Trung Quốc tiếp tục đối mặt với làn sóng rút vốn
Thị trường tài chính Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng rút vốn cao kỷ lục khi nhiều nhà đầu tư ngoại không còn quá mặn mà với việc nắm giữ các tài sản bằng nhân dân tệ. Xu hướng này liệu có kéo dài?
Khối ngoại rút
Các nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm khoảng 15 tỉ đô la Mỹ trái phiếu Trung Quốc mà họ đang nắm giữ trong tháng 3, khiến đây trở thành tháng thoái vốn kỷ lục khỏi thị trường trái phiếu lớn thứ hai thế giới.
Các số liệu được Công ty Lưu ký và Thanh toán bù trừ trung ương Trung Quốc công bố hôm 8-4 cho thấy, các nhà đầu tư toàn cầu đã bán tháo 51,8 tỉ nhân dân tệ, tương đương với 8,1 tỉ đô la trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong tháng 3 – mức thoái vốn cao nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, khoảng 6,2 tỉ đô la trái phiếu doanh nghiệp phát hành bằng nhân dân tệ, chủ yếu là từ các ngân hàng chính sách, cũng bị bán tháo.
Các quỹ đầu tư toàn cầu đã giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Trung Quốc từ mức 11,1% trong tháng 2 xuống còn 10,8% trong tháng 3. Goldman Sachs cũng cắt giảm dự báo dòng vốn đổ vào thị trường trái phiếu Trung Quốc trong năm nay từ 140 tỉ đô la xuống còn 100 tỉ đô la.
Đây đã là tháng thứ hai liên tiếp thị trường trái phiếu Trung Quốc ghi nhận xu hướng dòng tiền rút ra. Con số này vẫn khá nhỏ so với tổng mức trái phiếu Trung Quốc mà các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ là 561 tỉ đô la. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Jonathan Fortun tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF), điểm đáng chú ý là ở chỗ làn sóng bán tháo các tài sản Trung Quốc đã không diễn ra trong những đợt căng thẳng thị trường gần đây, như cú sốc khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, hay cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ông cũng cho biết, các số liệu do viện nghiên cứu thu thập cho thấy, dòng vốn vẫn tiếp tục chảy mạnh khỏi thị trường Trung Quốc trong những ngày đầu tháng 4.
Tình hình tương tự cũng diễn ra đối với các cổ phiếu Trung Quốc, khi những số liệu của IIF cho thấy khoảng 6,3 tỉ đô la đã bị rút khỏi thị trường chứng khoán nước này – đánh dấu lần đầu tiên dòng vốn chứng khoán ra ròng kể từ tháng 9-2020.
Xu hướng này đánh dấu sự tương phản rõ rệt so với vài năm trước khi hoạt động đầu tư vào các tài sản Trung Quốc tăng vọt nhờ sự mở cửa của thị trường và việc cổ phiếu, trái phiếu của nước này được đưa vào chỉ số chuẩn toàn cầu. Tỷ lệ cổ phiếu của Trung Quốc và Hồng Kông mà các quỹ đầu tư lớn tại thị trường mới nổi nắm giữ đã tăng từ mức hơn 10% hồi năm 2008 lên gần 40% trong vòng vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, tỷ lệ này đã giảm trở lại mức 29% vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Sean Taylor, giám đốc phụ trách mảng tài sản tại công ty quản lý tài sản DWS của Đức cho biết, dòng vốn đổ vào Trung Quốc trong ba năm qua có thể đã bắt đầu chảy theo chiều ngược lại.
Giới đầu tư thận trọng trước các tài sản Trung Quốc
Các chuyên gia phân tích cho biết, đợt bán tháo có thể bắt nguồn từ một số tác nhân, bao gồm sự lo ngại về rủi ro địa chính trị khi đầu tư vào Trung Quốc, sự bất ổn kinh tế lan rộng và lợi thế về lợi tức đang giảm dần của thị trường so với trái phiếu Mỹ.
Ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại Ngân hàng ANZ, cho biết một số nhà quản lý quỹ quốc tế đang tỏ ra lo ngại về việc nắm giữ các tài sản Trung Quốc, trong bối cảnh phương Tây đang gia tăng áp lực trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine. Các biện pháp này được cho là có thể lan sang Trung Quốc – đối tác gần gũi của Nga theo một cách nào đó, ảnh hưởng lớn đến triển vọng của các tài sản như cổ phiếu và trái phiếu. Cũng theo ông Xing, Ngân hàng Trung ương Nga có khả năng bán bớt trái phiếu Trung Quốc đang nắm giữ để huy động tiền mặt và trả nợ nước ngoài, do các tài sản của họ ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đang bị phong tỏa chặt chẽ.
Bên cạnh đó, sự khác biệt về mặt chính sách của các ngân hàng trung ương cũng là một yếu tố đáng lưu tâm. Hồi năm ngoái, chênh lệch lợi suất trái phiếu Mỹ và Trung Quốc là hơn 2 điểm phần trăm. Song với việc ngân hàng trung ương hai nước đang có những động thái chính sách theo hướng ngược chiều nhau, lợi thế này đã dần biến mất.
Hôm 11-4, sự chênh lệch lợi tức giữa trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã thấp hơn Mỹ lần đầu tiên kể từ tháng 6-2010 trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang ngày càng quyết tâm hơn trong việc ngăn chặn lạm phát bằng cách nâng lãi suất nhanh hơn và giảm lượng trái phiếu nắm giữ, còn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) lại có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19.
Chuyên gia Xing Zhaopeng tại ANZ dự báo, dòng tiền sẽ tiếp tục rời khỏi thị trường trái phiếu Trung Quốc trong ngắn hạn khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có lợi thế chênh lệch 15 điểm cơ bản so với các trái phiếu cùng kỳ hạn của Trung Quốc trong năm tới, trong đó lợi suất đối với trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm là 3%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm hiện đã tăng 2 điểm cơ bản, lên 2,78% sau khi các dữ liệu mới công bố cho thấy hoạt động cho vay tại nước này đã mở rộng với tốc độ nhanh hơn dự kiến và chỉ số giá sản xuất tại các nhà máy tăng nhanh hơn dự kiến trong tháng 3. Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc PBoC tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để ứng phó với làn sóng dịch bệnh hiện nay và đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay.
Thị trường vẫn nằm trong tầm kiểm soát?
Trước những lo ngại của giới đầu tư, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) vẫn khẳng định những biến động ngắn hạn trong đầu tư trái phiếu và cổ phiếu xuyên biên giới trong thời gian gần đây không thể hiện xu hướng dài hạn của đầu tư nước ngoài vào thị trường tài chính Trung Quốc.
Wang Chunying, phát ngôn viên của SAFE, cho biết “thị trường tài chính quốc tế đang chịu nhiều tác động từ chính sách tiền tệ của các nước lớn, tình hình địa chính trị, sự trỗi dậy của dịch bệnh Covid-19 và các yếu tố khác”. Do vậy, sự gia tăng biến động của đầu tư nước ngoài vào cổ phiếu và trái phiếu tại Trung Quốc là chuyện dễ hiểu, nằm trong biên độ bình thường và có thể kiểm soát được.
Tạp chí tài chính Trung Quốc Caixin hôm 7-4 dẫn lời một quan chức SAFE giấu tên cho biết, bất chấp những biến động thị trường trong thời gian gần đây, vốn đầu tư nước ngoài vào các tài sản bằng đồng nhân dân tệ vẫn sẽ tăng trong dài hạn. “Những biến động ngắn hạn trong đầu tư tài chính xuyên biên giới không thể hiện sự đảo ngược xu hướng dài hạn của đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn Trung Quốc”, quan chức này khẳng định.
Chia sẻ quan điểm trên, các chuyên gia phân tích tại Macquarie Group cho biết: “Đúng là Trung Quốc đã chứng kiến dòng vốn đáng kể rút khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 2. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng dòng vốn đổ vào thị trường Trung Quốc”. Các số liệu mới nhất cho thấy, tính đến cuối tháng 2-2022, tổng giá trị thị trường của trái phiếu và cổ phiếu sở hữu nước ngoài ở Trung Quốc là 1.250 tỉ đô la.
