Doanh nghiệp săm lốp chưa thể “đề pa” mạnh mẽ trong quý đầu năm 2022
Dù tình hình dịch COVID-19 đã tạm thời được kiểm soát, quá trình sản xuất không cần phải thực hiện “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp săm lốp trong quý đầu năm 2022 dường như vẫn chưa thể bứt tốc hồi phục.
Tổng doanh thu của 3 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán gồm Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC), Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM) và Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) trong quý đầu năm 2022 ghi nhận 2,757 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, theo dữ liệu từ VietstockFinance. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận ròng chỉ ở mức 89 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%.
Kết quả kinh doanh của 3 DN săm lốp trong quý 1/2022 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Với việc diễn biến của dịch COVID-19 đã được kiểm soát, tình hình giao thương giữa các nước cũng như giữa các địa phương đã trở lại gần như bình thường. Các doanh nghiệp săm lốp đa phần đều tập trung vào thị trường xuất khẩu nên cũng hưởng lợi, doanh thu cải thiện đáng kể so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh nêu trên lại bị bào mòn đáng kể bởi nhiều loại chi phí tăng cao. Trong bối cảnh chiến sự giữa Nga và Ukraine diễn ra căng thẳng, các lệnh trừng phạt từ phương Tây cũng như sự đáp trả của Nga đã đẩy giá nhiều nguyên vật liệu leo thang. Giá vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp săm lốp theo đó cũng tăng đáng kể, chủ yếu là chi phí nguyên vật liệu.
Hệ quả, biên lãi gộp của DRC giảm từ 15% trong cùng kỳ xuống còn 10%, còn CSM giảm từ 18% xuống 16%, duy chỉ có SRC tăng từ 19% lên 21%.
Biên lãi gộp của 3 DN săm lốp trong quý 1/2022
Nguồn: VietstockFinance
|
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên về việc ứng phó với ảnh hưởng từ giá nguyên vật liệu tăng cao, Tổng Giám đốc CSM - ông Phạm Hồng Phú cho biết CSM đã bắt đầu dự trữ mủ cao su từ cuối năm 2021 - thời gian cây cao su rụng lá - nên đã đủ lượng cao su phục vụ sản xuất đến tháng 8 và 9/2022. Tuy nhiên, ông vẫn lo ngại về việc nhập khẩu than đen và dầu mỏ do ảnh hưởng từ tình hình chiến sự khu vực Đông Âu.
Ngoài ra, việc Trung Quốc kiên trì với chính sách “Zero COVID” khiến nhiều thành phố lớn bị phong tỏa đã phần nào ảnh hưởng đến giá cước vận chuyển khi xuất khẩu săm lốp. Bằng chứng là chi phí bán hàng của DRC tăng đến 38%. CSM thì nhờ đã ký hợp đồng gối đầu với nhiều đối tác từ trước nên không bị ảnh hưởng quá nhiều, chi phí bán hàng chỉ tăng 3%.
Về tình hình tài chính, có 2 điểm đáng chú ý ở các doanh nghiệp săm lốp đó là lượng tiền gửi và các khoản vay nợ đã tăng đáng kể.
Cụ thể, lượng tiền và tiền gửi của CSM ghi nhận 240 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 3, gấp 3 lần so với đầu năm, đồng nghĩa tăng 162 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng. Trong khi đó, tiền của DRC cũng tăng ở mức 28%. Về phía nợ vay, tổng vay nợ của CSM và DRC lần lượt tăng 15% và 35%, lên mức 2,630 tỷ đồng và 774 tỷ đồng, chiếm 82% và 51% tổng nợ phải trả. Mặt khác, giá trị hàng tồn kho lại không thay đổi quá nhiều, không có Công ty nào biến động quá 10%.
Biến động HTK của 3 DN săm lốp sau quý đầu năm 2022 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Tháng 4 vừa qua là thời gian nhiều công ty tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, trong đó có cả các doanh nghiệp săm lốp. Bên cạnh các chỉ tiêu kinh doanh, tình hình đầu tư các dự án cũng là vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm.
Đối với dự án nâng công suất nhà máy sản xuất lốp xe tải lên 1 triệu lốp/năm của DRC, dù được triển khai từ tháng 9/2021 nhưng đến tháng 4/2022 vẫn chưa hoàn tất. Theo ban lãnh đạo DRC, do doanh nghiệp có vốn Nhà nước nên các dự án thực hiện đều phải có trình tự và các thủ tục xét duyệt nhất định. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã khiến nhiều hoạt động của Công ty bị trì hoãn. Ban lãnh đạo đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ dự án.
Mặt khác, trong tháng 6 tới, DRC sẽ tổ chức hội thảo về sản phẩm lốp thương hiệu Dstar dành cho phân khúc xe khách, xe tải đường dài cũng như chính thức đưa sản phẩm này ra thị trường.
Trong khi đó, CSM sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu cho dòng lốp Advenza song sẽ tạm dừng dự án đầu tư nâng công suất lốp TBR lên 600 ngàn chiếc/năm vì sản lượng tiêu thụ hiện tại chưa đạt công suất giai đoạn 1 là 350 ngàn chiếc/năm. Việc tạm dừng đã được sự chấp thuận của cổ đông lớn - Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam. Tuy nhiên, tùy theo diễn biến thị trường, Công ty có thể triển khai tiếp tục dự án.
Hà Lễ
FILI
|