Đồng Rúp Nga tăng giá lên đỉnh gần 7 năm so với Euro
Từ đầu năm đến nay, Rúp Nga đã tăng giá khoảng 30% so với USD, bất chấp nền kinh tế Nga đương đầu với áp lực lớn từ các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
|
Đồng Rúp Nga tăng giá hơn 6% so với đồng Euro trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (23/5), đạt mức cao nhất gần 7 năm, nhờ sự hỗ trợ của các biện pháp kiểm soát vốn, giá dầu cao, và một đợt đóng thuế sắp tới của doanh nghiệp Nga.
Theo tin từ Reuters, tỷ giá đồng Rúp so với Euro có lúc tăng 6,3% trong phiên đầu tuần, đạt mức 58,75 Rúp đổi 1 Euro, mức cao nhất kể từ tháng 6/2015.
Trong phiên này, đồng Rúp cũng có lúc tăng giá 4,6% so với đồng USD, đạt 57,47 Rúp đổi 1 USD. Hôm thứ Sáu vừa rồi, Rúp đạt 57,075 Rúp đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ cuối năm 2018.
Khi chiến tranh Nga-Ukraine, tỷ giá đồng Rúp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 121,5 Rúp đổi 1 USD. Đến hiện tại, tỷ giá Rúp đã tăng gấp hơn 2 lần so với đáy đó.
|
Từ đầu năm đến nay, Rúp Nga đã tăng giá khoảng 30% so với USD, bất chấp nền kinh tế Nga đương đầu với áp lực lớn từ các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt mà phương Tây áp lên nước này nhằm đáp trả việc Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Với mức tăng như vậy, Rúp là đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới, nhưng giới phân tích cho rằng thành quả này chủ yếu dựa vào các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt mà Moscow áp dụng kể từ khi có chiến tranh nhằm bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.
Một trong những biện pháp vốn đang áp dụng là daonh nghiệp xuất khẩu của Nga bắt buộc phải đổi ngoại tệ sang Rúp, trong bối cảnh sự trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) làm đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối gồm vàng và ngoại tệ của Nga.
Một báo cáo của Tinkoff Investments nói rằng chừng nào Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) và Chính phủ nước này còn duy trì các hạn chế như vậy, đồng Rúp còn tiếp tục tăng giá cao hơn trong trung hạn.
Việc Nga yêu cầu khách hàng mua khí đốt phải thanh toán bằng Rúp cũng là một động lực dẫn tới sự tăng giá của đồng tiền này. Nhiều công ty năng lượng trong khối EU đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mà Nga đưa ra để duy trì dòng chảy khí đốt.
|
“Đến gần mùa thu, tỷ giá đồng Rúp có thể bắt đầu đi vào ổn định ở ngưỡng 60-65 Rúp đổi 1 USD, khi hoạt động nhập khẩu hồi phục và các hạn chế có thể được gỡ”, báo cáo nhận định.
Các nhà phân tích của Otkritie Bank thì cho rằng đồng Rúp có thể tăng giá lên mức 55 Rúp đổi 1 USD trước khi suy yếu về mức 70-80 Rúp đổi 1 USD vào cuối năm.
Giới chuyên gia cũng cho rằng việc Nga yêu cầu khách hàng mua khí đốt phải thanh toán bằng Rúp cũng là một động lực dẫn tới sự tăng giá của Rúp. Trong khi các hướng dẫn của Liên minh châu Âu (EU) còn thiếu rõ ràng, nhiều công ty năng lượng trong khối này đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mà Nga đưa ra để duy trì dòng chảy khí đốt.
Cuối tuần vừa rồi, có thêm một nước châu Âu là Phần Lan bị Nga cắt khí đốt vì không chịu thanh toán tiền mua khí đốt bằng Rúp. Trước đó, đã có 2 nước EU khác bị Nga cắt khí đốt vì lý do tương tự là Ba Lan và Bulgaria.
Nguồn cung ngoại tệ từ các công ty xuất khẩu, giá dầu neo cao, và thời hạn đóng thuế cuối tháng sắp đến - tất cả đều đang hỗ trợ tỷ giá đồng Rúp, một báo cáo của BCS Express nhận định. Cuối tháng là thời hạn để các công ty xuất khẩu của Nga đổi ngoại tệ sang nội tệ để đóng các khoản thuế.
Tờ báo Nga Vedomosti ngày 23/5 dẫn nguồn thạo tin nói rằng CBR đã bắt đầu mua vào ngoại tệ để kiểm soát đà tăng giá quá mạnh của Rúp. Tuy nhiên, CBR phủ nhận thông tin này, nói rằng bài báo “không đúng sự thật”.
“Nếu CBR thực hiện sự can thiệp như vậy, hiệu ứng đối với tỷ giá đồng Rúp sẽ rõ ràng hơn”, các nhà nhân tích của Promsvyazbank nhận xét. “Tuy nhiên, thông tin đó cũng ảnh hưởng đến hành vi của thị trường và có thể khiến tỷ giá Rúp yếu đi”.
Khi chiến tranh Nga-Ukraine, tỷ giá đồng Rúp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 121,5 Rúp đổi 1 USD. Đến hiện tại, tỷ giá Rúp đã tăng gấp hơn 2 lần so với đáy đó.
An Huy
VnEconomy
|