Đóng dấu thử nghiệm để sàng lọc
Mặc dù cơ chế thử nghiệm có kiểm soát một số hoạt động công nghệ tài chính vẫn còn ở giai đoạn dự thảo và góp ý, trên thực tế nhiều hoạt động tương tự như thế đang tồn tại trên thị trường nước ta.
Ngay trong tờ trình dự thảo do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo cũng ghi nhận: “Số lượng các công ty có hoạt động hoặc tham gia cung ứng dịch vụ, giải pháp FinTech tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại với nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân”.
Thiết nghĩ cần chuẩn bị để một khi cơ chế chính thức ra đời, cơ quan quản lý nhà nước có những bước đi rõ ràng, minh bạch, công khai để xác định không chỉ những gì các đơn vị tham gia thử nghiệm được phép làm. Quan trọng hơn, đó là những gì các đơn vị không tham gia hay không đủ điều kiện tham gia được phép làm và không được phép làm.
Hiện nay, theo dự thảo, các tổ chức không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tham gia cơ chế thử nghiệm thì “hoạt động và tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành” nhưng dự thảo không giải thích rõ đối với sáu hoạt động FinTech thì pháp luật hiện đang quy định như thế nào. Không làm rõ điều này thì các tổ chức không tham gia thử nghiệm vẫn có thể núp bóng dịch vụ cho vay ngang hàng để cho vay nặng lãi, lừa đảo hay đòi nợ phi pháp.
Quan trọng hơn, trong dự thảo cơ chế thử nghiệm có đề cập đến “Ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán (Blockchain Technology, DLT) trong hoạt động ngân hàng” là một trong sáu giải pháp FinTech được phép thử nghiệm. Rất dễ xảy ra tình huống một tổ chức nào đó giới thiệu công nghệ blockchain ầm ĩ để tung ra các đồng tiền mã hóa trái phép mà dư luận vẫn có thể hiểu nhầm do tổ chức này không tham gia thử nghiệm nên không chịu sự ràng buộc của cơ chế thử nghiệm.
Đến đây chúng ta đã có thể rút ra kết luận cơ chế thử nghiệm có khả năng tạo ra tình huống bất hợp lý khi các đơn vị tham gia thử nghiệm thì chịu nhiều ràng buộc, còn nơi không tham gia hay không đủ điều kiện tham gia thì chưa chịu những chế tài nào ngoài “quy định pháp luật” chung chung.
Thiết nghĩ dự thảo nghị định có thể tiến thêm một bước mạnh mẽ nữa bằng cách quy định rõ hay nói đúng hơn là khẳng định lại những hoạt động nào theo luật pháp hiện hành là không được phép cung ứng, cho dù có hay không tham gia cơ chế thử nghiệm. Loại hình hoạt động nào đã được cấp phép và vẫn được tiếp tục hoạt động dù không tham gia thử nghiệm.
Nói cách khác, một khi cơ chế thử nghiệm chính thức ra đời, cơ quan quản lý cần cấm ngay các hoạt động cho vay ngang hàng trái phép, mang tính lừa đảo; các hoạt động phát hành tiền mã hóa sử dụng công nghệ blockchain; các sàn giao dịch tiền mã hóa… để tránh cho công chúng khỏi lúng túng, mơ hồ không phân biệt được đâu là loại dự án được phép thử nghiệm, đâu là dự án không ai cấp phép mà cứ quảng bá rộng rãi như thể đã được cấp phép đầy đủ.
Mục đích của cơ chế thử nghiệm có kiểm soát một số hoạt động công nghệ tài chính vừa bao gồm “thúc đẩy đổi mới sáng tạo” nhưng cũng có cả “ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh FinTech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ”. Dự thảo, vì thế, cần chú trọng cả vế sau bằng cách bổ sung những thông tin cần thiết cho người dân để tự bảo vệ mình.
TBKTSG
|