Chủ Nhật, 01/05/2022 20:00

Lành mạnh hóa thị trường tài chính một cách… lành mạnh!

Gần đây, các thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp liên tục được đưa ra từ cấp cao nhất trong hệ thống chính quyền đến các bộ, ngành và cơ quan chủ quản. Diễn biến này được kích hoạt sau các vụ phạm luật dẫn đến việc truy tố xảy ra trên thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

Nguồn cơn

Nguồn cơn trực tiếp của các vụ vi phạm pháp luật dẫn đến bắt bớ hẳn nhiên là sự… vi phạm pháp luật của một số cá nhân liên đới, là lãnh đạo tại một số doanh nghiệp. Tại sao điều này (sự vi phạm) lại xảy ra? Câu trả lời đương nhiên sẽ là tại các cá nhân này… cố tình vi phạm.

Tuy nhiên, sự thật/nguyên nhân không chỉ có thế.

Ví dụ với vụ việc bán cổ phiếu FLC không công bố trước của ông Trịnh Văn Quyết. Đây là sự vi phạm pháp luật lần thứ hai. Nếu như lần vi phạm trước xảy ra cách đây vài năm, tuy ở quy mô nhỏ hơn lần thứ hai này nhưng bản chất vi phạm là như nhau, mà bị xử lý mạnh tay thì ông Quyết không chắc đã dám tiến hành một vụ thao túng thị trường như lần thứ hai này.

Vậy, một trong những nguồn cơn làm thị trường tài chính Việt Nam phát triển không an toàn, lành mạnh chính là thái độ thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng với những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các cá nhân và tổ chức tham gia thị trường.

Với vụ ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch, Tổng giám đốc của tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản do “đã có hành vi gian dối, sử dụng các công ty thành viên phát hành chín đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu”.

Có thể thấy cái “tội” này (xin không bàn đến là đúng hay sai ở đây) đã diễn ra công khai trước mắt các cơ quan chức năng trong một thời gian không phải là ngắn (từ tháng 7-2021) và quy mô không phải là nhỏ. Nhưng chỉ đến gần đây thì Bộ Tài chính mới “chỉ đạo” và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu này căn cứ vào “đề nghị của cơ quan có thẩm quyền”(1).

Điều đáng lo, quan ngại nhất là cơ quan chức năng sẽ cho ra đời những “giải pháp” theo hướng siết chặt một cách không thỏa đáng, không liên quan gì đến những tồn tại và yếu kém chủ quan về phía cơ quan chức năng. Ví dụ về các giải pháp này là thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu, yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành, quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch…

Nói cách khác, hành vi vi phạm của ông Dũng (sử dụng tiền phát hành trái phiếu không đúng mục đích nêu trong hồ sơ phát hành trái phiếu) đã được quy định rõ trong luật hiện hành nhưng chỉ được phát hiện và xử lý khi có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Công an?), chứ không phải bởi cơ quan quản lý, giám sát trực tiếp là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trên đó là Bộ Tài chính. Sự bất cập này, nếu không phải là sự bao che, thiếu trách nhiệm, thì hẳn phải là sự yếu kém về nghiệp vụ quản lý, theo dõi, giám sát thị trường của cơ quan chức năng khi đã để lọt lưới hành vi phạm pháp.

Giải pháp

Như đã phân tích ở trên, một phần nguồn cơn để các vụ vi phạm pháp luật xảy ra chính là sai phạm, bất cập từ phía các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, những điều bất cập này đã không được nhận biết và thừa nhận để lấy đó làm bài học và khắc phục. Một minh chứng rõ ràng là hầu như chưa có cá nhân, cơ quan nào bị quy trách nhiệm và bị xử lý một cách nghiêm túc, mạnh tay vì đã để xảy ra hết lùm xùm này đến lùm xùm khác.

Thay vào đó, dư luận dường như lại được định hướng vào những vấn đề ngoài trách nhiệm của phía cơ quan chức năng như nhà đầu tư không chuyên nghiệp, hành vi gian lận để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư… Phía doanh nghiệp cũng bị quy cho nhiều vấn đề như phát hành với khối lượng lớn, lãi suất cao vượt quá năng lực tài chính của doanh nghiệp, vi phạm quy định về công bố thông tin, sử dụng vốn sai mục đích đã công bố, sai phạm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác…(2).

Hiển nhiên là những vấn đề về phía nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành, cung cấp dịch vụ như nêu trên là có thật, đã và đang tồn tại. Nhưng như thế thì mới cần đến sự quản lý, thanh tra, giám sát và ngăn chặn của cơ quan chức năng, và các cơ quan này mới có lý do để tồn tại và liên tục mở rộng.

Việc “đánh bùn sang ao” này không chỉ làm cho các vấn đề tiêu cực vẫn tiếp tục phát sinh vì không được khắc phục tận gốc rễ (sự yếu kém, bất cập của cơ quan chức năng). Điều đáng lo, quan ngại nhất là cơ quan chức năng sẽ cho ra đời những “giải pháp” theo hướng siết chặt một cách không thỏa đáng, không liên quan gì đến những tồn tại và yếu kém chủ quan về phía cơ quan chức năng.

Ví dụ về các giải pháp này là thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu, yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành, quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch…(2). Những quy định siết chặt này thậm chí còn làm toát lên tinh thần “không quản được thì cấm”, vốn sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến sự phát triển bình thường của các thị trường tài chính như thông lệ trên thế giới mà tác giả đã đôi lần đề cập đến trước đây.

Quan trọng không kém, cho dù có được viện dẫn với mục đích lành mạnh hóa thị trường thì việc áp dụng thêm nhiều quy định theo hướng siết chặt lại như thế này cũng chỉ làm khó những doanh nghiệp và nhà đầu tư lương thiện chứ không làm khó được những ai cố tình vi phạm bởi năng lực quản lý, giám sát và ngăn chặn của các cơ quan chức năng cũng chỉ đến thế, nếu họ không thực tâm, thẳng thắn nhìn nhận và khắc phục, sửa đổi để nâng cao năng lực và trách nhiệm của mình.

Phan Minh Ngọc

TBKTSG

Các tin tức khác

>   QNS: Thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (30/04/2022)

>   Bắt tạm giam Nguyễn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán (29/04/2022)

>   PSI: Biên bản họp Ban kiểm soát về việc bầu Trưởng BKS (29/04/2022)

>   BVSC: Thông báo Quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam về việc chấp thuận thành viên giao dịch đối với BVSC (29/04/2022)

>   VPS: Thông báo Quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam về việc chấp thuận thành viên giao dịch đối với VPS (29/04/2022)

>   NHSV: Quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam về việc chấp thuận thành viên giao dịch đối với NHSV (29/04/2022)

>   FUESSVFL: Kết thúc giao dịch hoán đổi ngày 28/04/2022 (29/04/2022)

>   FUESSV50: Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu tuần từ 22/04/2022 đến 28/04/2022 (29/04/2022)

>   FUESSVFL: Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu tuần từ 22/04/2022 đến 28/04/2022 (29/04/2022)

>   FUESSV30: Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu tuần từ 22/04/2022 đến 28/04/2022 (29/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật