Tổng cục Thuế nói gì trước đề xuất giảm thuế VAT 2% hàng loạt?
Sau hơn 2 tháng triển khai, chính sách giảm thuế VAT vẫn rối rắm. Trước đề xuất giảm VAT 2% với tất cả, Tổng cục Thuế cho rằng nhiều ngành không ảnh hưởng đại dịch mà vẫn được giảm là không công bằng...
Doanh nghiệp vẫn "rối ren" vì ma trận giảm thuế VAT 2%.
|
Đề cập đến một trong những chính sách nổi bật trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” do Thời báo Tài chính Việt Nam, thuộc Bộ Tài chính và Tạp chí Nhà đầu tư, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 7/4, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho hay cộng đồng doanh nghiệp, người dân đều mong mỏi giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% trong tất cả các lĩnh vực. Cơ quan quản lý cũng mong muốn chính sách áp dụng toàn diện sẽ giúp doanh nghiệp đơn giản hơn về thủ tục.
"Nếu giảm VAT mọi lĩnh vực rất đơn giản nhưng sẽ không công bằng với mọi doanh nghiệp. Bởi có một số ngành trong đại dịch không bị ảnh hưởng như: công nghệ thông tin, thương mại điện tử, ngân hàng tài chính, bất động sản... Do đó, chúng ta phải loại trừ một số ngành nghề", ông Minh phân tích.
"Ma trận'' giảm thuế suất thuế VAT 2%
Dự kiến, Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, nổi bật là chính sách giảm thuế VAT 2% khi áp dụng, sẽ khiến ngân sách hụt thu 49.400 tỷ đồng nhưng lại góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Qua đó, có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng triển khai, những "rối ren" trong quá trình thực thi vẫn chưa tháo gỡ hết, doanh nghiệp vẫn rối bời trong ma trận hàng chục trang với hàng ngàn hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng giảm thuế VAT ban hành trong các phụ lục kèm theo Nghị định số 15.
Bất lực trong quá trình áp dụng, thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng thuế suất VAT nên giảm hàng loạt cho tất cả mọi sản phẩm, dịch vụ trong mọi ngành nghề, để gỡ khó khăn cho kế toán viên và doanh nghiệp.
Tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp trong Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội cũng đặt vấn đề, chính sách áp dụng bắt đầu ngày 1/2/2022, đúng dịp Tết Nguyên đán liệu có sớm quá không trong khi, các Nghị định, Thông tư ban hành quá muộn, dẫn đến vướng mắc trong triển khai.
Chẳng hạn, doanh nghiệp thắc mắc có những hợp đồng đã thanh toán năm 2021 nhưng nộp thuế VAT vào năm 2022 có giảm không, nộp trước nhưng lại quyết toán sau, có được áp dụng giảm VAT hay không?
"Giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp liệu có xung đột quan điểm hay không?", ông Thân đặt câu hỏi và nói thêm, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa thấy vấn đề thường phản ánh ngay nhưng đôi khi về logic, sự hợp lý lại không xem xét được toàn diện.
Mặc dù thấu hiểu những khó khăn thời gian qua của doanh nghiệp nhưng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, thuế VAT là nguồn thu ổn định trong ngân sách nhà nước, vì vậy, Chính phủ phải rất cân nhắc và mạnh dạn cắt giảm 2% thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8%, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, tính từ ngày 1/2/2022 cho đến ngày 31/12/2022, để kích thích sức mua, tạo đà phục hồi nền kinh tế.
Do đó, trong thiết kế của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đã đưa ra các phụ lục danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế suất thuế VAT 8%.
Kinh tế ''đóng băng'', vì đâu ngân sách vẫn sớm về đích?
Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, ngành tài chính dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính triển khai rất nhiều biện pháp chuyển đổi số để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, mặc dù giãn cách nhưng doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và tuân thủ nghĩa vụ thuế như bình thường.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh: "Trong giai đoạn đầu năm 2021, chúng tôi đánh giá khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch thu ngân sách rất khó khăn, tuy nhiên, đến khi Chính phủ quyết tâm thực hiện mở cửa tháng 9, tháng 10, nền kinh tế như lò xo nén chặt, bật lên mạnh mẽ".
|
Bên cạnh đó, các chính sách giãn, hoãn, miễn giảm các loại phí, lệ phí, thuế được áp dụng những quy định rất đơn giản để người dân người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng thụ hưởng.
