Thứ Ba, 26/04/2022 09:04

Bài cập nhật

TGĐ Mai Kiều Liên: Ngành sữa chưa bão hòa, doanh thu Vinamilk đến 2025 đạt 86,000 tỷ 

Sáng ngày 26/04, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 theo hình thức trực tuyến. Năm nay VNM lên kế hoạch doanh thu trên 64,000 tỷ đồng và lãi ròng 9,720 tỷ đồng, cổ tức tiền mặt duy trì tỷ lệ 38.5% (3,850 đồng/cp). Cuộc họp cũng đánh dấu việc Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm rời khỏi HĐQT sau nhiều năm gắn bó.

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VNM tổ chức sáng ngày 26/04. Tính đến 8h30, tỷ lệ cổ phiếu tham dự Đại hội đạt trên 81%

*Tài liệu họp ĐHĐCĐ Vinamilk

Duy trì trả cổ tức cao 38.5%

Cuộc họp lần này, HĐQT trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 38.5%, trong đó Công ty đã tạm ứng 2 đợt vào tháng 9/2021 (15%) và tháng 1/2022 (14%). Cổ tức còn lại 9.5% dự kiến sẽ được chi trả vào tháng ́8/2022 theo ngày đăng ký cuối cùng là 07/07.

Bên cạnh đó, dự kiến cổ tức năm 2022 cũng duy trì cùng tỷ lệ 38.5% tương ứng số tiền dự chi hơn 8,000 tỷ đồng. Công ty dự kiến sẽ tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 với tỷ lệ 15% cùng thời điểm với cổ tức còn lại của năm 2021.

Năm 2022, VNM tiếp tục duy trì cổ tức ở mức cao 38.5% tương đương năm trước. Cổ tức còn lại của năm 2021 (9.5%) và cổ tức tạm ứng đợt 1 năm 2022 (15%) dự kiến sẽ được tạm ứng vào tháng 8 tới.

Củng cố vị thế đầu ngành, phát triển chiến lược tiếp cận và phân phối đa kênh

Kế hoạch cho giai đoạn 2022-2026, VNM tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu ngành sữa Việt Nam; đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, hướng đến phục vụ nhu cầu dinh dưỡng toàn diện; đặt trải nghiệm người tiêu dùng làm trọng tâm trong việc phát triển chiến lược tiếp cận và phân phối đa kênh.

Công ty sẽ đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, phát triển chiến lược tiếp cận và phân phối đa kênh.

VNM ứng dụng công nghệ Internet vạn vật, dữ liệu lớn, và tự động hóa và robotics, từ đó nâng cao tính minh bạch, hiệu quả khai thác, và đa dạng sinh học của các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, và khai thác. Phát triển hệ thống trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất Việt Nam. Triển khai thực hành các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, tăng cường sử dụng năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ tài nguyên nước và đất.

Khai thác cơ hội kinh doanh tại các thị trường mới thông qua các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A), liên doanh, hoặc đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ và đầu tư các dự án start-up khởi nghiệp phù hợp với chiến lược tăng trưởng của Công ty; tiếp tục củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm cơ hội chuyển dịch đầu tư sản xuất tại chỗTiếp tục xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng đến đổi mới và sáng tạo; thiết lập môi trường làm việc và đào tạo để nhân viên làm chủ cơ hội chuyển đổi mới.

Kế hoạch doanh thu 2022 tăng trưởng lên trên 64,000 tỷ đồng

Về tài chính, VNM đặt mục tiêu năm 2022 sẽ đem về doanh thu 64,070 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước; lãi ròng dự kiến đạt 9,720 tỷ đồng, thu hẹp 8%.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của VNM
(Đơn vị tính: Tỷ đồng)

Với mức tăng 2.2% so với năm 2020, tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 của VNM đạt 61,012 tỷ đồng, lần đầu vượt mức 60,000 tỷ đồng và thực hiện 98.2% kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, doanh thu hợp nhất quý 4/2021 đã tăng trưởng xấp xỉ 10%, là mức tăng trưởng theo quý nhanh nhất trong gần 5 năm trở lại đây.

Doanh thu thuần của hoạt động kinh doanh quốc tế đạt 9,717 tỷ đồng, tăng 10.5% so với năm 2020. Các thị trường trọng điểm tại Trung Đông, Hoa Kỳ và Campuchia tiếp tục đóng vai trò chủ chốt và duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu đối với sản phẩm sữa vẫn phục hồi và công tác phát triển thị trường đạt hiệu quả cao. Với 2 thị trường xuất khẩu mới được khai thác trong năm, tổng số thị trường xuất khẩu lũy kế đã tăng lên 57.

Nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới, VNM hợp tác cùng Vilico để đầu tư và xây dựng Nhà máy chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Dự án nhà máy sữa tại Hưng Yên có tổng mức đầu tư dự kiến là 4,600 tỷ đồng (gần 200 triệu USD), trên diện tích gần 25 ha, tổng công suất thiết kế ước đạt khoảng 400 triệu lít/năm.

Bà Lê Thị Băng Tâm rời khỏi HĐQT Vinamik

Thay đổi đặc biệt về mặt nhân sự, bà Lê Thị Băng Tâm rời khỏi HĐQT cũng như vị trí Chủ tịch HĐQT cho nhiệm kỳ 2022-2026 của VNM.

Được biết, Bà Lê Thị Băng Tâm sinh năm 1947, là tiến sỹ kinh tế đại học Kinh tế Tài chính Leningrat và có chứng chỉ tài chính quốc tế tại trường North University London. Bà nắm giữ vị trí cao nhất tại VNM từ tháng 7/2015.

Trước đó, bà Lê Thị Băng Tâm từng là Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), Thứ trưởng Tài chính (1995-2006), Phó Cục trưởng, Cục trưởng, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trung ương và nhiều chức vụ khác tại Bộ Tài chính.

Bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT

Cái tên được bầu bổ sung thay thế là ông Nguyễn Hạnh Phúc. Ông Phúc là Uỷ viên TW Đảng, Uỷ viên Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia.

Bà Lê Thị Băng Tâm (trái) chúc mừng các thành viên trúng cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2022-2026

Thảo luận:

VNM đã chốt giá sữa bột đến tháng 8/2022

Kế hoạch M&A trong 5 năm tới?

TGĐ Mai Kiều Liên: Vẫn tập trung vào ngành tiêu dùng nhanh, liên quan đến sức khỏe, dinh dưỡng.

Giá bột sữa chốt đến thời gian nào?

TGĐ Mai Kiều Liên: Chúng tôi đã chốt giá sữa bột đến tháng 8/2022. Việc tăng giá sữa để đảm bảo kết quả kinh doanh 2022.

Tại sao sữa là sản phẩm thiết yếu nhưng lại bị ảnh hưởng trong COVID?

TGĐ Mai Kiều Liên: Giai đoạn vừa qua thì mì ăn liền là sản phẩm phát triển nhanh nhất, giá tiền hợp lý và đáp ứng nhu cầu “no” là quan trọng. Trong khi đó sữa là sản phẩm cho dinh dưỡng. Năm 2021, rất nhiều người mất việc làm, thu nhập giảm, do đó, việc no được ưu tiên hơn dinh dưỡng.

Trong 2021, VNM cũng gia tăng doanh thu nhưng lợi nhuận thì không được như vậy. Bên cạnh đó, Công ty cũng tích cực chung tay, đồng hành cùng Chính phủ trong việc chống dịch. VNM hầu như không tăng giá dù giá nguyên vật liệu lên cao.

Chiến lược sản phẩm kênh phân phối để tăng trưởng?

TGĐ Mai Kiều Liên: Chúng tôi cũng tập trung vào sản phẩm cao cấp khi nhu cầu cuộc sống lên cao. Về kênh phân phối, chúng tôi đã có cả kênh truyền thống (các nhà phân phối, điểm lẻ), hiện đại và thương mại điện tử. Trong dịch, kênh hiện đại (siêu thị, cửa hàng) vẫn có mức tiêu thụ tốt hơn kênh truyền thống. Xu hướng chuyển từ kênh truyền thống sang hiện đại là tất yếu.

Thương mại điện tử vẫn là một cơ hội, theo báo cáo, tuy doanh thu chưa cao nhưng đã tăng trưởng gấp 3 lần. Sắp tới VNM sẽ có chiến lược dài hạn cho thương mại điện tử như các doanh nghiệp quốc tế như Amazone, Alibaba, chúng ta sẽ học hỏi từ các doanh nghiệp như vậy.

Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc VNM

Doanh thu 2025 dự kiến đạt 86,000 tỷ đồng

Lý giải mức tiêu thụ sữa Việt Nam còn thấp trong khi lượng sữa trên đầu người ở mức thấp so với khu vực?

TGĐ Mai Kiều Liên: Thực tế Việt Nam không phải là nước có truyền thống sử dùng sữa, trước đó đa phần các sản phẩm sữa đều nhập khẩu, không có ngành công nghiệp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa. Chúng ta xuất phát cũng là nước sau chiến tranh, GDP tăng trưởng chưa cao, mức sống chưa so được với các nước phát triển. VNM đẩy mạnh truyền thông, nỗ lực đưa mức tiêu thụ sữa ở Việt Nam tăng lên. Qua 12 năm gần đây, với nỗ lực của doanh nghiệp trong ngành sữa, lượng sữa tiêu thu trung bình đã tăng 2.5 lần.

