ số VN-Index giảm gần 11%.
Trong đó, HSM dẫn đầu đà tăng với mức tăng gần 38% chỉ trong 4 tháng đầu năm.
Liền sau đó là MSH với mức tăng hơn 10%. Hồi giữa tháng 4, cổ phiếu này từng chạm đỉnh kỷ lục tại phiên 18/04 (101,500 đồng/cp).
Hay như giá cổ phiếu STK, TNG và TCM cũng lần lượt tăng 8%, 7% và 6% so với hồi đầu năm.
Tỷ lệ tăng giá của một vài cổ phiếu dệt may và VN-Index từ đầu năm 2022 đến 04/05/2022
|
Khó khăn lớn từ thiếu nguyên liệu
Hiện nay, ngành dệt may đang đối mặt với một khó khăn khá lớn là thiếu nguyên liệu. Theo chia sẻ của ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT), điều kiện mới hiện nay có các đặc trưng nổi bật như:
Thứ nhất, tính chu kỳ rất nhanh. Nếu trước đây có thể nói năm nay là năm kinh doanh tốt hoặc mùa này tốt mùa kia tốt thì bây giờ diễn biến chu kỳ rất nhanh, có thể chỉ trong 3 tháng đã thay đổi 180o.
Với việc đóng cửa 1 tháng ở Trung Quốc và chiến tranh Nga - Ukraine không biết ngày nào chấm dứt, đã cho nhìn thấy rõ quý 3 và quý 4 sẽ thiếu nguyên liệu ngành dệt may. Có đơn hàng nhưng thiếu nguyên liệu thì chắc chắn cũng sẽ không thực hiện được gì . Chưa bao giờ tình hình thị trường thay đổi chỉ trong vòng 1 quý. Từ xưa đến nay, ngành dệt may chỉ nghiên cứu cung và cầu, 2 sự kiện trên hiện nay lại chẳng liên quan đến nhau, cung cũng xuống mà cầu cũng xuống, không có hàng để bán. Điều này liên quan đến địa chính trị và dịch bệnh, là 2 yếu tố nằm ngoài tổng cung, tổng cầu.
Hiện nay, các địa phương ở Trung Quốc có trên 6,000 ca nhiễm COVID-19 có nguy cơ đóng cửa, liên quan đến chính sách “Zero Covid”. Tất cả các địa phương này đều nằm ở bờ Đông. Như vậy, các tỉnh trọng điểm sản xuất nguyên liệu ở Trung Quốc đều có nguy cơ đóng cửa và ít nhất hơn 10% lượng vải cung ứng của năm 2022 này Trung Quốc không kham được. 10% của năm, tương ứng với 5% tổng cầu của thế giới về vải không có.
Thứ hai, vị thế các doanh nghiệp không giống như trước đây, mạnh - yếu thay đổi rất nhanh, phụ thuộc vào chiến lược đối ứng linh hoạt với tình hình mới.
Tiên Tiên
FILI
|