Dòng tiền chảy ra từ các thị trường nội địa của Trung Quốc kết hợp với việc lợi tức suy giảm đang làm dấy lên nghi ngờ về sức mạnh của nhân dân tệ. Đồng nhân dân tệ giao dịch tại thị trường Trung Quốc đã giảm 0,1% xuống 6,3696 nhân dân tệ đổi một đô la vào ngày 11-4, dù vẫn là đồng tiền có diễn biến tích cực hàng đầu tại châu Á trong năm nay, nhờ thặng dư tài khoản vãng lai mạnh mẽ của Trung Quốc.
Edmund Goh, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại Trung Quốc của Công ty Abrdn Plc có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Các nhà đầu tư đang tỏ ra lo ngại về việc định giá nhân dân tệ nếu Trung Quốc không còn lợi thế về lãi suất cao hơn”.
Tuy nhiên, chuyên gia Agrawal của Barclays không cho rằng đợt rút vốn cao kỷ lục khỏi trái phiếu có thể tác động tiêu cực đến tiền tệ Trung Quốc. Theo ông, xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà quản lý quỹ muốn giảm thiểu rủi ro trong ngắn hạn, và thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc hoàn toàn có thể bù đắp được những khó khăn này.
Do vậy, các nhà phân tích tin rằng, giới đầu tư vẫn nên đặt cược vào các tài sản Trung Quốc trong dài hạn, trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát tại nước này vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ.
Dòng vốn sẽ đi về đâu?
Một tháng sau khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bùng phát, dòng vốn rút khỏi Nga lên đến 32 tỉ đô la. Nay thêm dòng vốn rút khỏi Trung Quốc. Vậy đích đến mới của dòng tiền mới là ở đâu?Khảo sát dữ liệu Data Watch của Nikkei Asia chỉ ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) chuyên về chứng khoán ở các thị trường tự do.Các quỹ hoán đổi danh mục ETF lại liên quan đến Chỉ số thị trường mới nổi Freedom 100 vốn sử dụng mức độ tự do kinh tế và chính trị của một quốc gia làm chỉ số chủ yếu. Các quỹ này đã nhận dòng vốn lớn nhất từ trước đến nay với 53 triệu đô la vào tháng 3 vừa rồi. Quỹ đầu tư chính phủ lớn nhất thế giới của Na Uy đã quyết định loại công ty quần áo thể thao hàng đầu Trung Quốc Li Ning khỏi danh mục đầu tư do các cáo buộc về quyền lao động. Giá cổ phiếu Li Ning đã giảm hơn 10% trong tháng rồi.Nhưng tiền đổ vào ETF chỉ là con sổ lẻ. Tạp chí Modern Diplomacy nói thị trường tài chính EU vẫn không được ưa chuộng bởi các tác động địa chính trị của cuộc chiến ngay trong khu vực. Tác động trên thị trường tài chính có thể kéo đồng euro đi xuống. EU cũng sẽ chịu tác động gián tiếp từ các lệnh trừng phạt của mình và đồng minh với Nga. Các ngân hàng châu Âu đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các khoản nợ của doanh nghiệp Nga. Bất kỳ sự gia tăng rủi ro nào cũng có thể gây mất ổn định hệ thống tài chính toàn cầu.Phần lớn dòng vốn rút khỏi Nga, châu Âu và Trung Quốc dự kiến cuối cùng cũng sẽ trở lại Mỹ và càng tăng vị thế cho thị trường vốn có tính ổn định cao của xứ cờ hoa. Tuy vậy, Modern Diplomacy cho rằng, giá năng lượng tiếp tục tăng cũng sẽ đẩy đà lạm phát ở Mỹ, gây rủi ro dài hạn cho thị trường tài chính của nước này. Điều này sẽ làm tăng thêm khó khăn trong việc thực thi chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).Mỹ và châu Âu có lợi thế trong lĩnh vực tài chính. Các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga có thể khiến thị trường tài chính toàn cầu gặp rủi ro địa chính trị, cũng như làm tăng chi phí và rủi ro giao dịch tài chính. “Những thay đổi về chính sách và thị trường này phát sinh từ xung đột Nga – Ukraine sẽ cho thấy sự gia tăng rủi ro đối với nguồn vốn toàn cầu”, Modern Diplomacy kết luận.
Ricky Hồ
|
Lạc Diệp
TBKTSG
|