Khi người gửi tiền ''đổi vai'' thành nhà đầu tư bất động sản
Trong thời gian qua, có nhiều người mang tiền đến ngân hàng gửi tiết kiệm nhưng cuối cùng lại trở thành nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, chẳng khác nào góp vốn đầu tư dự án bất động sản. Thị trường cần sự minh bạch, còn người gửi tiền cần sự tỉnh táo vì cuộc chơi trái phiếu không dành cho những “tay mơ”.
Muốn lãi suất cao hơn, nhưng không nắm rủi ro
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, mặt bằng lãi suất tiền gửi trên thị trường đã giảm mạnh và hiện vẫn còn ở vùng thấp. Dòng tiền do đó thay vì nằm yên ở ngân hàng, thì lại kiếm các kênh sinh lời với lãi suất tốt hơn như đầu tư bất động sản hay trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, với những người không ưa mạo hiểm, phần tiền tiết kiệm lại bất ngờ chuyển thành nhà đầu tư trái phiếu, với sự hỗ trợ và tư vấn của các nhân viên ngân hàng.
Như trường hợp chị A, nhân viên văn phòng ở quận 1, cuối năm ngoái quyết định mua lại trái phiếu sau khi được giới thiệu của nhân viên ngân hàng. Đây là trái phiếu có kỳ hạn 5 năm với lãi suất coupon là 11%/năm. Còn lãi suất thực hưởng là tổng của biên độ lãi suất (từ 3,5-5%/năm và lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi (lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng bằng tiền đồng của Vietcombank).
Trên thực tế, chị A. nói rằng nhân viên ngân hàng nói có thể bán lại trái phiếu bất kỳ lúc nào. Chị A. sau đó ký hợp đồng với công ty chứng khoán và nhận lại giấy sở hữu trái phiếu. “Quyết định mua trái phiếu vì lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, có thể bán lại khi cần và cũng vì tin tưởng ở ngân hàng”, chị A. nêu lý do.
Thực tế trong các giao dịch trái phiếu, ngân hàng và công ty chứng khoán chỉ thuần túy là người trung gian. Theo đó, đơn vị phát hành trong mọi trường hợp mới là đơn vị chịu trách nhiệm thanh toán gốc, lãi cho người sở hữu trái phiếu và cam đoan chịu trách nhiệm về tính đầy đủ hợp pháp của nguồn tiền thanh toán.
Điều này cũng có thể thấy rõ qua vụ việc Tân Hoàng Minh mới đây, khi cả ngân hàng và công ty chứng khoán đều lên tiếng ngay lập tức, khẳng định mình chỉ đóng vai trò “trung gian”. Thực tế chị A còn “may mắn” hơn khi có “giấy chứng nhận sở hữu trái phiếu”, ngược lại nhiều người mua trái phiếu trong vụ việc Tân Hoàng Minh lại nhận về “hợp đồng góp vốn đầu tư”.
Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật Basico, không chỉ có Tân Hoàng Minh mà rất nhiều vụ việc tương tự như vậy đã diễn ra. Bên cạnh ranh giới về quy trình pháp lý của việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thì bản chất của câu chuyện này là “rủi ro tín dụng của trái phiếu không được bảo đảm”.
Trong suốt thời gian dài trước đó, doanh nghiệp vay vốn trái phiếu thì địa chỉ duy nhất là ngân hàng, nhưng để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thì quy trình của ngân hàng không khác gì khi thẩm định cho vay. Do đó, trong khoảng thời gian 5-6 năm trở lại đây, bắt đầu có hiện tượng chính ngân hàng, công ty chứng khoán thay vì đầu tư thì đã đẩy trái phiếu doanh nghiệp đến tay các cá nhân. Điều này nghĩa là trong tư duy của các trung gian tài chính là không muốn chịu rủi ro nhưng vẫn ham lợi nhuận, chỉ hưởng lợi ích của việc tham gia trong chuỗi này, ông Hải nhận định.
Cần sự minh bạch và tỉnh táo
Trên thực tế, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn tốt đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Dù quy mô tăng trưởng nhanh với khối lượng phát hành mới tương đối lớn, tỷ trọng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên GDP vẫn thấp hơn nhiều một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore và Malaysia. Tổng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam tính đến quí 4-2021 đạt khoảng 41,11% GDP, trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 16,85% GDP.
Chiếm phần lớn trong số này là các doanh nghiệp bất động sản vì nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của nhóm này ngày càng tăng do việc tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng ngày càng khó khăn hơn. Số lượng các doanh nghiệp bất động sản phát hành tăng từ 141 doanh nghiệp năm 2020 lên 193 doanh nghiệp trong năm 2021.
Lãi suất cao kéo theo rủi ro cao hơn. Số trái phiếu bất động sản không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần hoặc toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172.500 tỉ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành trong năm 2021. Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 10%) trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản đảm bảo, theo báo cáo của SSI.
Trên thực tế, cuộc chơi trái phiếu hiện nay là của các nhà đầu tư tổ chức, vì họ mới có đủ nguồn lực để đánh giá khả năng của doanh nghiệp cần huy động vốn. Tuy nhiên, thị trường trong thời gian qua thiếu vắng đi sự minh bạch thông tin về doanh nghiệp. Trong đó, nhiều công ty con được lập ra để đứng ra thực hiện dự án, hoặc chỉ để làm “bình phong” huy động vốn.
Theo đơn vị xếp hạng tín nhiệm, một vấn đề quan trọng là cần làm rõ lộ trình đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, trong đó phải nói được câu chuyện nỗ lực thực hiện các cam kết về nghĩa vụ trả nợ của tổ chức phát hành, cũng như các bên liên quan như đơn vị bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ.
Theo quy định, trái phiếu được phát hành riêng lẻ yêu cầu nhà đầu tư tham gia phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, tức là bao gồm các nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm hay các quỹ đầu tư. Còn các nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia phải chứng minh được năng lực tài chính và chuyên môn. Tuy nhiên, trong thời gian có tình trạng tư vấn “làm giả” chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp để lách luật mua trái phiếu.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát các quy định liên quan đến câu chuyện phát hành chứng khoán.
Các quy định thường đi sau sự vận động của thị trường. Về bản chất thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn tốt, đặc biệt với các tổ chức phát hành có nền tảng cơ bản, minh bạch thông tin về lợi nhuận và rủi ro.
Trong khi thị trường cần sự minh bạch hơn, đứng ở góc độ “người gửi tiền” cũng cần phải tỉnh táo vì cuộc chơi trái phiếu không dành cho những “tay mơ”. Như trường hợp chị A. ở trên, khi được hỏi công ty này huy động vốn để làm dự án nào thì cũng lắc đầu.
Dũng Nguyễn
TBKTSG
|