Thứ Hai, 30/05/2022 14:27

Kiểm soát chặt vay vốn nước ngoài - có đi ngược xu hướng?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo thông tư thay thế Thông tư 12/2014/TT-NHNN quy định điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh (gọi tắt là dự thảo), theo hướng kiểm soát chặt hơn hoạt động vay nước ngoài của các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp, khi hoạt động này có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây.

Nợ nước ngoài tăng nhanh ở đối tượng nào?

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thời gian qua đã giảm về mức đáy trong nhiều năm, nhiều TCTD lẫn doanh nghiệp đã tận dụng mặt bằng lãi suất thấp để đẩy mạnh vay vốn từ các định chế tài chính quốc tế. Đơn cử như hàng loạt thương vụ vay tài trợ thương mại, vay hợp vốn của các ngân hàng trong nước, công ty chứng khoán; phát hành trái phiếu quốc tế của các doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tích cực vay vốn từ công ty mẹ để gia tăng nội lực tài chính và lợi thế cạnh tranh.

Xu hướng này dẫn đến mức nợ nước ngoài tự vay tự trả hàng năm và các chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia có nguy cơ vượt ngưỡng quy định. Đây là lý do khiến NHNN phải xây dựng các quy định về điều kiện vay chặt chẽ hơn nhằm (i) quản lý thận trọng khu vực này, cũng như (ii) để đảm bảo tương thích với hệ thống pháp luật có liên quan mới được ban hành là Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Doanh nghiệp năm 2020, đồng thời (iii) phục vụ cho mục tiêu thực hiện lộ trình tự do hóa tài khoản vốn, phù hợp với khuyến nghị của IMF về tự do hóa các kiểm soát vốn đối với nợ nước ngoài.

Thống kê cho thấy chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn 2016-2020, chủ yếu do các khoản tự vay tự trả của TCTD và doanh nghiệp, bắt nguồn từ nhu cầu vốn tăng cao của các doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng.

Cụ thể, nợ nước ngoài của Chính phủ chỉ tăng 5,6%/năm, nợ Chính phủ bảo lãnh nước ngoài tăng 7,1%/năm trong giai đoạn này. Theo một chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại kỳ họp Quốc hội vào năm 2018, “Riêng nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây: Năm 2016 tăng 25,7% so với năm 2015; năm 2017 tăng 39,6% so với năm 2016. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP”.

Theo dự thảo, doanh nghiệp được vay nước ngoài ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phát sinh trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài song không bao gồm các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng vay với người cư trú; các khoản phải trả phát sinh từ mua bán chứng khoán kinh doanh; mua phần vốn góp, cổ phần của đơn vị khác; mua bất động sản đầu tư và nhận chuyển nhượng dự án.

Theo đó, cơ cấu các khoản vay nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh ngày càng chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong cơ cấu nợ nước ngoài của quốc gia (từ 59,6% dư nợ nước ngoài của quốc gia năm 2016 giảm xuống còn khoảng 43,5% năm 2020).

Nếu tính từ năm 2011, tổng nợ nước ngoài đã tăng với tốc độ 17%/năm, nhanh hơn mức tăng GDP danh nghĩa, đạt 46% GDP vào năm 2018. Điều này chủ yếu là do nợ từ khu vực tư nhân với mức tăng trưởng 24%/năm, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm phần lớn trong tổng số nợ vay từ nước ngoài (72% số nợ ngắn hạn và 78% số nợ trung/dài hạn trong năm 2018). Đến cuối năm 2020, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP ở mức 47,2%, tuy nhiên tại một số thời điểm, chỉ tiêu này đã tiến sát giới hạn 50%, gây áp lực lên chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia(1).

Những điểm thay đổi chính

Trong dự thảo thông tư nói trên, đầu tiên, NHNN bổ sung quy định mới về trần chi phí vay nước ngoài. Theo đó, lãi suất vay ngoại tệ sẽ bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ tối đa 8%/năm, trong trường hợp không sử dụng lãi suất tham chiếu sẽ chọn “SOFR Term kỳ hạn sáu tháng do tổ chức CME công bố” – được tính toán dựa trên lãi suất SOFR do Fed New York công bố. Đối với khoản vay bằng tiền đồng thì sẽ bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm cộng biên độ tối đa 8%/năm.

Trước xu hướng ngân hàng trung ương các nước đang thắt chặt chính sách, theo NHNN, việc quy định mức trần chi phí vay đã có sự tham khảo mặt bằng lãi suất bình quân cho vay bằng đô la Mỹ và tiền đồng trong nước, đồng thời cũng đã dự phòng cho xu hướng tăng lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Ngoài ra, theo người viết bài này, việc quy định trần lãi suất có lẽ cũng là giải pháp cần thiết để hạn chế tình trạng nhiều doanh nghiệp vay ngoại tệ từ ngân hàng mẹ với mức lãi suất vay xác định quá cao, nhằm chuyển lợi nhuận về bản quốc.

Thứ hai, trước diễn biến các đồng tiền chủ chốt như đô la Mỹ đã tăng rất mạnh trong thời gian gần đây, với chỉ số USD Index đã leo lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua, và đà tăng có thể còn chưa dừng lại khi xu hướng thắt chặt chính sách để chống lạm phát vẫn đang diễn ra, NHNN đã bổ sung yêu cầu bên đi vay phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ, nhằm giúp doanh nghiệp tránh thiệt hại khi có rủi ro tỷ giá, cũng như hạn chế các tác động tiêu cực đến điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ của NHNN do các nhu cầu mua/bán ngoại tệ đột biến khi rút vốn, trả nợ cho nước ngoài.

Cụ thể, đối với khoản vay ngắn hạn có kim ngạch trên 500.000 đô la Mỹ hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương, bên đi vay phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ trước hoặc vào thời điểm rút vốn của khoản vay, với giá trị tối thiểu bằng 30% giá trị rút vốn. Đối với khoản vay trung, dài hạn, bên đi vay phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ đối với các đợt chuyển tiền trả nợ gốc có giá trị trên 500.000 đô la Mỹ, thời điểm thực hiện tối thiểu ba tháng trước ngày trả nợ gốc và giá trị của giao dịch tối thiểu bằng 30% số tiền trả nợ gốc.

Thứ ba, căn cứ Nghị định 219 quy định bên đi vay phải tự chịu trách nhiệm trả nợ nước ngoài tự vay tự trả và tự chịu mọi rủi ro khi thực hiện vay nước ngoài, Chính phủ không chịu trách nhiệm, dự thảo này cũng chỉnh sửa quy định về điều kiện giao dịch bảo đảm với bổ sung quy định về đầu mối xử lý tài sản bảo đảm phải là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc pháp nhân khác được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

Có ngược xu hướng?

Đáng lưu ý là với nhóm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN cũng áp dụng điều kiện riêng, theo đó bổ sung các quy định giới hạn về mức vay nước ngoài. Cụ thể, điều kiện giới hạn vốn vay ngắn hạn dựa trên tỷ lệ tối đa tổng dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài tính trên vốn tự có tại ngày làm việc cuối cùng của năm liền trước thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài như sau: (i) trong năm 2023: 25% đối với TCTD và 100% đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài; (ii) từ năm 2024 trở đi: 20% đối với TCTD và 80% đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong trường hợp vay trung, dài hạn, bên đi vay phải đảm bảo tổng mức rút vốn ròng (giá trị rút vốn trừ giá trị trả nợ) của các khoản vay trung, dài hạn nước ngoài của bên đi vay trong năm tính trên vốn tự có không vượt quá 10% áp dụng đối với bên đi vay là ngân hàng thương mại; 50% áp dụng đối với bên đi vay là TCTD phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng chính sách.

Nhìn vào xu hướng đẩy mạnh vay vốn trung, dài hạn nước ngoài của các ngân hàng nội địa thời gian qua nhằm tăng vốn tự có cấp 2, gia tăng nội lực tài chính và năng lực cạnh tranh, việc thắt chặt hơn các quy định vay vốn nước ngoài của nhóm này sẽ khiến nhóm này gặp nhiều thách thức hơn trong mục tiêu tăng vốn tự có cũng như nguồn vốn huy động trung, dài hạn từ quốc tế trong giai đoạn tới.

