Thứ Hai, 30/05/2022 09:52

''Nghịch lý'' ở Nga: Kinh tế đi xuống, đồng tiền tăng giá mạnh

Tuần vừa rồi, Nga đã phải triển khai biện pháp để ngăn đà tăng giá của Rúp...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh nhằm vào Nga có thể khiến nền kinh tế nước này sụt giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, tỷ giá đồng Rúp Nga lại đi theo một chiều hướng hoàn toàn trái ngược.

Tuần vừa rồi, đồng Rúp tăng giá lên mức cao nhất so với USD kể từ năm 2018, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới trong năm nay, theo dữ liệu của Dow Jones Market Data về tỷ giá của 56 đồng tiền trên thế giới. Tính từ đầu năm, đồng Rúp đã tăng 22% so với USD và tăng khoảng 160% so với mức đáy ghi nhận ở thời điểm vài ngày sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine cách đây 3 tháng.

Thông thường, tỷ giá đồng tiền của một quốc gia thường tăng, giảm theo sự lên, xuống của nền kinh tế nước đó. Nhưng trong trường hợp của Nga, các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã làm cho tỷ giá đồng Rúp liên tục tăng, tới mức bắt đầu đặt ra trở ngại cho nền kinh tế, theo tờ Wall Street Journal.

“Lẽ ra tôi không thể hình dung ra đồng Rúp tăng giá tới độ này. Nhưng xét tới các biện pháp kiểm soát vốn, có thể nói rằng sức mạnh hiện nay của Rúp không phải là sức mạnh thực sự”, chiến lược gia Jane Foley của Rabobank phát biểu.

Tuần vừa rồi, Nga đã phải triển khai biện pháp để ngăn đà tăng giá của Rúp. Ngày thứ Năm, CBR hạ lãi suất cơ bản về 11% từ 14%. Trước đó, Nga đã có hai lần hạ lãi suất, cũng với mức giảm 3 điểm phần trăm mỗi lần. Đầu tuần trước, Nga còn nới bớt các biện pháp kiểm soát vốn yêu cầu các doanh nghiệp phải chuyển đổi 80% nguồn thu ngoại tệ sang Rúp. Tỷ lệ này hiện giảm còn 50%.

Sau động thái hạ lãi suất của CBR, đồng Rúp có lúc giảm giá gần 7% so với USD trong phiên ngày thứ Năm, còn 61 Rúp đổi 1 USD. Hôm 7/3, Rúp rớt giá xuống mức thấp kỷ lục 158 Rúp đổi 1 USD, theo dữ liệu từ Tullett Prebon.

Sự tăng giá của Rúp thời gian qua đi ngược lại xu hướng giảm giá của nhiều đồng tiền so với USD. Về phần mình, đồng bạc xanh được hỗ trợ bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và nền kinh tế Mỹ “khoẻ” hơn tương đối  với nhiều nền kinh tế khác. Đồng Euro đã giảm giá 6,1% so với USD từ đầu năm đến nay. Ngoài Rúp, một số ít các đồng tiền khác tăng giá so với USD từ đầu năm, bao gồm đồng Real của Brazil và Peso của Uruguay.

Giới chuyên gia kinh tế xem sự phục hồi vượt bậc của đồng Rúp là kết quả một phần từ chính sách can thiệp của Moscow, một phần nhờ xuất khẩu hàng hoá cơ bản của Nga và hiệu ứng của các biện pháp trừng phạt.

Ngoài việc nâng lãi suất gấp đôi sau khi nổ ra chiến tranh và yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải chuyển đổi phần lớn doanh thu ngoại tệ sang Rúp, CBR còn hạn chế lượng ngoại tệ mà người dân có thể rút từ tài khoản ngân hàng, đồng thời cấm các ngân hàng thương mại bán ngoại tệ cho khách hàng. Cùng với đó, trừng phạt khiến nhập khẩu của Nga giảm sút và xuất khẩu của nước này hưởng lợi từ sự tăng giá hàng hoá cơ bản, càng tạo thêm động lực cho đồng Rúp đi lên. Ngoài ra, Rúp còn hưởng lợi từ việc Tổng thống Putin yêu cầu các nước “không thân thiện” phải thanh toán bằng Rúp khi mua khí đốt Nga.

Về cơ bản, đồng nội tệ mạnh mang lại một số lợi ích cho một quốc gia, bao gồm kéo lạm phát xuống là làm cho hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn. Tuy nhiên, do bị trừng phạt, Nga không thể nhập khẩu nhiều mặt hàng vào lúc này, dù có muốn đi chăng nữa.

Lạm phát ở Nga dù đã dịu đi đôi chút vẫn đang ở vùng đỉnh của 20 năm do khan hiếm hàng hóa. Giá thực phẩm ở nước này hiện đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thu nhập khả dụng thực tế của người dân trong 3 tháng đầu năm nay giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Nga sẽ suy giảm khoảng 10% trong năm nay.

Trong khi đó, đồng Rúp mạnh gây bất lợi cho ngân sách của Nga vì tiền thu về từ xuất khẩu là ngoại tệ sẽ vơi bớt đi khi chuyển đổi sang nội tệ do nội tệ tăng giá. Chuyên gia kinh tế Jason Tuvey của Capital Economics nói rằng với đồng Rúp mạnh lên, các công ty năng lượng Nga khi đổi ngoại tệ sang Rúp “sẽ nhận được ít Rúp hơn tính trên mỗi USD”. “Điều này xảy ra đúng vào lúc Nga phải đối mặt với các sức ép khác, gồm phí tổn cho cuộc chiến tranh ở Ukraine và chi phúc lợi xã hội gia tăng”, ông Tuvey nói.

Bình Minh

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới tăng tuần thứ 2 liên tiếp (28/05/2022)

>   Dầu tăng mạnh tuần qua trước mùa cao điểm nhu cầu đi lại của Mỹ (28/05/2022)

>   Vàng thế giới giảm sau biên bản họp của Fed (27/05/2022)

>   Dầu tăng 3% lên cao nhất trong 2 tháng (27/05/2022)

>   Nga tuyên bố trả nợ nước ngoài bằng đồng rúp đúng thời điểm bị dự báo sẽ 'vỡ nợ' (26/05/2022)

>   Vàng thế giới quay đầu giảm, đứt mạch 5 phiên tăng liền (26/05/2022)

>   Dầu tăng khi nguồn cung khan hiếm (26/05/2022)

>   Mỹ chấm dứt miễn thanh toán, đẩy Nga đến gần nguy cơ vỡ nợ (25/05/2022)

>   Chứng khoán giảm sâu khiến 50 người giàu nhất thế giới mất hơn 500 tỷ USD từ đầu năm (25/05/2022)

>   Vàng thế giới lại tăng khi đồng USD suy yếu phiên thứ 2 liên tiếp (25/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật