ĐHĐCĐ Vietjet: Kỳ vọng khôi phục 70% mảng đường bay quốc tế vào cuối năm 2022
Sáng ngày 28/05, ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) đã được tổ chức với nội dung xoay quanh kế hoạch kinh doanh năm 2022, phương án phát hành cổ phiếu cũng như việc bầu thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2022-2027.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Vietjet. Ảnh: VH
|
Năm 2021, dịch bệnh liên tục ập đến và bóp nghẹt ngành hàng không Việt Nam. “Khắc nghiệt” là cách ông Đinh Việt Phương, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc điều hành, mô tả tình hình ngành hàng không trong năm 2021. Bên cạnh rủi ro về COVID-19, Vietjet còn phải chịu giá nhiên liệu tăng mạnh.
“Nhiều tháng trong năm 2021, chúng ta phải hạn chế hoạt động khai thác hoạt động thương mại tối đa, chỉ có một số chuyến bay trong các đợt cao điểm tháng 7-8 để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Hãng hàng không gần như tê liệt cả ngành. Thực sự là một năm vô cùng khó khăn”, ông Đinh Việt Phương nhận định.
“Tuy vậy, Vietjet đã vượt qua năm 2021 với một tâm thế sẵn sàng quay lại với bầu trời, thích nghi với tình hình mới”.
Kế hoạch lãi hợp nhất 1,000 tỷ trong năm 2022
Năm 2022, thị trường hàng không được dự báo hồi phục mạnh khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), tổng số khách du lịch thế giới sẽ cán mốc 4 tỷ vào năm 2024, vượt mức trước dịch.
Ngoài ra, IATA dự báo thị trường nội địa của các nước sẽ phục hồi khoảng 93%, riêng thị trường Việt Nam được dự báo phục hồi 96%. Cùng với triển vọng lạc quan của nền kinh tế Việt Nam, Vietjet tin rằng năm 2022 sẽ là năm hồi phục và tạo đà tăng trưởng cho các năm kế tiếp.
“Đến nay, bức tranh hàng không đã có bước chuyển biến tích cực. Vietjet đã nhanh chóng khôi phục tất cả đường bay trong nước, tăng tải, tăng tần suất. Vietjet đã bay 400 chuyến mỗi ngày và tiếp tục tăng cường trong đợt cao điểm hè năm 2022”, ông Đinh Việt Phương chia sẻ.
Kế hoạch năm nay sẽ tiếp tục tăng số tàu bay lên 82 tàu bay, vượt qua 100 ngàn chuyến bay trong nước và quốc tế, nhanh chóng mở lại các đường bay quốc tế. “Hiện nay, chúng ta đã khôi phục tất cả đường bay quốc tế, trừ các đường bay tới Trung Quốc. Hơn thế nữa, Vietjet mở ra các đường bay quốc tế mới, chẳng hạn như các đường bay đi và đến Ấn Độ (Mumbai)”, ông Phương cho biết.
Cho năm 2022, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 32.72 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất 1,000 tỷ đồng, với kỳ vọng lượng khách hàng đạt 18 triệu khách.
Chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu riêng lẻ
Một nội dung cũng đáng chú ý tại đại hội lần này là kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ tối đa hơn 54 triệu cp, tương đương 10% tổng số cổ phiếu lưu hành của Vietjet. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Giá chào bán sẽ không thấp hơn giá đóng cửa bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp trên thị trường trước thời điểm chào bán. Thời gian chào bán là trong năm 2022 - 2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược, không hạn chế chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp với nhau. Số tiền thu được sẽ dùng để đầu tư, thuê, mua tàu bay, động cơ và trang thiết bị sửa chữa tàu bay, bổ sung nguồn thanh khoản và vốn lưu động.
Trong năm 2021, hãng hàng không này cũng thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ tối đa 15% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành nhưng đã không triển khai.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2021, Vietjet dự định chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Nếu phương án cổ tức được đại hội thông qua, Vietjet sẽ cần phát hành 108.3 triệu cp VJC mới.
Thảo luận:
Đã có giải pháp kiểm soát giá nhiên liệu tăng
Vietjet làm thế nào để tiếp tục cải thiện lợi nhuận biên khi giá xăng dầu tăng?
Phó Tổng Giám đốc Tô Việt Thắng: Đối với Vietjet, ngay từ chuyến bay đầu tiên cất cánh, việc quản trị chi phí khai thác ở mức thấp nhất đã là ưu tiên hàng đầu. Trong giai đoạn bình thường, giá nhiên liệu trong chi phí cấu thành chiếm 40%. Đặc biệt khi giá nhiên liệu tăng lên 100 USD/thùng như hiện nay, chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không đã lên trên 50% chi phí khai thác.
