Giá thuê đất công nghiệp ở TP.HCM bỏ xa Hà Nội
Tính đến tháng 5, Cushman & Wakefield thống kê TP.HCM có giá thuê đất công nghiệp cao nhất cả nước, gần chạm mốc 200 USD/m2/kỳ thuê.
Chia sẻ tại diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2022 ngày 24/5, bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield - cho biết Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đang dẫn đầu giá thuê đất công nghiệp tại 3 miền.
Trong đó, TP.HCM hiện có mức giá cao nhất cả nước, lên đến 198 USD/m2 cho mỗi kỳ thuê, bỏ xa mặt bằng giá bình quân của khu vực trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu) - 135 USD/m2/kỳ thuê.
Trong khi đó, giá thuê đất công nghiệp ở Hà Nội và Đà Nẵng cũng chỉ mới đạt lần lượt 140 và 80 USD/m2/kỳ thuê.
Theo vị chuyên gia này, với lợi thế đi trước, bất động sản công nghiệp miền Nam luôn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng cũng như sức hấp dẫn, tập trung lượng lớn doanh nghiệp thuộc các ngành nghề truyền thống như cao su, nhựa, dệt may.
Đây cũng là điểm đến ưu tiên của các nhà sản xuất mới thâm nhập thị trường Việt Nam nhờ có TP.HCM. Vì vậy, tỷ lệ lấp đầy khu vực này đạt 89%.
Giá thuê đất công nghiệp ở TP.HCM hiện cao nhất cả nước, trong khi tập trung vào các ngành nghề thâm dụng lao động. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Mặc dù vậy, bà cho rằng thị trường phía Bắc mới là lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất trong làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
"Với hệ thống hạ tầng phát triển vượt bậc và đặc biệt là kết nối rất tốt với Trung Quốc, nên các khu kinh tế trọng điểm phía Bắc như là một phần mở rộng sản xuất và là phần nối dài của chuỗi cung ứng của các nhà máy sản xuất”, bà nhìn nhận.
Dữ liệu từ Cushman & Wakefield cho thấy hầu hết dự án khu công nghiệp thuộc 5 tỉnh trọng điểm phía Bắc đã được lấp đầy ổn định với tỷ lệ trung bình khoảng 80%, giá thuê bình quân đạt 109 USD/m2/kỳ hạn thuê. Trong đó, các ngành công nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng cao.
"Tuy nhiên, việc chỉ tập trung phát triển 1-2 lĩnh vực chính và bị chi phối bởi một số khách thuê lớn, điển hình như Samsung, có thể dẫn đến nguy cơ thiếu hụt cơ hội cạnh tranh cho các doanh nghiệp khác", bà Trang Bùi phân tích.
Trong lúc này, khu vực miền Trung thu hút sự chú ý của các nhà phát triển quốc tế nhờ quỹ đất lớn, giá đất cạnh tranh (34 USD/m2/kỳ thuê) và hệ thống cảng biển dày đặc. Tổng nguồn cung công nghiệp của 4 tỉnh, TP trọng điểm là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đạt hơn 7.500 ha, hiện có tỷ lệ lấp đầy khoảng 67%.
Trong đó, Đà Nẵng đang trở thành điểm nóng, khi Arevo Inc. (Mỹ) muốn xây dựng nhà máy sản xuất máy in 3D với tổng vốn đầu tư 135 triệu USD, còn United States Enterprises cũng dự kiến đặt nhà máy sản xuất chất bán dẫn trị giá 110 triệu USD tại đây.
Song song đó, Đà Nẵng cũng đón các dự án Trung tâm Nghiên cứu phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng vốn đầu tư 35 triệu USD, EPE Packaging Việt Nam vốn 300.000 USD...
Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh.
Hiện nay, cả nước có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 100.000 ha. Ông Lance Li, Tổng giám đốc BW Industrial, nhận định với những chỉ số vĩ mô tích cực thời gian qua, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ có triển vọng đón thêm nhiều dòng vốn mới trong năm nay. Trong đó, thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần kho bãi sẽ là động lực tăng trưởng mới.
Lan Anh
Zing.vn
|