Giá vàng ngày 25.5.2022: Dự báo 'quay xe', tăng lên 140 triệu đồng/lượng
Sau khi mức giá dự báo 28 triệu đồng/lượng chưa hết gây “sốc”, một tổ chức châu Âu mới đây đưa ra dự báo giá quốc tế có thể đạt 5.000 USD/ounce, tương đương 140 triệu đồng/lượng vào cuối thập kỷ.
Các đơn vị kinh doanh “đứng hình” giá vàng miếng SJC vào sáng 25.5, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, Eximbank giữ yên giá mua ở mức 69 triệu đồng/lượng và bán ra 69,9 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng tăng giá mua vàng miếng thêm 50.000 đồng/lượng, lên 69,6 triệu đồng/lượng, chiều bán ra tăng 150.000 đồng/lượng, lên 70,1 triệu đồng/lượng. Trong những ngày qua, giá vàng trong nước tăng chậm hơn quốc tế đã kéo khoảng cách chênh lệch, vàng SJC cao hơn thế giới còn 17,75 triệu đồng/lượng thay vì trên 18 triệu đồng/lượng trước đó.
|
Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới xuống dưới 18 triệu đồng/lượng. T.Xuân
|
Giá vàng quốc tế sáng 25.5 tăng 7 USD/ounce, lên 1.864 USD/ounce. Các nhà đầu tư vàng đã quay lại thị trường khi chứng khoán bị bán tháo. Chỉ số Nasdaq giảm 2,4% xuống 11.264,45 điểm; S&P 500 giảm 0,8% còn 3.941,48 điểm; chỉ số Dow Jones tăng 48,4 điểm, tương đương 0,2% (sau khi giảm mạnh có lúc lên 1,6%), lên 31.928,62 điểm. Lo ngại về suy thoái kinh tế của Mỹ đang gia tăng sau khi một số dữ liệu kinh tế lạc quan của Mỹ được công bố đã dẫn đến hành động bán ra của các nhà đầu tư chứng khoán.
Báo cáo Gold We Trust của Incrementum AG vẫn khá lạc quan về giá vàng vì lạm phát gia tăng có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái và tạo ra môi trường lạm phát đình trệ. Công ty đầu tư châu Âu này đã đưa ra nhận định vàng vẫn đang trên đà kết thúc năm trên 2.000 USD/ounce và đẩy lên gần 5.000 USD/ounce (khoảng 140 triệu đồng/lượng) vào cuối thập kỷ. Việc bình thường hóa các chính sách tiền tệ trên toàn thế giới đang bắt đầu phơi bày những vấn đề lớn trong nền kinh tế toàn cầu vốn được gây ra bởi chính sách tiền tệ nới lỏng và lượng thanh khoản khổng lồ. Incrementum chỉ ra rằng trong số 20 chu kỳ thắt chặt gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chỉ có ba chu kỳ chưa kết thúc trong suy thoái. Fed có nguy cơ đánh giá quá cao tác động của việc tăng lãi suất và cắt giảm bảng cân đối kế toán đối với việc kiềm chế lạm phát, cũng như họ đã đánh giá thấp tác động của việc cắt giảm lãi suất đối với việc thúc đẩy lạm phát. Với lạm phát dự kiến sẽ giữ trên 5% cho đến năm 2022, thị trường chứng khoán có thể sẽ thua lỗ thêm trong năm nay. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số S&P 500 đã mất 18%, xuống dưới 4.000 điểm, giá vàng tăng 1% trong năm do giá đẩy trở lại trên ngưỡng kháng cự quan trọng 1.850 USD/ounce. Việc nắm giữ các kim loại quý đã được chứng minh là tạo ra một bước đệm cho những tổn thất đó.
Triển vọng tăng giá của vàng được đưa ra do giá đã gặp khó khăn trong quý thứ hai khi các thị trường tập trung vào kế hoạch tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed. Các thị trường đang dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất lên 3% vào cuối năm nay. Mặc dù lãi suất sẽ tiếp tục cao hơn, các nhà phân tích cho biết họ không kỳ vọng xu hướng này sẽ bền vững khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và thanh khoản thị trường cạn kiệt.
Trong khi vàng sẽ tiếp tục phát triển tốt như một rủi ro quan trọng và phòng ngừa lạm phát trong thời gian tới, các nhà phân tích cũng nhìn thấy tiềm năng lâu dài khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã vẽ ra các ranh giới địa chính trị mới trên khắp thế giới. Các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ Mỹ và các đồng minh phương Tây đã vũ khí hóa đồng đô la Mỹ chống lại Nga, khiến một số quốc gia đánh giá lại vai trò đồng tiền dự trữ của thế giới của đồng bạc xanh. Vàng với tư cách là một nguồn dự trữ tiền tệ trung lập, sẽ trở thành một trong những đối tượng được hưởng lợi từ cuộc xung đột gay gắt giữa Đông và Tây. Vàng có thể sẽ được chấp nhận hơn nữa như một loại tiền tệ dự trữ ở nhiều quốc gia và ngày càng trở thành một mỏ neo của niềm tin và sức mua.
Thanh Xuân
Thanh niên
|