Không chỉ là ngày hôm nay, ngay ngày đầu tiên, chúng tôi đã triển khai đồng bộ các giải pháp để tiết kiệm nhiên liệu với đội bay trẻ và hiện đại của Vietjet. Với độ tuổi trung bình trên 3 năm, với đội tàu bay được trang bị những động cơ tiết kiệm nhiên liệu nhất, chúng tôi đã đạt được mức 17% trong việc tiết kiệm nhiên liệu với dòng tàu bay A321 của Vietjet.
Bên cạnh việc có vị thế về đội tàu bay, một loạt chương trình tiết kiệm nhiên liệu đã được triển khai toàn bộ. Đầu tiên, chúng tôi đã phối hợp với tập đoàn Safran để tiến hành phân tích đưa ra các giải pháp đồng bộ trong khai thác bay, khai thác mặt đất cũng như bảo dưỡng, lựa chọn chế độ bay phù hợp và tiết kiệm nhất, lựa chọn đường bay ngắn nhất…
Về tài chính, Vietjet lựa chọn các nhà cung cấp uy tín, có giá thấp và đặc biệt chất lượng trong công tác tra nạp nhiên liệu, đảm bảo hao hụt nhiên liệu ở mức thấp nhất.
Bên cạnh theo dõi sát giá nhiên liệu, Công ty cũng đưa ra các giải pháp như yêu cầu các phi công ở những sân bay quốc tế có giá nhiên liệu thấp thì tra nạp nhiều hơn. Tới nay, việc tăng giá nhiên liệu về cơ bản cũng đã được kiểm soát và không ảnh hưởng tới ưu thế cạnh tranh của Vietjet trên thị trường.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo: Vietjet bắt đầu bay khi giá nhiên liệu đạt trên 100 USD/thùng và chúng ta đã hoạt động có hiệu quả và có lãi với mức giá nhiên liệu cao như thế. Trong thời gian hoạt động vừa qua, giá nhiên liệu có lúc giảm xuống 10 USD/thùng nhưng nay đã trở lại trên 100 USD/thùng. Vietjet đã có những giải pháp, kịch bản để ứng phó với giá nhiên liệu.
Về biện pháp tài chính, chúng ta sẵn sàng hedging xăng dầu với khối lượng khoảng 30% nhu cầu sử dụng trong 6 tháng để đạt được chi phí kiểm soát nhất định. Về mua sắm, Vietjet sẵn sàng các chương trình mua dự trữ nhiên liệu khi mà đạt mức giá nhiên liệu được đánh giá là đảm bảo chi phí nhiên liệu vận hành của hãng.
Về mặt hoạt động thương mại, chúng ta có chính sách phụ thu xăng dầu. Với tất cả những chỉ số, những ảnh hưởng khác nhau của giá xăng dầu thì ban điều hành của công ty đã xét tới các ảnh hưởng này trong kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Chia sẻ về đơn hàng máy bay của Vietjet?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo: Vietjet đang có 2 đơn đặt hàng lớn với hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu trên thế giới là Airbus và Boeing. Mỗi đơn hàng đều có số lượng tàu bay trên dưới 200 chiếc. Đây là những tàu bay mới nhất, hiện đại nhất, tiện nghi nhất và tiết kiệm nhiên liệu nhất.
Đối với đơn hàng của Airbus, chúng ta đã nhận và khai thác gần 100 máy bay và những chiếc tàu bay này đã góp phần quan trọng vào thành công trong thời gian qua.
Hiệu quả về tiết kiệm nhiên liệu và hiệu quả về tiện nghi và tính năng hiện đại cũng đã được Vietjet phát huy qua các giao dịch thu xếp tài chính máy bay trên thị trường thế giới. Với những đơn đặt hàng lớn và năng lực mạnh mẽ như Vietjet, chúng ta có những điều kiện xứng đáng với hãng về giá cả thương mại, về hỗ trợ kỹ thuật, huấn luyện đào tạo, hỗ trợ công tác phát triển khu vực hoạt động thành những trung tâm dịch vụ hàng không khu vực và thế giới.
Tất cả những lợi thế thương mại này trong những hợp đồng giao dịch tàu bay lớn được phản ánh vào kết quả hoạt động về mặt thu xếp tài chính máy bay, thương mại và hoạt động khai thác của Vietjet.