Tổng doanh thu ngành sữa dự báo đến 2025 đạt 136 ngàn tỷ đồng, trong đó VNM chiếm khoảng 86 ngàn tỷ đồng.

Động lực tăng trưởng của VNM?

TGĐ Mai Kiều Liên: Động lực tăng trưởng chủ yếu vẫn là các sản phẩm của VNM vẫn kiên trì tỏng suốt 45 năm qua, đảm bảo dinh dưỡng cho mọi đối tượng, mọi thành phần với chất lượng quốc tế và giá cả cạnh tranh.

Tổng sản lượng sữa organic năm 2022 là bao nhiêu? Biên lợi nhuận sản phẩm này cao hay thấp hơn các dòng hiện tại?

TGĐ Mai Kiều Liên: Khi đưa vào từ 2019, dòng sản phẩm Organic đã ghi nhận một bộ phận đáng kể người tiêu dùng sử dụng, trung thành với sản phẩm này. Đây là sản phẩm kén người mua, giá thành cao, cần có thời gian chuyển biến nhận thức và hành vi người tiêu dùng.

Đến khi thời điểm kinh tế phát triển, thị trường chín muồi thì đây sẽ là một xu thế tất yếu như các nước phát triển. Organic là sản phẩm VNM chuẩn bị cho tương lai. Một số thông tin là bí mật kinh doanh chúng tôi không thể chia sẻ. 

VNM đánh giá như thế nào về sức cạnh tranh của các sản phẩm mới đưa ra thị trường (như sữa tổ yến)?

TGĐ Mai Kiều Liên: Các sản phẩm này đều mới ra đời từ 2020 và 2021, ghi nhận có xu hướng tăng trưởng bền vững. Chúng tôi kỳ vọng các sản phẩm này sẽ tiếp tục tăng trưởng, đóng góp vào doanh thu lợi nhuận của Công ty.

Thị trường sữa có dấu hiệu bão hòa ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của VNM?

TGĐ Mai Kiều Liên: Khả năng tăng trưởng của thị trường sữa trong tương lai vẫn phụ thuộc vào các yếu tố cốt lõi như tăng trưởng GDP, thu nhập, dân số, số lượng trẻ em ra đời mỗi năm,… Do đó chúng tôi đánh giá thị trường sữa chưa bão hòa vẫn còn nhiều tiềm năng.

Giá cổ phiếu dường như diễn biến không tương xứng với doanh nghiệp? VNM có động thái mua cổ phiếu quỹ hay không?

TGĐ Mai Kiều Liên: Giá cổ phiếu trên thị trường do quy luật của thị trường. Công ty không có kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ. Bản thân VNM sẽ cố gắng phát triển bền vững.

Kế hoạch doanh thu xuất khẩu năm 2022 của VNM?

Bà Mai Kiều Liên: Năm 2021 tăng trưởng xuất khẩu là 10%. Chúng tôi phấn đấu năm 2022 tăng trưởng xuất khẩu 5%-10% trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng rất cao (37-40%).

Kế hoạch niêm yết cổ phiếu ra thị trường quốc tế?

Bà Lê Thị Băng Tâm: Cách đây mấy năm VNM đã có nghiên cứu nhưng bây giờ thực hiện không dễ dàng. Chúng tôi chưa có kế hoạch trong ngắn hạn. Trong tương lai đó cũng là 1 định hướng cho VNM.

Cuộc họp kết thúc với tất cả tờ trình đều được thông qua.

Duy Na

FILI


Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2022 của CTCP Sữa Việt Nam (VinamilkHOSEVNM), danh sách ứng viên vào HĐQT không xuất hiện tên bà Lê Thị Băng Tâm. Điều này đồng nghĩa bà Tâm có thể sẽ rời vị trí Chủ tịch HĐQT VNM sau kỳ Đại hội sắp tới.
Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ TLG: Lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 đạt gần 115 tỷ đồng (26/04/2022)

>   PPI: Báo cáo tài chính quý 1/2022 (25/04/2022)

>   VNP: Báo cáo tài chính quý 1/2022 (công ty mẹ) (25/04/2022)

>   VNP: Báo cáo tài chính quý 1/2022 (25/04/2022)

>   SNZ: Báo cáo tài chính quý 1/2022 (công ty mẹ) (25/04/2022)

>   PFL: Báo cáo tài chính quý 1/2022 (25/04/2022)

>   WSB: Báo cáo tài chính quý 1/2022 (công ty mẹ) (25/04/2022)

>   SD3: Báo cáo tài chính quý 1/2022 (công ty mẹ) (25/04/2022)

>   SEA: Báo cáo tài chính quý 1/2022 (công ty mẹ) (25/04/2022)

>   VHF: Báo cáo tài chính quý 1/2022 (25/04/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật