Hai bộ ra tay gỡ rối giảm thuế VAT 2%
Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định tách riêng hóa đơn mới được giảm thuế VAT theo Nghị định số 15 đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Trường hợp cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau, trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % tính thuế VAT được giảm từng loại...
Hiện hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT 2% theo Nghị định số 15 phải ghi hoá đơn riêng.
|
Trong năm 2022, hàng loạt hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống còn 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quy định hiện hành yêu cầu doanh nghiệp phải lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm VAT.
Chẳng hạn, cùng một đơn hàng, doanh nghiệp phải chia 2-3 hóa đơn cho mỗi loại hàng hóa được giảm thuế. Theo đó, cùng một khách hàng, thay vì lập một hóa đơn ghi nhiều thuế suất khác nhau như 5%, 8%, 10%, doanh nghiệp phải lập hóa đơn ghi thuế suất 8% riêng. Hàng loạt doanh nghiệp than phiền quy định này khiến doanh nghiệp tăng thêm chi phí.
Trao đổi về vấn đề này, ngày 29/4, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT.
“Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT thì không được giảm thuế VAT”, Nghị định số 15 nêu rõ.
Bộ Tài chính cho rằng, trên thực tế, trên mẫu hóa đơn của doanh nghiệp, chỉ tiêu thuế suất được thiết kế theo dạng cột nên cơ sở kinh doanh có thể lập hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ có nhiều thuế suất khác nhau trên cùng một hóa đơn, trong đó, có hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế.
“Việc lập hóa đơn riêng là thuận lợi trong việc phân loại, quản lý những hóa đơn của những hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, tuy nhiên lại làm tăng thời gian của kế toán doanh nghiệp và chi phí sử dụng hóa đơn, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều hóa đơn trong ngày”, Bộ Tài chính nhìn nhận.
|
Thời điểm ban hành Nghị định, cơ quan soạn thảo lo ngại rằng trường hợp nếu doanh nghiệp thấy khó khăn khi tách hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế nên không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, thì người tiêu dùng lại không được thụ hưởng lợi ích từ chính sách, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trước bất cập trên, hiện Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 1 Nghị định 15 được gộp vào Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP theo thủ tục rút gọn. Hiện hồ sơ đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất trường hợp cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % tính thuế VAT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Bộ Tài chính cho biết, khi thực hiện chính sách giảm thuế suất thuế VAT theo Nghị định số 15 sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 49.400 tỷ đồng.
Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Qua đó, có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
|
Ánh Tuyết
VnEconomy
|