Với nhóm đối tượng là doanh nghiệp, dữ liệu từ NHNN cho thấy dư nợ nước ngoài của nhóm này chiếm đến 70-80% tổng dư nợ vay nước ngoài tự vay tự trả của cả nền kinh tế, đặc biệt trước các định hướng phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, xu hướng doanh nghiệp tăng vay vốn nước ngoài là không tránh khỏi. Chính vì vậy, việc chọn lọc, ưu tiên các lĩnh vực, doanh nghiệp được vay vốn nước ngoài là điều cần thiết.

Do đó, dự thảo quy định rõ điều kiện vay nước ngoài tập trung vào mục tiêu đảm bảo hỗ trợ các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế vay nước ngoài cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao vừa làm tăng dư nợ vay nước ngoài vừa ảnh hưởng tới dư địa vay của các doanh nghiệp phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh thực trong nền kinh tế.

Cụ thể, dự thảo quy định doanh nghiệp được vay nước ngoài ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phát sinh trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài song không bao gồm các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng vay với người cư trú; các khoản phải trả phát sinh từ mua bán chứng khoán kinh doanh; mua phần vốn góp, cổ phần của đơn vị khác; mua bất động sản đầu tư và nhận chuyển nhượng dự án.

Đây cũng chính là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong những ngày gần đây, nhất là khi thị trường chứng khoán đang trải qua đợt điều chỉnh lớn nhất trong vòng hai năm qua. Nhiều nhà đầu tư lo ngại quy định này sẽ càng hạn chế dòng vốn rót vào thị trường. Nhưng theo NHNN, thực tế việc tăng trưởng “nóng”, “ồ ạt” của thị trường chứng khoán và bất động sản tiềm ẩn rủi ro lớn vì có thể tạo ra tình trạng vốn “ảo”, “bong bóng” tài sản, là mầm mống của những bất ổn tài chính vĩ mô.

Có thể có những ý kiến cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đã tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), ngày càng hội nhập sâu rộng và mở cửa, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, những quy định kiểm soát việc vay vốn quốc tế chặt chẽ hơn dường như đang đi ngược lại xu hướng trên.

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng có doanh nghiệp những năm gần đây tích cực vay nợ từ các tổ chức tài chính quốc tế để thâu tóm các dự án đất khắp nơi, trong đó có cả ở những khu vực nhạy cảm về mặt chính trị, an ninh quốc phòng, cũng như việc một số doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài gần đây tham gia đẩy giá đất trong các cuộc đấu giá gây bất ổn thị trường, nhà điều hành có lý do để kiểm soát chặt hơn việc vay vốn nước ngoài của những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro này.

Tuệ Nhiên

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan đến Ngân hàng Đông Á (30/05/2022)

>   VIB ra mắt ứng dụng MyVIB 2.0 ngân hàng số đầu tiên tích hợp AR và Cloud – native tại Việt Nam (30/05/2022)

>   Người vay mua nhà lo... lãi suất tăng (30/05/2022)

>   Công ty tài chính bị chiếm đoạt hơn 3,6 tỷ đồng (30/05/2022)

>   Ngân hàng đồng loạt xin nới ''room'' tín dụng để triển khai hỗ trợ lãi suất 2% (28/05/2022)

>   Giá USD tiếp tục lao dốc (27/05/2022)

>   Ngân hàng Nhà nước: Không siết tín dụng bất động sản (27/05/2022)

>   Cổ đông Eximbank không thông qua báo cáo chuyển nhượng cổ phiếu Sacombank  (27/05/2022)

>   Không để trục lợi gói hỗ trợ lãi suất 2% (27/05/2022)

>   Bắt giám đốc người Trung Quốc trong đường dây "tín dụng đen" lãi suất tới hơn 2.000%/năm (27/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật