Cổ phiếu - rẻ hay chưa?
Nằm trong nhóm thị trường giảm mạnh nhất trong một tháng rưỡi qua, chứng khoán Việt Nam có vẻ như đã đủ rẻ để thu hút nhà đầu tư mua vào, thể hiện qua những phiên bật lại mạnh mẽ trong tuần trước, cũng như nhận định của hàng loạt chuyên gia gần đây.
Đã rẻ?
Đánh giá về đợt lao dốc không phanh vừa qua, Dragon Capital cho rằng tâm lý nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng sau các vụ giao dịch cổ phiếu không minh bạch ở một số công ty và các bất cập liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Ngoài ra, các công ty chứng khoán (CTCK) đã phải hạ tỷ lệ tự doanh, cho vay ký quỹ và chuẩn bị tiền do phải mua lại trái phiếu trước hạn theo cam kết.
Dragon Capital cho rằng hệ số P/E (giá/lợi nhuận một cổ phiếu) hiện đã về mức giá khá rẻ với 11.x lần ở vùng chỉ số 1.200 điểm, dưới mức trung bình 12 năm. Đồng thời, các chỉ báo về kỹ thuật cũng đã về vùng quá bán cùng mức thanh khoản xuống thấp đáng kể, giảm 40% so với bình quân 2021. Trái ngược với đà bán của nhà đầu tư cá nhân trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 5.700 tỉ đồng kể từ đầu tháng 4.
Với việc thị trường đã giảm quá nhanh và quá mạnh chỉ trong thời gian ngắn, trong đó không chỉ nhóm cổ phiếu đầu cơ mà cả nhóm cổ phiếu cơ bản cũng lao dốc theo do hiệu ứng “call margin chéo”- tức dùng các mã cổ phiếu khác có thanh khoản hơn hoặc giá giảm ít hơn để bán ra cứu các mã đang bị call margin trong danh mục, dễ hiểu vì sao nhiều nhà đầu tư thấy thị trường nói chung cũng như nhiều mã cổ phiếu nói riêng đã rớt về mức giá đầy hấp dẫn và được xem là đủ rẻ để mua vào trong dài hạn.
|
Dragon Capital đánh giá nền kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, có tiềm năng tăng trưởng. Năm 2022 dự báo tăng trưởng lợi nhuận của toàn thị trường là khá chắc chắn với mức dự kiến trên 20%.
Với định giá thấp như hiện nay, nhà đầu tư nên cân nhắc tận dụng cơ hội để đầu tư. Lịch sử cho thấy sau các đợt điều chỉnh lớn trong 10 năm gần đây, thị trường đều hồi phục mạnh mẽ và chinh phục các mốc đỉnh mới. Đối với các nhà đầu tư mới và dòng tiền mới, đây là cơ hội để đầu tư.
Đồng quan điểm, PYN Fund Management Ltd, công ty quản lý quỹ Phần Lan có kinh nghiệm 23 năm ở châu Á, cho rằng định giá chứng khoán Việt Nam rất hấp dẫn khi P/E dự phóng chưa đến 11.
Cụ thể, đợt sụt giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay khiến định giá thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên không hợp lý khi P/E dự phóng đã giảm một mạch từ 14,1 xuống 10,9, dù tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quí đầu năm lên đến 31% và kịch bản thận trọng cho cả năm là 19-29%. Trong khi đó, P/E bình quân năm năm qua ở mức 16,5 và trong những giai đoạn lợi nhuận tăng trưởng mạnh thì có thời điểm lên đến 20.
Về cơ bản, P/E là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa thị giá và thu nhập trên mỗi cổ phiếu, thể hiện mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu. Ngoài ra, P/E dự phóng là chỉ số tương quan giữa giá hiện tại với thu nhập ước tính trong 12 tháng tiếp theo. Thông thường, một thị trường/cổ phiếu có P/E thấp được xem là rẻ và hấp dẫn.
Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc CTCK HSC, trong một chia sẻ mới đây cũng cho rằng, đầu tư dài hạn nên nhìn vào lợi nhuận doanh nghiệp, mức giá theo PE 10 hay 12 lần, tăng trưởng lợi nhuận 15% trở lên, mua để vài ba năm có thể là khoản đầu tư tốt. Các ngành có thể cân nhắc như năng lượng, tiêu dùng, tài chính ngân hàng, chứng khoán.
“Với tôi, ở thị trường quốc tế như Mỹ và châu Âu vẫn là xu hướng đi xuống. Thị trường Việt Nam đã đi xuống khá rồi, vẫn có khả năng xuống tiếp. Nhưng kinh tế kỳ vọng tăng trưởng 6-7% trong năm nay và còn tốt hơn ở năm sau, với độ tự tin đạt được khá cao thì vùng này chúng ta có thể mua được”, ông Giang chia sẻ.
Nhưng rẻ rồi vẫn có thể rẻ hơn?