Theo đó, ngành thuế gấp rút triển khai hàng loạt đề án lớn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như tăng cường năng lực về quản trị như triển khai hệ thống hóa đơn điện tử triển khai từ ngày 21/11/2021 và đẩy nhanh đề án triển khai hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế. Từ đó, tạo công cụ giúp doanh nghiệp nâng cao quản trị cũng như tạo ra một thị trường về dịch vụ về hóa điện tử, dịch vụ về chuyển đổi, thanh toán cho doanh nghiệp trên nền tảng số.
Gần đây nhất, Tổng cục Thuế vừa công bố Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, vừa siết chặt quản lý, vừa tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động thương mại điện tử và hoạt động để dịch vụ trên nền tảng số.
Luật quản lý Thuế số 38 đưa ra những giải pháp mới đột phá, không theo nguyên tắc truyền thống như phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông về quản lý các nhà mạng cũng như trang mạng xã hội, phối hợp với Bộ Công thương về quản lý các sàn thương mại điện tử và phối hợp Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, "truy vết" dòng tiền.
"Dựa trên nền tảng nền tài chính bền vững được xây dựng trong nhiều năm qua và đặc biệt vẫn có những tích lũy trong đại dịch, ngân sách có dư địa tiếp tục thực hiện các giải pháp tài khoá trong năm 2022", Thứ trưởng Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.
Nhờ đó, năm 2021 dù giãn cách xã hội với những biện pháp ngặt nghèo từ tháng 4-9, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ đều ngừng trệ, nền kinh tế có những thời điểm "đóng băng" diện rộng, nhưng số thu ngân sách ngành thuế quản lý năm 2021 vẫn sớm "về đích", thậm chí vượt xa so với kế hoạch thận trọng Nhà nước đặt ra đến 15%.
Để đạt được thành công trong nhiệm vụ ngân sách - tài chính năm vừa qua, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, thứ nhất, chính sách hỗ trợ của Chính phủ trên diện rộng cho nền kinh tế thực sự đi vào cuộc sống, khoan sức dân và khoan sức doanh nghiệp, để trong lúc khó khăn và giãn cách xã hội, doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để tích lũy.
Thứ hai, liên quan đến vấn đề nội sinh của nền kinh tế, nền kinh tế của Việt Nam có nội sinh rất lớn và có sự kết nối với nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Mặc dù bị giãn cách, các doanh nghiệp, các khu công nghiệp vẫn nỗ lực xoay xở, tìm mọi biện pháp, duy trì sản xuất ba tại chỗ, vẫn hoạt động bình thường bằng những biện pháp hỗ trợ Chính phủ, duy trì xuất khẩu mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, tính tuân thủ của người nộp thuế cũng được nâng cao. Nguyên tắc của quản lý thuế tự khai, tự tính, tự nộp, tạo điều kiện cho người dân và tuân thủ nhiệm vụ một cách tự nguyện. Ngành thuế không đủ năng lực có thể cả đi theo tất cả người dân và từng cá nhân, vì vậy, ngành thuế đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ trực tuyến như các app mobile, giúp cá nhân có thể truy cứu tất cả nghĩa vụ về thuế hoặc thông qua điện thoại thông minh có thể nộp thuế ngay lập tức, hoàn thành các nhiệm vụ của mình đối với nhà nước...
Từ cuối năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu mang lại những thách thức chưa từng có, tác động rất lớn đến sự phát triển chung của thế giới cũng như Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế, xã hội của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt trong năm 2021 vừa qua.
Trong bối cảnh đó, ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 về Chính sách tài khoá tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tại Nghị quyết này Quốc hội đã quyết định chính sách hỗ trợ Chương trình có quy mô, nguồn lực đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu và cấp ủy, chính quyền các cấp.
Chính sách tài khoá là trụ cột của chương trình phục hồi. Tại Nghị quyết 43, hàng loạt chính sách tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế như giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 cho kỳ tính thuế 2022. Đồng thời, tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Bên cạnh đó, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động; Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm.
|
Ánh Tuyết
VnEconomy
|