Bài cập nhật
Góc nhìn 19/05: Xuất hiện áp lực điều chỉnh
TVSI dự báo phiên giao dịch ngày mai (19/05) áp lực điều chỉnh sẽ xuất hiện và chỉ phù hợp mua gia tăng trạng thái với các nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu rất thấp trong tài khoản (< 50% tài sản).
VN-Index có thể lấy lại mốc 1,350 điểm trong ngắn hạn
CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS): Sau phiên bật tăng mạnh từ vùng đáy, VN-Index tiếp tục xu hướng phục hồi, tuy nhiên thanh khoản thị trường ở mức trung bình thấp nên có sự giằng co trong chiều hướng tăng.
VN-Index bị rơi vào trạng thái quá bán suốt 4 tuần vừa qua, và giảm vào vùng tâm lý 1,200 điểm trong phiên cuối tuần trước (13/05) với thanh khoản tăng, dã dẫn đến nhịp phục hồi kỹ thuật khi dòng tiền bắt đáy được kích hoạt. Các cổ phiếu niêm yết hiện đang có mức định giá hấp dẫn với P/E trung bình khoảng 13 lần, trong khi dự báo tăng trưởng lợi nhuận 2022 vẫn ở mức khả quan dù sẽ chịu tác động bất lợi từ mặt bằng lãi suất cao hơn năm trước và khả năng lạm phát làm suy yếu biên lợi nhuận.
Cổ phiếu giảm sâu đang mở ra những cơ hội đầu tư dài hạn trong nhóm cổ phiếu cơ bản, đồng thời dòng tiền tham gia trở lại thị trường có thể hỗ trợ VN-Index lấy lại mốc 1,350 điểm trong ngắn hạn.
Chưa thấy động lực tăng điểm
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Vừa mở cửa phiên sáng 18/05, VN-Index đã tiến lên vùng 1,240 và giao dịch quanh ngưỡng này suốt cả ngày trước khi kết phiên tăng hơn 12 điểm so với hôm qua. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 12/19 ngành tăng điểm, trong đó tăng mạnh nhất là ngành Điện, nước & xăng dầu khí đốt.
Về giao dịch của khối ngoại, hôm 18/05 khối này mua ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX. Diễn biến của VN-Index hôm 18/05 hình thành nên cây nến Doji, cho thấy thị trường đang có sự lưỡng lự, thêm vào đó khối lượng giao dịch vẫn còn khiêm tốn, chưa thấy được động lực cho đà tăng điểm. Đà tăng của thị trường vẫn phải chờ kiểm chứng thêm từ một đên hai phiên giao dịch nữa.
Hạ tỷ trọng các vị thế trading trong các nhịp hồi sớm
CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index ghi nhận một nhịp tăng điểm tích cực trong phiên trước khi dần suy yếu và hình thành mẫu nến doji trung tính về cuối phiên.
Áp lực chốt lời ngắn hạn quanh vùng kháng cự gần 1,260 đã khiến cho đà tăng tích cực của chỉ số không duy trì được đến cuối phiên. Mặc dù vậy, cơ hội mở rộng nhịp hồi phục của VN-Index vẫn đang có phần chiếm ưu thế với vùng hỗ trợ gần quanh 121x, tương ứng với đường MA5.
Nhà đầu tư được khuyến nghị hạ tỷ trọng các vị thế trading trong các nhịp hồi sớm và chỉ gia tăng tỷ trọng trở lại nếu về vùng hỗ trợ đối với các cố phiếu mục tiêu.
Áp lực điều chỉnh xuất hiện
CTCK Tân Việt (TVSI): Phiên giao dịch hôm nay (18/05) cho thấy đà hồi phục đã chững lại và điều đáng tiếc là thanh khoản không có sự cải thiện khi cung với cầu đủ sức để gặp nhau. Theo TVSI hiện dòng tiền vẫn ngại rủi ro và tiếp tục đứng ngoài quan sát. Trong khi đó, hoạt động giao dịch bên thị trường phái sinh vẫn sôi động hơn so với trung bình.
Theo kinh nghiệm của TVSI khi thị trường phái sinh bớt sôi động đi thì cơ hội hồi phục với thị trường cơ sở sẽ rõ rệt hơn. Phiên giao dịch ngày mai (19/05) áp lực điều chỉnh sẽ xuất hiện và chỉ phù hợp mua gia tăng trạng thái với các nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu rất thấp trong tài khoản (< 50% tài sản).
Tiếp tục đà tăng điểm với thanh khoản thấp
CTCK Asean (Aseansc): Thị trường hôm 18/05 ghi nhận phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh áp lực bán có phần gia tăng, số mã tăng giá vẫn chiếm ưu thế, thanh khoản giảm nhẹ và thấp hơn trung bình 20 phiên. Việc thanh khoản ở mức thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng sau chuỗi ngày giảm điểm mạnh trước đó.
Tuy nhiên, Aseansc cho rằng thị trường vẫn có thể tiếp tục đà tăng điểm với thanh khoản thấp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần lưu ý rằng, ngày mai, thứ Năm (19/05) là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 5, và có thể xảy ra biến động mạnh về cuối phiên.
Dự báo trong phiên giao dịch tới 19/05, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm để kiểm định vùng kháng cự gần 1,245-1,250 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1,255-1,260 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.
Quay lại vùng 1,200 điểm
CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN): YSVN cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh và chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động gần vùng 1,200 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy các chỉ số có thể sẽ biến động hẹp với khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp hoặc dòng tiền có thế sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng nhẹ, nhưng trạng thái tâm lý vẫn chưa xác nhận tích cực hoàn toàn trở lại cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn chưa nên mua vào giai đoạn này.
Thanh khoản vẫn còn ở mức thấp
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): SHS nhận định với việc chỉ số VN-Index tiếp tục kết phiên ngưỡng 1,200 điểm phiên thứ hai liên tiếp thì trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tiếp tục nằm trong sóng hồi phục b với target đầu tiên theo lý thuyết quanh ngưỡng 1,300 điểm (fibonacci retracement 38.2% sóng điều chỉnh a). Tuy nhiên, nếu thị trường suy yếu trở lại và VN-Index không thể giữ được ngưỡng 1,200 điểm (fibonacci retracement 38.2% sóng tăng 5) thì thị trường sẽ một lần nữa quay trở lại sóng điều chỉnh a.
Tâm lý nhà đầu tư đã trở nên thoải mái hơn sau hai phiên hồi phục liên tiếp nhưng với việc thanh khoản vẫn ở mức thấp thì cho thấy nhà đầu tư vẫn còn khá dè dặt trong việc quay trở lại thị trường sau nhịp giảm mạnh 24% (từ 1,530 điểm về 1,160 điểm) trước đó.
SHS đánh giá thị trường vẫn ở mức hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn với P/E của VN-Index và VN30 khoảng 13 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm gần nhất.
Hàn Đông
FILI
|