Với việc thị trường đã giảm quá nhanh và quá mạnh chỉ trong thời gian ngắn, trong đó không chỉ nhóm cổ phiếu đầu cơ mà cả nhóm cổ phiếu cơ bản cũng lao dốc theo do hiệu ứng “call margin chéo”- tức dùng các mã cổ phiếu khác có thanh khoản hơn hoặc giá giảm ít hơn để bán ra cứu các mã đang bị call margin trong danh mục, dễ hiểu vì sao nhiều nhà đầu tư thấy thị trường nói chung cũng như nhiều mã cổ phiếu nói riêng đã rớt về mức giá đầy hấp dẫn và được xem là đủ rẻ để mua vào trong dài hạn.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc thị trường đã xác lập đáy và hoàn toàn thoát khỏi xu hướng giảm trong trung hạn, mà vẫn có khả năng các đợt điều chỉnh tiếp theo đang ở phía trước, sau các nỗ lực phục hồi ngắn hạn, khiến giá cổ phiếu đã rẻ rồi vẫn còn có thể rẻ hơn trong thời gian tới.
Trước xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, áp lực lạm phát và các giải pháp kiểm soát chặt dòng tiền đổ vào các kênh đầu tư rủi ro, nguy cơ đứt gãy dòng tiền trong nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, thị trường chứng khoán đang phải đối mặt với không ít thách thức.
Như CTCK VNDirect đánh giá, trong điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, cụ thể là chính sách thắt chặt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), triển vọng tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn.
Lãi suất đô la Mỹ tăng gây áp lực lên lãi suất trong nước, theo đó, lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng dự kiến sẽ tăng thêm 20-40 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm. Đô la Mỹ mạnh lên ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của Việt Nam và làm tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp.
Dù vậy, vì không thể biết được khi nào là đáy, nên giới phân tích vẫn cho rằng có thể mua dần vào đối với chiến lược đầu tư dài hạn. Đơn cử như CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng trong kịch bản tích cực VN-Index có thể hồi phục lên các mức kháng cự tại 1.370 điểm và 1.420 điểm; ngược lại, ở kịch bản tiêu cực chỉ số VN-Index có thể bước vào một nhịp giảm điểm mới với ngưỡng hỗ trợ mạnh được kỳ vọng nằm quanh mốc 1.130-1.150 điểm.
Cũng theo VCSC, ở vùng quanh 1.100 điểm “những cơ hội mua vào sẽ trở nên ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư theo trường phái giá trị”. Mặc dù vậy, theo VCSC, việc mua vào đối với chiến lược đầu tư dài hạn cũng nên được thực hiện từng phần để đảm bảo duy trì đủ dòng tiền giải ngân cho đến khi thị trường phát ra tín hiệu tạo đáy. VCSC cũng khuyến nghị nhiều cổ phiếu với mức sinh lời trên 50% như: IDC, TCB, LHG, SSI, HDG, DXS, STB, HSG, LPB, PLX, CTG, BSR, CTD, HPG, CII, DXG, GVR, PVT, CTR, KBC, VHM, VPB, PVD, DCM, MSN, POW, SZC, NKG, PVS. ACB.
Còn trong báo cáo quan điểm đầu tư tháng 5 với chủ đề “Cơ hội hiếm có”, CTCK Everest (EVS) đã chỉ ra ba kịch bản cho chỉ số VN-Index nửa cuối năm 2022. Đối với kịch bản cơ sở, Everest dự phóng VN-Index có thể đạt 1.514 điểm với P/E kỳ vọng năm 2022 đạt 14,01 lần. Hơn nữa, nhận định mức tăng trưởng toàn thị trường là 29,2% trong sáu tháng rưỡi cuối năm rất hấp dẫn, EVS khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc tăng tỷ trọng danh mục vào các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, tăng trưởng lợi nhuận cao (>30%) và thị giá đã điều chỉnh sâu thời gian qua.
Đối với kịch bản tích cực, EVS dự báo VN-Index có thể đạt mức 1.755 điểm (tăng trưởng 48,5% tính từ thời điểm hiện tại), P/E quay về 16,43.
Ở kịch bản tiêu cực, EVS chỉ ra các yếu tố vĩ mô xấu đi nhanh chóng, doanh nghiệp khó khăn khi đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao, nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường hay khối ngoại quay lại bán ròng. Theo đó, EVS dự báo chỉ số VN-Index duy trì ở mức 1.270 điểm, P/E quay về vùng 10,36, tăng trưởng lợi nhuận còn 22%.
Có thể thấy với cả ba kịch bản, VN-Index đều có triển vọng tăng trưởng từ nay cho tới cuối năm, EVS đánh giá rằng “thời gian qua thị trường chung đã điều chỉnh quá đà và đây là cơ hội rất tốt để các nhà đầu tư dài hạn tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục tài sản đầu tư của mình”.
Triêu Dương
TBKTSG
|