Bài toán khó tỷ giá
Sự mất giá mạnh của nhân dân tệ so với tiền đồng tạo ra lợi thế không nhỏ cho hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc không chỉ trên thị trường trong nước của Việt Nam mà còn tại các thị trường quốc tế mà Việt Nam đang xuất khẩu sang. Cái khó của giải pháp phá giá tiền đồng để cân bằng sức cạnh tranh là nó sẽ làm tăng áp lực lạm phát tại Việt Nam.
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm đã làm tăng thêm sức hấp dẫn của đô la Mỹ. Điều này cùng với áp lực lạm phát tăng cao trên toàn cầu từ các đợt cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới trước đó và sự hiện diện của các cú sốc cung và tắc nghẽn logistics đã buộc nhiều ngân hàng trung ương phải siết lại chính sách tiền tệ của mình, vừa để giảm áp lực lạm phát, đồng thời cũng gián tiếp củng cố tỷ giá bản tệ.
Tuy nhiên, có một số nước lại “lội ngược dòng” trào lưu này, tiếp tục duy trì, thậm chí là hạ lãi suất cơ bản, chủ yếu bởi quan ngại sự phục hồi kinh tế trong nước có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi tỷ giá bản tệ so với đô la Mỹ mạnh lên. Điều này làm cho tỷ giá bản tệ của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, suy yếu đáng kể so với cuối năm trước (lần lượt là 13,49%, 4,72% và 4,61%; xem bảng), trong khi bản tệ của một số nước khác trong khu vực chỉ mất giá ở mức độ khiêm tốn hơn nhiều, mà điển hình là tiền đồng (VND – chỉ giảm 1,02% như trong bảng).
Vì Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nên sự mất giá mạnh của bản tệ của họ (nhân dân tệ – CNY; 4,61%) so với tiền đồng (1,02%) rõ ràng đã và đang tạo ra lợi thế không nhỏ cho hàng hóa và dịch vụ của họ không chỉ trên thị trường trong nước của Việt Nam mà còn tại các thị trường quốc tế mà Việt Nam đang xuất khẩu sang, tất nhiên bao gồm cả thị trường Trung Quốc.
Trước thực tế này, và như thường lệ, một số chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu sang/từ các nước ngoài Trung Quốc để tránh bất lợi trong sức cạnh tranh đến từ tỷ giá.
Dĩ nhiên là nói dễ hơn làm. Việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu đã được xúc tiến liên tục từ nhiều năm nay, như được thể hiện một phần qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương của Việt Nam với các nước và khu vực kinh tế trên thế giới, nhưng kết quả thì vẫn là sự… khẳng định vị trí và sức cạnh tranh thương mại khó có thể lung lay của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Nếu đô la Mỹ tiếp tục mạnh lên và các đồng bản tệ khác tiếp tục suy yếu thì tiền đồng cũng sẽ chỉ được phá giá thêm ở mức độ rất khiêm tốn trong phần còn lại của năm nay so với đô la Mỹ.
|
Ngoài ra, cần lưu ý rằng Trung Quốc cũng chính là một thành viên của RCEP, một hiệp định thương mại đa phương mới được ký kết gần đây mà Việt Nam cũng là một thành viên. Bởi vậy, công cụ đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam nhằm hóa giải sức cạnh tranh tăng lên từ Trung Quốc trong bối cảnh tỷ giá nhân dân tệ suy yếu mạnh hơn so với tỷ giá tiền đồng thực sự đã trở nên không còn mấy ý nghĩa.
Trong bối cảnh này, một giải pháp hiển nhiên khác cần và có thể nghĩ đến là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để tiền đồng suy yếu mạnh tương đương hoặc hơn so với mức suy yếu của nhân dân tệ, qua đó duy trì được cán cân sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam so với Trung Quốc.
Cái khó của giải pháp này là nó sẽ làm tăng áp lực lạm phát tại Việt Nam, vốn đang trên đà gia tăng mấy tháng gần đây.
Từ góc độ của NHNN, với sứ mệnh ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vẫn có thể là một ưu tiên tại thời điểm hiện tại, bởi tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay vẫn đang tiếp tục rõ nét, và bởi nền kinh tế thực không có mấy dấu hiệu thiếu tiền nếu căn cứ vào sự sốt nóng của thị trường bất động sản (và thị trường chứng khoán, cho đến khi có các vụ bắt bớ) – là biểu hiện của sự dư thừa cung tiền và khả năng hấp thụ tín dụng có hạn của nền kinh tế thực.
Nhưng từ góc độ của một số nhà làm chính sách, tăng trưởng kinh tế từ đầu năm tuy đã khởi sắc nhưng chưa đủ để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng đặt ra cho năm nay (6-7%), đặc biệt là khi NHNN phải tăng lãi suất tiền đồng để chặn lạm phát. Nên đối với những nhà làm chính sách này thì duy trì các biện pháp kích thích tăng trưởng, trong đó có chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng, vẫn phải là ưu tiên chính sách.
Nói cách khác, họ không chấp nhận, không muốn đánh đổi mục tiêu tăng trưởng lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ít nhất cho đến khi đà tăng của GDP trong quí 2 và 3 đã được củng cố trong khi lạm phát bằng cách nào đó, chủ yếu là biện pháp hành chính, chưa xuất hiện trên các báo cáo chính thức ở mức độ “nguy hiểm”, có khả năng vượt xa mức mục tiêu 4% đặt ra.
Bởi các nhà làm chính sách theo hướng ưu tiên tăng trưởng kinh tế là số đông, và quan trọng hơn, có quyền chi phối định hướng chính sách của nền kinh tế nên rất có khả năng NHNN buộc phải duy trì một chính sách tiền tệ trung dung. Bản thân NHNN chắc cũng không muốn chứng kiến sự suy sụp của thị trường tài chính, bất động sản nếu chính sách tiền tệ được thắt chặt mạnh và nhanh kể cả khi lạm phát đã ngấp nghé ở mức cao.
Với khả năng trên, nếu đô la Mỹ tiếp tục mạnh lên và các đồng bản tệ khác tiếp tục suy yếu thì tiền đồng cũng sẽ chỉ được phá giá thêm ở mức độ rất khiêm tốn trong phần còn lại của năm nay so với đô la Mỹ.
Phan Minh Ngọc
TBKTSG
|