Đến cuối năm 2022, kỳ vọng khôi phục lại 70% mảng đường bay quốc tế
Chia sẻ về mảng bay quốc tế?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo: Mảng bay quốc tế chiếm gần 50% doanh thu của Vietjet trong thời gian vừa qua, với hơn 100 đường bay quốc tế.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thúy Bình: Trước thời kỳ COVID-19, Vietjet đã khai thác đến 13 nước và mạng đường bay quốc tế của chúng tôi chiếm 65% tổng mạng đường bay. Tại thời điểm đó, mảng bay quốc tế đã chiếm gần 70% doanh thu Vietjet. Tuy nhiên, COVID-19 đã làm thay đổi điều đó.
Bắt đầu từ năm 2022, chúng tôi kỳ vọng vào kế hoạch mở rộng, khôi phục lại mạng đường bay nội địa và quốc tế. Về nội địa, thị trường Việt Nam đã hồi phục rất nhanh và kỳ vọng ngay cuối năm 2022 sẽ hồi phục 100%.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thúy Bình trả lời câu hỏi từ cổ đông. Ảnh: VH
|
Thị trường quốc tế cũng xuất hiện những tín hiệu tốt khi nhiều nước hiện đã nới các điều kiện và dở bỏ các quy định về cách ly. Chúng tôi đang từng bước khôi phục lại các mạng đường bay, trước tiên là trong khu vực châu Á và kế đó là các đường bay trong khu vực Đông Bắc Á sẽ được mở rộng, nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản. Ấn Độ cũng là một thị trường rất tiềm năng, Vietjet đã mở đường bay tới Ấn Độ trong quý 2/2022. Đến cuối năm 2022, chúng tôi kỳ vọng khôi phục lại 70% mảng đường bay quốc tế.
Bên cạnh các đường bay quốc tế trước COVID-19, Vietjet còn có kế hoạch mở rộng các đường bay bằng hình thức Codeshares, Interline với các hãng hàng không trên thế giới. Với đội tàu bay thân rộng mới đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2021, chúng tôi còn mở rộng đường bay dài hơn nữa.
Hy vọng năm 2022 sẽ là năm phục vụ được số lượng khách hàng bay xa hơn và nhiều hơn với các trung tâm lớn ở Tp.HCM, Hà Nội và thêm một trung tâm rất tiềm năng là Bangkok. Vietjet sẽ kết nối mạng bay phủ khắp không những ở châu Á mà đến các nước trên thế giới.
Chia sẻ về doanh thu và lợi nhuận của mảng vận chuyển hàng hóa?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo: Doanh thu và thu nhập từ vận chuyển hàng hóa được phân loại là doanh thu phụ trợ. Vì chúng ta không tốn thêm chi phí đi theo các chuyến bay vận chuyển hành khách, gần như doanh thu từ hoạt động vận chuyển hàng hóa đều là lợi nhuận. Thời gian vừa qua, doanh thu từ vận chuyển hàng hóa chiếm 50% tổng doanh thu thương mại của vận tải hàng không Vietjet.
Khi xảy ra đại dịch, Vietjet hết sức khẩn trương chuyển đổi máy bay hành khách sang máy bay vận tải. Vietjet đạt được tỷ lệ tăng trưởng rất cao đối với vận tải hàng hóa. Riêng doanh thu vận tải hàng hóa, bao gồm cả chuyển phát nhanh, e-logistics, ứng dụng công nghệ trên nền tảng Swift 247 đạt được đã lên tới hàng trăm triệu USD. Đây là một lĩnh vực hết sức triển vọng và khả quan.
Trong dịch bệnh, chúng ta vừa chuyển đổi cấu hình tàu bay, vừa tăng cường thêm các dịch vụ ứng dụng công nghệ với mảng vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện. Đây là minh chứng cho sự năng động, linh hoạt, năng lực thích ứng của Vietjet trước những thay đổi của điều kiện thị trường.
Tới đây, Vietjet đang nghiên cứu phát triển bổ sung thêm các tàu bay hàng hóa. Mảng vận chuyển hàng hóa, e-logistics, chuyển phát nhanh, vận chuyển có đảm bảo và có giá trị cao, trong thời gian tới sẽ là một mảng kinh doanh trọng điểm của Vietjet và chắc chắn sẽ mang lại sự cải thiện về lợi nhuận biên của mảng vận chuyển hàng không.
Liệu có gọi vốn và IPO mảng vận chuyển hàng hóa hay không?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo: Đối với Vietjet, kế hoạch gọi vốn và IPO sẽ tới, chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực nếu kịp sẽ triển khai trong năm nay. Nếu chậm hơn, Vietjet sẽ chuyển sang các quý đầu tiên của năm tới.
Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.
Bài cập nhật
Vũ Hạo
FILI
|