Có quá nhiều câu hỏi “như thế nào” được đặt ra khi nói về sự chậm trễ của cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, trong khi câu hỏi mấu chốt để thúc đẩy tiến trình này là “tại sao”...
Tại Hội thảo được tổ chức ngày 17/5 vừa qua ở Bộ Tài chính về cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều vấn đề lại được xới lên. Tuy vậy, các vấn đề hầu như chỉ tập trung ở phần ngọn mà chưa đặt trọng tâm vào những gốc rễ quan trọng. Các câu hỏi “tại sao” nên được đặt ra trước các câu hỏi “như thế nào”.
TẠI SAO PHẢI CỔ PHẦN HÓA VÀ THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC Ở NHỮNG DOANH NGHIỆP CÓ HIỆU QUẢ?
Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước là một chính sách quan trọng của Đảng và Chính phủ nhằm tối ưu hóa các nguồn lực kinh tế, đảm bảo thực hiện được các mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội trong quá trình phát triển của đất nước.
Ông Võ Đình Trí, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Paris) và AVSE Global.
|
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được đẩy mạnh trong giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020. Cùng với quá trình này là việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP.
Kết quả là số lượng doanh nghiệp nhà nước hiện nay chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Số liệu tại thời điểm 31/12/2020 của Tổng cục Thống kê cho biết tổng số doanh nghiệp nhà nước là gần 2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp của cả nước, so với năm 2016 thì đã giảm 25,1%.
Tuy số lượng doanh nghiệp ít nhưng vì có quy mô lớn nên các doanh nghiệp nhà nước chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Như sách trắng doanh nghiệp năm 2021 cho biết tỷ trọng này là 22,2%.
Việc cơ cấu lại tỷ lệ sở hữu của Nhà nước hay các khoản đầu tư của Nhà nước chỉ thực hiện khi kết quả kinh doanh không có hiệu quả, mà ở đây là bị thua lỗ. Còn trong trường hợp kém hiệu quả hơn các khu vực kinh tế khác nhưng vẫn có lợi nhuận thì không nhất thiết phải cổ phần hóa hay thoái vốn, vì bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh còn là các nhiệm vụ chính trị - xã hội khác.
Chính vì vậy mà không nên vì áp lực chỉ tiêu số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa hay số trường hợp thoái vốn mà để chính sách bị trục lợi. Rõ ràng nếu một doanh nghiệp hay một khoản đầu tư đang hiệu quả thì tại sao phải chuyển nhượng cho người khác? Nếu không có ý định ẩn giấu phía sau là chuyển tài sản công thành tài sản tư.
TẠI SAO KHÔNG ĐỊNH GIÁ CÔNG KHAI VÀ THEO NGUYÊN TẮC THỊ TRƯỜNG?
Một trong các trở ngại lớn nhất hiện nay trong việc cổ phần hóa và thoái vốn là định giá tài sản, đặc biệt là giá trị của bất động sản gắn liền với doanh nghiệp. Vấn đề này cũng đã xảy ra ở nhiều nước khác trên thế giới và đã có nhiều bài học kinh nghiệm rút ra.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) năm 2019 đã có một hướng dẫn khá chi tiết về quá trình cổ phần hóa dành cho các nhà hoạch định chính sách. Theo đó, các bước của quá trình cổ phần hóa nhằm ngăn ngừa tham nhũng, đảm bảo sự liêm chính bao gồm việc thiết lập các nguyên tắc, các thước đo, tổ chức quy trình và những việc cần làm sau cổ phần hóa.
Trong mỗi bước, có những câu hỏi quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách cần phải trả lời nhằm đảm bảo các mục tiêu ban đầu không bị sai lệch, lợi ích của Nhà nước và xã hội không bị xâm phạm.
Riêng về vấn đề định giá, nguyên tắc giá thị trường công bằng (fair market value) có được tuân thủ? Mặc dù có nhiều phương pháp định giá khác nhau nhưng nếu kết quả của hai hay nhiều phương pháp có kết quả sai lệch thấp thì nên chọn phương pháp được dùng phổ biến hơn. Ví dụ như giá thị trường của vốn chủ sở hữu sau khi lấy tài sản trừ đi nợ và các khoản phải trả, so sánh với doanh nghiệp cùng ngành (peer-based), hay phương pháp chiết khấu dòng tiền.
Việc xác định bên chịu trách nhiệm chính trong định giá cũng rất quan trọng. Nếu là một đơn vị độc lập bên ngoài thì có đảm bảo nguyên tắc xung đột lợi ích không bị vi phạm? Nếu là một ủy ban được thành lập thuộc Chính phủ thì các thành viên có đủ mức độ độc lập và đủ chuyên môn để đưa ra các đề nghị?
Kinh nghiệm trong việc định giá ở một số nước còn là xác định mức giá tối thiểu của tài sản (reservation price) khi đấu giá, lựa chọn phương pháp định giá phù hợp với loại tài sản. Lấy ví dụ như tài sản là bất động sản thì sẽ là giá tham chiếu theo thị trường của khu vực mà bất động sản có vị trí ở đó. Giá của một bất động sản ở vị trí trung tâm đắt địa chắc chắn phải cao hơn nhiều so với những khu vực khác kém lợi thế hơn.
Như vậy, vấn đề cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ở Việt Nam nên tập trung vào 2 câu hỏi tại sao như vừa đề cập ở trên. Không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng cần cổ phần hóa khi mà những doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động hiệu quả. Việc định giá bất động sản gắn liền với doanh nghiệp khi cổ phần hóa hay thoái vốn cần phải thực hiện minh bạch công khai, theo nguyên tắc giá thị trường công bằng và đảm bảo yếu tố con người tham gia vào quá trình này là không có xung đột lợi ích.
Một khi đã có các nguyên tắc và quy trình rõ ràng, minh bạch thì việc cổ phần hóa hay thoái vốn nếu có thực hiện cũng sẽ đảm bảo được lợi ích của Nhà nước và xã hội. Vấn đề còn lại chỉ là có thực hiện đúng hay không và cái giá phải trả nếu vi phạm có đủ tính răn đe đủ mạnh hay không. Còn với các giải pháp và kinh nghiệm của nhiều nước đã đi trước, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi và điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh của mình.
-----
(*) Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Paris) và AVSE Global.
TS. Võ Đình Trí *