Trái phiếu và trái đắng
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam dù còn sơ khai nhưng vài năm gần đây đã phát triển rất "nóng". Bên cạnh vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng, một yếu tố khác dẫn tới sự bùng nổ của thị trường đó chính là... quản lý chưa chặt!
Khá nhiều DN khi cạn kiệt vốn đã sử dụng đến "vũ khí" cuối cùng là phát hành trái phiếu. Mồi nhử chính là lãi suất thật cao. Trái phiếu "3 không" mà vẫn bán ào ào, huy động được hàng ngàn tỉ, thì hiển nhiên là phải có nhiều kẽ hở để cái sự vô lý ấy lách qua được.
Kẽ hở thứ nhất là mượn danh ngân hàng (NH) để tạo nên cảnh nhập nhoạng, tranh tối tranh sáng nhằm dễ dàng bán trái phiếu. Thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp, NH không phải là bên phát hành, cũng không là kênh phân phối, mà chỉ làm dịch vụ; nhưng DN phát hành trái phiếu cố tình gắn tên NH vào, quảng bá rất "kêu" để tạo sự tin tưởng về bảo lãnh thanh toán. Nghĩ rằng có NH này NH kia hậu thuẫn cho DN bán trái phiếu thì yên tâm, nhà đầu tư cứ thế mà xuống tiền, đến khi bể ra xì-căng-đan thì đã cắn trái đắng.
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu với mục đích huy động vốn cho nhiều dự án bất động sản. Ảnh: MINH CHIẾN
|
Kẽ hở thứ hai nảy nòi từ chính lòng tham của bên mua trái phiếu. Ai cũng biết sức hấp dẫn của trái phiếu nằm ở lãi suất. Các DN phát hành trái phiếu đều công bố lãi suất danh nghĩa rất cao, từ 9,9% đến 12%/năm, thậm chí có trường hợp còn thỏa thuận trả thêm cho trái chủ 50% lợi nhuận thực nhận vào cuối kỳ.
Trong khi lãi suất tiết kiệm VNĐ của hệ thống NH hiện này khá thấp, chỉ 5,5% - 6,0%/năm, lãi suất tiền gửi USD cũng thấp, còn vàng là kênh đầu tư nhiều rủi ro thì rõ ràng trái phiếu DN quá béo bở. Do vậy, nhiều người tối mắt nhảy vào và dính bẫy DN phát hành trái phiếu đã giăng sẵn.
Kẽ hở thứ ba là từ các cơ quan quản lý và cũng từ các nhà đầu tư. Với mức độ minh bạch quá thấp như hiện nay, trong hầu hết trường hợp, trái chủ không thể biết được đối tác bán trái phiếu cho mình có sử dụng dòng tiền đúng vào mục đích đã công bố và cam kết hay không. DN thì cố tình mập mờ thông tin, cũng chẳng màng báo cáo tình hình làm ăn cho trái chủ.
Trong khi đó, cơ quan quản lý, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán nhà nước, không theo dõi kịp và sát việc sử dụng dòng tiền của DN. Đến lúc sự việc vỡ lở, như vụ Tân Hoàng Minh, thì khả năng bên mua trái phiếu đòi lại được tiền chẳng khác nào "bắc thang lên hỏi ông trời...".
Khi đã tụt "ôxy thanh khoản", "khô máu"..., DN bất chính dám dùng đủ chiêu để có tiền. Trái phiếu có thể được sử dụng làm công cụ đảo nợ (lấy tiền của người mua trái phiếu sau trả cho người mua trước), tiềm ẩn rủi ro dây chuyền, dẫn tới nguy cơ nợ xấu và mất ổn định tiền tệ bất kỳ lúc nào.
Nhiều câu hỏi đặt ra vào lúc này: Ai tuýt còi khi DN chào lãi suất trái phiếu cao bất thường? Cơ chế nào buộc DN phải cáo bạch dòng tiền đã huy động? Mức phạt hiện nay đã thỏa đáng chưa? Và, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định bên mua trái phiếu DN phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhưng tại sao trên thực tế chỉ cần đưa tiền lót tay thì bà bán tạp hóa cũng có chứng chỉ hành nghề!?...
Trả lời được, tức là nhìn ra giải pháp để bít lỗ hổng.
A.Q
Người lao động
|